SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

Múa rối nước Đào Thục - Tinh hoa văn hóa Bắc Bộ

15:54, 05/04/2024
(SHTT) - Nằm bên bờ đê hữu sông Cà Lồ, cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, làng Đào Thục (huyện Đông Anh) nổi tiếng với nghệ thuật múa rối nước dân gian cùng bề dày lịch sử hơn 300 năm. Những nét đẹp truyền thống của dân tộc được gìn giữ và truyền tải qua những điệu múa rối nước độc đáo.
MUA ROI NUOC

 Thủy đình làng Đào Thục, nơi các nghệ nhân biểu diễn múa rối nước

Bên trong buồng trò

Vừa đặt chân về làng, một bầu không khí khẩn trương, sôi nổi đã ngay lập tức cuốn hút chúng tôi. Ngày hôm đó, làng Đào Thục chào đón một đoàn du khách nước ngoài đến thưởng thức nghệ thuật múa rối nước dân gian, nên từ hai giờ chiều, các nghệ nhân đã có mặt tại thủy đình để dọn dẹp, hoàn thiện khâu chuẩn bị trước buổi diễn. Gọi là “thủy đình” bởi các buổi biểu diễn đều được dưng lên giữa ao, phía trên là kiến trúc đình làng truyền thống Việt Nam.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận (53 tuổi) cho biết, người dân Đào Thục đa phần đều có công việc chính là làm nông. Mỗi lần có lịch biểu diễn, những nghệ nhân như bà Thuận đều tranh thủ hoàn thành công việc nhà cửa, đồng áng từ sớm để cứ đúng giờ hẹn, họ lại tề tựu nơi thủy đình bên những con rối.

mua roi nuoc1

 Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận (53 tuổi) tự tay chuẩn bị những con rối trước buổi diễn

Càng gần giờ biểu diễn, không khí chuẩn bị lại càng khẩn trương, sôi nổi. Đằng sau tấm rèm tre ngăn cách buồng trò với không gian bên ngoài, các nghệ nhân tất bật kiểm tra lại những con rối với đủ hình hài, màu sắc bắt mắt sắp được đưa lên sân khấu biểu diễn. Hiện trên nét mặt những người nông dân phường rối lúc đó là sự say mê, trân trọng dành cho những “người bạn diễn” đã gắn bó với họ từ nhiều năm nay.

Nghệ nhân tạo hình rối Đinh Hoàng Vân chia sẻ với tôi, trong khi tay vẫn thoăn thoắt buộc rối vào sào tre: “Mỗi con rối đều mang tính ước lệ, tượng trưng cho một nhân vật cổ trong dân gian. Trong quá trình tạo hình, chúng tôi luôn cố gắng giữ những nhát đục thô sơ để con rối có được dáng vẻ cổ truyền đúng như cha ông để lại”. Chất liệu chủ yếu làm nên những con rối này là gỗ sung do đây là loại gỗ ít thấm nước. Thời gian gần đây, những nghệ nhân làm rối của làng đã kết hợp thêm chất liệu xốp để con rối nhẹ hơn, dễ điều khiển hơn.

mua roi nuoc2

Các nghệ nhân mặc trang phục chuẩn bị biểu diễn 

Giữa không khí sôi nổi bên trong căn buồng trò chật hẹp, ấn tượng hơn cả là giọng nói hào sảng của ông Nguyễn Đình Sáng, nghệ nhân tham gia phường rối tính đến nay đã gần 40 năm. Khó có thể tin được giọng nói âm vang, mạnh mẽ ấy lại đến từ một người đàn ông tóc đã bạc trắng, khuôn mặt đã in hằn dấu vết của thời gian. “Treo cao lên chút nữa”, “Con rối phải buộc như thế này mới chắc”...

Nhìn sự hăng say cũng như niềm đam mê ánh lên trong đôi mắt đã mờ đi vì tuổi tác, chúng tôi không khỏi cảm thấy ngưỡng mộ và dành sự quý trọng cho người nghệ nhân già ấy.

