SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Đề xuất mô hình bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM cho giáo viên phổ thông tỉnh An Giang

17:01, 27/07/2023
Proposed model for creating STEM educational capacity for high school teachers in An Giang province.

TÓM TẮT:

Chương trình khoa học tích hợp hoặc liên ngành không phải là một khái niệm mới. Tuy nhiên, việc thiết kế tài liệu giảng dạy theo phương pháp giáo dục STEM còn mới mẻ đối với nhiều giáo viên bởi thiết kế tài liệu giảng dạy STEM là một quá trình phức tạp. Mô hình bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM theo dự án sản xuất và việc đánh giá các hoạt động như vậy có thể hỗ trợ các trường phổ thông tỉnh An Giang bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM cho giáo viên STEM hiện có và giáo viên STEM trong lương lai. Mô hình giúp chuẩn bị và hỗ trợ tốt hơn cho giáo viên, thiết lập nền giáo dục STEM tích hợp chất lượng cao. Nó tạo thuận lợi cho quá trình thiết kế bài giảng, trao quyền cho giáo viên làm việc một cách có hệ thống, có tổ chức và giao tiếp bằng một ngôn ngữ chung.

Từ khóa: mô hình bồi dưỡng, năng lực giáo dục STEM; giáo viên phổ thông; giáo viên STEM, giáo viên tỉnh An Giang.

ABTRACT:

An integrated or interdisciplinary science program is not a new concept. However, the design of teaching materials according to the STEM educational method is still new to many teachers because designing STEM teaching materials is a complicated process. The model of capacity building for STEM education by production projects and the evaluation of such activities can assist An Giang province's high schools in fostering STEM educational capacity for existing STEM teachers and teachers. STEM in the future. The model helps to better prepare and support teachers, establishing a high-quality integrated STEM education. It facilitates the process of lesson design, empowering teachers to work in a systematic, organized manner and communicate in a common language.

Keywords: fostering model, capacity for STEM education; school teacher; STEM teacher, teacher in An Giang province

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tác động to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm cho con người thay đổi cả cách thức tư duy về tương lai lẫn phương thức sản xuất và lực lượng sản xuất của xã hội. Kết hợp với tác động của quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nó đã mở ra nhiều cơ hội và cả những thách thức đối với không chỉ các doanh nghiệp, người dân mà cả hệ thống vĩ mô về mô hình quản lý của chính phủ trong đó có ngành giáo dục. Tận dụng triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa, khoa học, công nghệ, kỹ thuật, các chính sách để thúc đẩy phát triển giáo dục cho tiệm cận với sự phát triển của thế giới đã được hoạch định: Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT và Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Triển khai các chính sách của chính phủ, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục STEM ở cả bậc trung học phổ thông và trung học cơ sở. Ngành giáo dục tỉnh đã triển khai các hoạt động tập huấn định hướng về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh phổ thông qua việc triển khai giáo dục STEM cho cán bộ quản lý và giáo viên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang 2019-2022). Nhiều tổ chức giáo dục cũng có những hoạt động nhằm mang giáo dục STEM đến với học sinh tỉnh An Giang (VTC News, 2020).

Có thể nói, các hoạt động STEM theo hình thức hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu và nghiên cứu bài học trong các trường phổ thông tỉnh An Giang thực hiện khá phong phú. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình giảng dạy STEM hiệu quả, đưa STEM trở thành chương trình thực chất, chất lượng cao thì cần có giáo viên chuyên trách về giáo dục STEM và các nội dung liên quan được giảng dạy. Hệ thống đào tạo giáo viên STEM - giáo viên tích hợp có trình độ vẫn chưa được thiết lập. Nội dung giảng dạy STEM “chưa chương trình hóa”, chưa có sự phối hợp thường xuyên, liên tục giữa nhà trường và doanh nghiệp, cách thức kiểm tra, đánh giá còn hạn chế, sự triển khai STEM chưa đồng bộ ở các huyện, thành phố của tỉnh. Đó là chưa kể cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phòng học liên môn (STEM) thiếu so với yêu cầu. Do vậy các em học sinh chưa có nhiều cơ hội trong tiếp cận giáo dục STEM:

hinh 1 - An Giang

Học sinh huyện An Phú tham gia ngày hội STEM. 

Để đạt được những mục tiêu đề ra, An Giang cần thiết phải có những giải pháp cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn để có được sự chuyển đổi rõ nét trong phát triển năng lực giáo dục STEM cho giáo viên. Việc xác định nội dung giảng dạy STEM và vận hành nó cần phải đào tạo giáo viên STEM phổ thông mới, hỗ trợ lực lượng giáo viên STEM hiện có, tăng ngân sách cho giáo dục STEM phổ thông và thiết kế chương trình STEM phù hợp với từng vùng là những nguyên tắc quan trọng để vận hành STEM phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực người học hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội. Việc định hình mô hình bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM hiệu quả phù hợp với đặc thù tỉnh An Giang là cần thiết và có giá trị thực tiễn đối với chính sách phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh hiện nay.

