SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 09/04/2024
  • Click để copy

Thổ Hà: Bước chuyển mình trong thời đại mới

07:48, 09/04/2024
(SHTT) - Không ruộng đồng, không thể canh tác cây lương thực, nhưng bằng tinh thần chịu thương chịu khó cùng đôi bàn tay tài hoa của người dân Thổ Hà, ngôi làng cổ của trấn Kinh Bắc vẫn duy trì tốt những nghề thủ công truyền thống vang danh một thời.

Làng Thổ Hà (nay thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là một ngôi làng với tuổi đời cả nghìn năm., Vớicó ba mặt giáp sông Cầu cầu, khiến làng như trở thành một bán đảo giữa không gian thiên nhiên.

Khác với hầu hết những vùng nông thôn trên cả nước, làng Thổ Hà không hề có vườn tược, ruộng đồng trù phú để trồng trọt, canh tác. 90% người dân trong làng sống bằng nghề thủ công và nghề phụ. Dẫu vậy, mảnh đất Thổ Hà vẫn khiến người ta nhớ đến bởi những điểm độc đáo do chính người dân nơi đây tạo nên.

Nghề gốm “vang bóng một thời”

Làng Thổ Hà từng là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa của người Việt, bên cạnh Phù Lãng (Bắc Ninh) và Bát Tràng (Hà Nội). Nghề gốm của làng bắt đầu từ thế kỉ 14 do Thánh sư Đào Trí Tiến truyền dạy.

Suốt hàng trăm năm, gốm Thổ Hà nổi danh bởi vẻ đẹp dung dị và tính hữu dụng, gần gũi với đời sống nhân dân. Với địa thế sát dòng sông Cầu, Thổ Hà từng là một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ. cổng làng bề thế uy nghi.

Các sản phẩm của gốm của làng được làm từ loại đất sét vàng, đất sét xanh, ít sạn và tạp chất có đặc tính dễ tạo hình và định hình khi nung ở nhiệt độ cao, được lấy từ vùng Chóa, Xuân Lai (Bắc Ninh). Cũng nhờ vậy mà Thổ Hà có thể tạo ra các sản phẩm cỡ lớn, có dung tích hàng trăm lít.

Đồ gốm Thổ Hà đặc biệt ở chỗ không tráng men mà được nung ở nhiệt độ cao để tự chảy men ra và thành sành. Gốm màu nâu sẫm, mảnh gốm có cá cạnh sắc như dao, chất lỏng hay lương thực cất trữ trong chum gốm không bao giờ lo bị rò rỉ hay mốc, hỏng. Gốm của Thổ Hà có thể để hàng nghìn năm mà không bị mất màu do kỹ thuật nung tốt.

tho ha  1

Một phần dấu tích của nghề gốm cổ xưa - những chum vại còn nguyên vại tại đình Thổ Hà 

Đến tận những năm 60 của thế kỷ trước, Thổ Hà vẫn là một trung tâm gốm sứ nổi tiếng ở miền Bắc, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Do cư dân trong làng ngày càng đông đúc, các lò gốm tốn nhiều diện tích và gây ô nhiễm nên Nhà nước thành lập Xí nghiệp gốm Đá Vang trên vùng đồi núi của làng Lát cách Thổ Hà 3km về hướng Bắc.

Từ đó, toàn bộ người dân làm nghề gốm của làng đã trở thành công nhân của Xí nghiệp Nhà nước. Đầu những năm 80, kinh tế khó khăn khiến nhiều công nhân bỏ việc ở xí nghiệp. Đến năm 1988, đồ nhựa đã trở nên thông dụng, các sản phẩm gốm, sành thất thế nên Xí nghiệp gốm Đá Vang giải thể, đặt dấu chấm hết cho nghề gốm gần 7 thế kỷ của làng Thổ Hà.

Hiện nay, trong làng còn lưu giữ nhiều dấu vết của một thời vàng son gốm Thổ Hà như đình, chùa, những vách tường, mái nhà hay chum vại rải rác quanh làng. Theo cụ Trịnh Xuân Tỉnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của làng, vẫn còn một số gia đình đang cố gắng tái hiện nghề gốm cổ xưa nhưng gặp khá nhiều khó khăn.

Nổi danh với nghề bánh đa, mì gạo

Nghề gốm thất thế do sự chuyển mình của thời đại cũng là cơ hội để nghề làm bánh đa, mì gạo của làng Thổ Hà xuất hiện và phát triển.

Bằng sự nhanh nhạy với thời cuộc, tinh thần vượt khó và bàn tay khéo léo, từ những năm 90 của thế kỷ trước, người dân Thổ Hà bắt đầu chuyển sang làm các sản phẩm từ gạo như mì, bánh đa, một số khác kinh doanh buôn bán.