Khâu chuẩn bị vừa được hoàn tất cũng là lúc đoàn du khách đặt chân tới làng Đào Thục. Sau tấm màn tre, các nghệ nhân hối hả khoác lên mình tấm áo màu nâu bã trầu và đi ủng chống nước. Trên trán mỗi người buộc một tấm băng đô màu đỏ in dòng chữ “Phường múa rối nước Đào Thục”. Xong xuôi, nhóm nghệ nhân gồm bảy người nối nhau bước xuống ao thủy đình theo từng bục. Khi đã ngâm nửa thân mình trong nước, mọi âm thanh chuyện trò sôi nổi ban nãy dường như tắt hẳn. Lúc này chỉ còn lại sự tập trung cao độ của những nghệ nhân trong tư thế cúi gồng về phía trước, tay cầm sào tre, sẵn sàng hóa thân vào từng con rối.

Khi tiếng nhạc cùng lời thoại bắt đầu cất lên, những con rối đầu tiên được các nghệ nhân đưa ra ngoài tấm màn tre. Công việc lúc này đòi hỏi những người nông dân phường rối khả năng phối hợp nhịp nhàng để điều khiển con rối sao cho vừa khớp với lời thoại, lại vừa uyển chuyển, sinh động. Đây là điều không hề dễ dàng, bởi hoạt động với cường độ cao trong môi trường nước dễ khiến các nghệ nhân mất sức, nhất là khi đa phần họ đã bước qua tuổi ngũ tuần.

Vậy mà, trong suốt gần một giờ đồng hồ biểu diễn, dường như không một nghệ nhân nào tỏ ra mệt mỏi. Những đôi mắt sáng luôn nhìn thẳng về phía trước, xuyên qua tấm màn tre mà dõi theo từng chuyển động của con rối. Nhìn động tác điều khiển con rối dứt khoát, linh hoạt, không khó để nhận ra, cái nghề này đã là một phần máu thịt của những nghệ nhân Đào Thục. Âm thanh của tiếng đạp nước, tiếng sáo tre va vào nhau kết hợp cùng âm nhạc dân gian đầy hào hứng, sôi nổi khiến không khí nơi thủy đình lúc này tựa như một lễ hội nhỏ.

mua roi nuoc3

 Nghệ thuật múa rối nước đòi hỏi người nghệ nhân phải thật tập trung mới có thể thổi hồn vào từng nhân vật

 Kết thúc buổi diễn, khi con rối cuối cùng đã đi vào sau tấm màn tre, lúc này những nghệ sĩ tài ba mới lần lượt xuất hiện bên ngoài thủy đình trước màn vỗ tay thán phục của đoàn du khách. Vạt áo đã ướt đẫm, trên khuôn mặt cũng lấm tấm mồ hôi, song ai cũng nở nụ cười hạnh phúc bởi đã hoàn thành tốt buổi biểu diễn.

 Là một du khách trong đoàn tới thăm và thưởng thức nghệ thuật múa rối nước cổ truyền làng Đào Thục, bà Jacqueline Lambert cho biết bà rất quan tâm tới những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Bà cũng bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với màn trình diễn ngày hôm nay của các nghệ nhân. Mong rằng trong tương lai, múa rối nước Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa”.

Sau khi chuyến xe chở đoàn du khách tạm biệt làng Đào Thục, các nghệ nhân cũng cởi bỏ trang phục biểu diễn và chuẩn bị quay trở lại với công việc thường nhật của người nông dân.

Bền bỉ giữ nghề truyền thống của cha ông

Tại hiên đình làng Đào Thục, bên chén trà, nghệ nhân Nguyễn Đình Sáng hào hứng chia sẻ với chúng tôi về bề dày lịch sử của nghề múa rối nước quê hương: “Ông tổ nghề của làng là cụ Nguyễn Đăng Vinh, quan Nội giám dưới triều Hậu Lê. Cụ đã cùng dân làng đẩy mạnh sản xuất, phát triển nhiều làng nghề, tổ chức các Phường Thầy, Phường Thợ, Phường Thó (Đóng Cối), Phường Võ và đặc biệt là Phường Rối vẫn còn lưu giữ được đến tận ngày nay”.