2. NỘI DUNG

2.1. Tiếp cận khái niệm

Nghiên cứu chủ đề về giáo dục STEM đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà lãnh đạo và giáo viên, giảng viên trong nước và ngoài nước quan tâm bởi tính hiệu quả của nó trong thực thi chính sách đào tạo nguồn nhân lực có tầm nhìn dài hạn. Tích hợp STEM trong chương trình phổ thông được các nhà nghiên cứu ngoài nước hết sức quan tâm. Tác giả John R. Pannabecker (2002), Sanders (2009), Honey, M., G. Pearson and H. Schweingruber (2014), Carmichael (2017). Các nhà nghiên cứu ngoài nước đã chứng minh tác động tích cực của phương pháp STEM thông qua chỉ số: nhận thức của học sinh tốt hơn, mức độ quan tâm, động lực và thành tích, cải thiện các kỹ năng sẵn sàng cho đại học… Phát triển giáo dục STEM trở thành xu thế và chiến lược của nhiều quốc gia bởi tính hiệu quả của nó trong thực thi chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiếp cận vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau như chính phủ Mỹ đề ra chiến lược 05 năm giáo dục STEM với mô hình gồm 3 trụ cột là: (1) thực hành khoa học kỹ thuật; (2) những khái niệm liên ngành (khoa học-kỹ thuật); (3) những kiến thức khoa học cốt lõi. Chính phủ Anh cũng ban hành chính sách để ứng dụng STEM cho người học, hướng đến đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Tại Australia, nghiên cứu của tổ chức Office of the Chief Scientist (2016) đã đưa ra cái nhìn tổng quan về năng lực STEM và đề xuất chính sách giáo dục, tư vấn nghề nghiệp. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vai trò của STEM ảnh hưởng mạnh mẽ nhất ở bậc tiểu học, tiếp đến là bậc trung học cơ sở, phổ thông và thấp nhất là bậc đại học. Điều đó cho thấy việc áp dụng STEM cũng cần một khoảng thời gian dài mới thấy rõ hiệu quả của nó.

Các nghiên cứu trong nước như Lê Huy Hoàng (2021), Nguyễn Thanh Hải (2019), Đỗ Đức Thái (2019), Nguyễn Thị Nga (2021) cho thấy cách hiểu về STEM, mô hình giáo dục STEM, phương pháp giáo dục theo mô hình STEM... Các nghiên cứu đã chứng minh được vai trò của giáo dục STEM đối với việc nâng cao hứng thú, động cơ học tập, phát triển năng lực giải quyết vấn đề, năng lực khoa học cũng như kết quả học tập của học sinh. Mặc dù vậy, khác với các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Úc, giáo dục STEM ở Việt Nam không phải bắt nguồn từ các nghiên cứu khoa học. Nó được lan tỏa từ nhiều hình thức của cuộc thi Robot do một số công ty tổ chức. Sau khi giáo dục STEM có sự lan toả với nhiều hình thức khác nhau, nhiều cách thức thực hiện khác nhau, nhiều tổ chức hỗ trợ khác nhau mang lại những hiệu quả nhất định và thu hút được nhiều học sinh tham gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh chính sách kịp thời để STEM phát huy vai trò và hiệu quả hơn nữa đối với chính sách vĩ mô về nguồn nhân lực tương lai. Bên cạnh đó, mô hình giáo dục STEM dường như hoạt động hiệu quả hơn ở những vùng có điều kiện cơ sở vật chất phát triển như những đô thị lớn do nguồn xã hội hóa giáo dục tốt hơn. Những khu vực nông thôn khó tiếp cận hơn với giáo dục STEM.

Văn kiện Đại hội Đảng như Đại hội XIII nêu chiến lược phát triển con người: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Nhiệm vụ “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người” cũng chỉ rõ mục tiêu phát triển con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có thể thấy quan điểm của Đảng trong chiến lược phát triển con người toàn diện là một định hướng tích cực, nhân văn vì đã lấy con người là trung tâm của sự phát triển. Sự thành công của mô hình giáo dục STEM không phải ở việc có bao nhiêu em học sinh tham dự, bao nhiêu cuộc thi STEM được tổ chức. Nó còn phải tính đến sức lan tỏa của giáo dục STEM đến tư duy sáng tạo, tư duy nghiên cứu khoa học của học sinh, giáo viên ở bậc phổ thông. Đây là những tiền đề giáo dục cho thế hệ tương lai hình thành những phẩm chất để có khả năng thích ứng với sự biến đổi mới và hội nhập với sự phát triển nhanh của xã hội.