Ban đầu, các sản phẩm đều được làm thủ công nên năng suất không được cao. Từ khoảng năm 2005, người dân đầu tư máy móc, khiến cho sản lượng tăng gấp 10 lần, chất lượng mì, bánh đa cũng đồng đều hơn. Hiện nay, Thổ Hà có khoảng gần 600 hộ gia đình đang làm nghề, sản lượng trung bình 7000 bánh/hộ/ngày với bánh đa và 250kg/hộ/ngày với mì gạo.

Cũng giống như nghề gốm trước kia, nguyên liệu chính là gạo không có sẵn tại địa phương nên người dân thường thu mua từ các vùng lân cận như Hiệp Hòa, Yên Dũng.

Gạo được lựa chọn, sàng lọc kỹ lưỡng bởi đôi mắt nhạy bén của những người làm nghề lão luyện. Mì gạo, bánh đa Thổ Hà được phơi nắng mà không dùng lò sấy công nghiệp nên trong từng sợi mì, tấm bánh đều có mùi thơm tự nhiên đặc trưng của một vùng nắng gió sông Cầu.

Đi dọc con đường làng, những tấm phên phơi bánh đa, bánh tráng để cắt thành sợi mì được người làng sắp xếp cẩn thận, vàng ươm dưới nắng. Nhờ nghề mì gạo, bánh đa, người dân Thổ Hà có cuộc sống sung túc hơn.

tho ha 2

Con đường làng nhộn nhịp bởi hoạt động phơi bánh đa nem mỗi khi trời nắng đẹp 

Chia sẻ về hướng phát triển bền vững cho nghề làm bánh đa nem, mì gạo của làng, anh Nguyễn Đức Thanh, trưởng thôn cho biết: “Hiện lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã và lãnh đạo thôn đang vận động nhân dân đăng ký bản quyền thương hiệu và đăng ký sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP để nâng cao chất lượng sản phẩm, đem thương hiệu đến với thị trường trong và ngoài nước”.

Bên cạnh đó, khai thác thế mạnh du lịch từ những di tích cấp quốc gia như đình, chùa Thổ Hà, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như lễ hội Thổ Hà cùng làng nghề truyền thống để thu hút khách du lịch cũng là hướng đi mới của địa phương.

“Hiện nay chính quyền đang vận động đầu tư xây cầu dân sinh nối từ xã Vân Hà sang thành phố Bắc Ninh. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng và tạo động lực cho việc buôn bán các sản phẩm của địa phương”, anh Thanh chia sẻ thêm.

Dù không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng, có lẽ chính những điều kiện khắc nghiệt ấy đã hun đúc nên bao đôi bàn tay tài hoa của người làng Thổ Hà. Họ không khuất phục trước thiên nhiên mà luôn thức thời, luôn tìm kiếm cơ hội cho chính mình. Những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt nhiều năm của các thế hệ người dẫn nơi đây đã được đền đáp bằng cuộc sống ấm no, dư dả và nhiều giá trị văn hóa để lại cho đất nước.

Bằng những điểm độc đáo vốn có, sự năng động, chăm chỉ của người dân và các chủ trương, hướng đi đúng đắn của chính quyền địa phương, có thể hy vọng rằng làng Thổ Hà sẽ ngày càng phát triển cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần trong tương lai.

Viết Sơn

Tin khác

Kinh tế 1 phút trước
(SHTT) - Không ruộng đồng, không thể canh tác cây lương thực, nhưng bằng tinh thần chịu thương chịu khó cùng đôi bàn tay tài hoa của người dân Thổ Hà, ngôi làng cổ của trấn Kinh Bắc vẫn duy trì tốt những nghề thủ công truyền thống vang danh một thời.
Kinh tế 4 phút trước
(SHTT) - Ngày nay, tự động hóa quy trình kinh doanh BPA (Business Process Automation) không những là xu hướng mà còn đóng góp rất quan trọng trong thời kì kinh tế số. Việc tận dụng công nghệ để tự động hóa các hoạt động, quy trình chức năng giúp nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Kinh tế 16 giờ trước
(SHTT) - Sáng 8/4, đã diễn ra khai mạc Triển lãm Quốc tế xúc tiến đầu tư & thương mại Việt Nam - Đài Loan năm 2024. Đây là hoạt động bên lề sự kiện “Hội nghị Liên ngành Hội đồng và Giám sát lần thứ 2 khoá 30” của Tổng hội Thương mại Đài Loan thế giới.
Kinh tế 16 giờ trước
Dòng sản phẩm căn hộ thương mại (shophouse) tại các dự án đã bàn giao với mật độ dân cư đông vẫn cho thấy sức hút đối với nhà đầu tư nhờ tỷ suất lợi nhuận cao, đảm bảo tiềm năng gia tăng giá trị trong dài hạn.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Trước nguy cơ xung đột Israel - Iran kéo giá dầu Brent và WTI lên cao, nguồn cung bị cắt giảm khiến giá dầu thô ngày càng tăng cao.