Ông Sáng cho biết, nghệ thuật múa rối nước dân gian đặc biệt ở chỗ không được tổ chức thành các vở giống như ở nhà hát chuyên nghiệp, mà được biểu diễn theo các tích trò. Hiện nay ở làng Đào Thục có khoảng hơn 20 tích trò, trong đó có những tích trò cổ do cha ông truyền lại như đốt pháo bật cờ, câu ếch, đánh cáo bắt vịt, tráng sĩ đả hồ,... và cả những tiết mục do dân làng sáng tạo ra như “Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”. Chất liệu chủ yếu được sử dụng trong các vở diễn là các làn điệu chèo, ca trù, tuồng, nhạc cung đình…

Múa rối nước là nghề đòi hỏi nghệ nhân phải có sự bền bỉ, kiên trì và sức chịu đựng lớn. Bởi để học được cách điều khiển con rối trên cạn đã khó, làm sao để thổi hồn cho chúng trở nên sống động, linh hoạt lại càng khó hơn gấp bội. Bí quyết duy nhất của những nghệ nhân làng Đào Thục là sự dày công luyện tập và niềm đam mê với nghề truyền thống. Chỉ có như vậy, những người nông dân phường rối mới có thể mang đến những tiết mục chỉn chu mà vẫn thú vị cho khán giả.

Làng Đào Thục hiện nay có khoảng 40 nghệ nhân, hầu hết đã ở độ tuổi trung niên, ngũ tuần. Nghệ nhân Nguyễn Đình Sáng chia sẻ: “Vào mùa đông, tiết trời giá rét, chúng tôi vẫn trầm mình dưới ao biểu diễn. Đây là cái nghề đứng sau sân khấu, không được trang điểm, ăn vận lộng lẫy, hưởng trọn ánh hào quang như các môn nghệ thuật khác. Nhưng chúng tôi cố gắng gìn giữ bởi đó là nghệ thuật truyền thống các cụ để lại”.

Trong những năm gần đây, những nghệ nhân phường rối cũng cố gắng phục dựng lại những tích trò cổ đã mai một. Tuy nhiên, đây không phải công việc dễ dàng, bởi những nghệ nhân nắm được tinh thần của những tích trò ấy hầu như đã không còn, hoặc đều tuổi cao sức yếu. Việc phục dựng cũng đòi hỏi nghệ nhân tạo hình rối phải tái hiện đúng những nhân vật xuất hiện trong tích trò, song sự thiếu hụt về nguyên vật liệu cũng như kinh phí đang phần nào gây ra những rào cản không hề nhỏ.

Đứng trước những khó khăn đó, người dân Đào Thục đã tự tìm cho mình con đường riêng để gìn giữ truyền thống quê hương. Nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị, Trưởng ban Văn hóa làng rối nước Đào Thục cho biết: “Hàng năm, phường đều tổ chức một khóa đào tạo múa rối cho thế hệ trẻ, cứ vậy đời cha đời chú truyền lại cho đời con cháu với ý nghĩ duy nhất là để tình yêu và ngọn lửa của phường rối sẽ luôn được thắp sáng đời đời”.

Mỗi khóa học thu hút từ 20 đến 30 người, đều là người dân sinh ra và lớn lên ở làng. Sau khi học xong, các học viên phải biểu diễn hai năm nữa mới được công nhận là nghệ nhân phường rối nước Đào Thục. Ông Nghị chia sẻ, nếu không truyền nghề cho người đi sau, thì các tiết mục sẽ mai một và mất đi, kể cả cùng là nghệ nhân rối với nhau cũng không làm được.

mua roi nuoc4

 Những nghệ sĩ phường rối chỉ xuất hiện trước khác giả khi buổi biểu diễn đã hoàn thành

 Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân làng Đào Thục trong việc gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này. Nghệ nhân Nguyễn Đình Sáng xúc động trả lời khi được hỏi về mong muốn tương lai đối với nghề rối nước cổ truyền: “Nếu một ngày không còn phường rối nước Đào Thục, đó sẽ là điều rất buồn và đáng tiếc. Tôi chỉ mong những thế hệ sau của làng biết yêu và biết trân trọng lấy nghề tổ tiên để lại, tiếp tục phát triển để rối nước Đào Thục có thể tiến xa hơn nữa”.

Viết Sơn

Tin khác

Giải trí 18 giờ trước
(SHTT) - Trong ký ức của người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu khi xưa ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Phỗng đất không chỉ là món đồ chơi thuần túy của con trẻ mà còn cất giữ những hồn cốt văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.