Như vậy, cách hiểu về STEM cho thấy xu hướng coi giáo dục STEM như một cách tiếp cận liên môn khoa học, toán học, công nghệ và kỹ thuật. Việc lựa chọn mô hình STEM và tích hợp trong nội dung chương trình giáo dục ở bậc phổ thông là hết sức quan trọng và cần thiết. Việc xác định nội dung giảng dạy STEM và vận hành nó cần phải đào tạo giáo viên STEM phổ thông mới, hỗ trợ lực lượng giáo viên STEM hiện có, tăng ngân sách cho giáo dục STEM phổ thông và thiết kế chương trình STEM phù hợp với từng vùng là những nguyên tắc quan trọng để vận hành STEM phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực người học hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Ngày 14/8/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học. Đây là những chính sách thể hiện chủ trương vận hành mô hình STEM trong giáo dục ở bậc phổ thông hướng tới việc chuẩn bị nguồn nhân lực sáng tạo cho tương lai đất nước. Cũng là xu thế chung của giáo dục thế giới. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục STEM đã được định hướng rõ nét. Đó là các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng triển khai tổ chức giáo dục STEM với ba hình thức chủ yếu. Một là dạy học các môn khoa học theo bài học STEM. Hai là tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM. Ba là tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học. Bài học STEM có nội dung gắn kết các vấn đề thực tiễn xã hội, dựa theo quy trình thiết kế kỹ thuật. Phương pháp triển khai bài học STEM là đưa học sinh vào các hoạt động tìm tòi, khám phá và định hướng hành động, lôi cuốn học sinh vào hoạt động kiến tạo, hoạt động nhóm để chiếm lĩnh kiến thức mới và vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Trong đó, thiết bị giảng dạy cần sử dụng thiết bị và công nghệ sẵn có, dễ tiếp cận với chi phí tối thiểu.

Hoạt động trải nghiệm STEM gắn với mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, tạo hứng thú và động lực học tập để phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh với nhiều hình thức lôi cuốn để học sinh tìm tòi, khám phá và vận dụng giải quyết vấn đề trong thực tiễn, khoa học và công nghệ. Về hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thật cho học sinh cần được tổ chức trên cơ sở tự nguyện, có năng lực, sở thích và hứng thú với các hoạt động khám phá khoa học. Thông qua bài học STEM và hoạt động trải nghiệm STEM để phát hiện học sinh có năng lực và sở thích nghiên cứu như hình 2.

hinh 2 An Giang

 Học sinh huyện An Phú, tỉnh An Giang được tiếp cận với giáo dục STEM. Ảnh: Báo Dân Việt

Như vậy, nhìn tổng thể STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến (các lĩnh vực) khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Những hoạt động thiết thực đề cập trên cho thấy tính thời sự của việc xây dựng mô hình phù hợp, hiệu quả theo đặc thù địa phương để bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM cho giáo viên phổ thông là hết sức cần thiết và ý nghĩa.

Kế thừa thành tựu nghiên cứu về giáo dục STEM, các khái niệm sau sẽ được sử dụng trong bài viết:

Giáo dục STEM là chương trình đào tạo dựa trên ý tưởng giảng dạy cho học sinh bốn lĩnh vực cụ thể: Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học trong một liên ngành và phương pháp tiếp cận ứng dụng. Thuật ngữ “S T E M” được viết tắt của Science - Technology - Engineering và Mathematics (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học);

Năng lực là “điểm hội tụ của nhiều yếu tố như tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, kinh nghiệm, sự sẵn sàng hành động và trách nhiệm đạo đức”;

Năng lực giáo dục STEM gồm 6 thành tố: “Năng lực tổ chức cho học sinh giải quyết vấn đề và sáng tạo, giao tiếp và hợp tác, tự chủ và tự học (1); Năng lực phát triển các năng lực cốt lõi cho học sinh (2); Năng lực định hướng hành động, trải nghiệm trong học tập cho học sinh (3); Năng lực kết nối nhà trường và cộng đồng (4); Năng lực tổ chức vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn (5); Năng lực đánh giá người học trong giáo dục STEM (6).

Bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM là hoạt động nhằm phát triển các năng lực dạy học theo định hướng giáo dục STEM. Mục đích của hoạt động này là giúp giáo viên có được kiến thức, kỹ năng và thái độ ở mức cao hơn về giáo dục STEM. Nội dung bồi dưỡng phải đảm bảo giữa yêu cầu, nhiệm vụ bồi dưỡng với nhu cầu của người học để tạo hứng thú, khả năng sáng tạo và phát huy sở trường cho giáo viên.

Mặc dù đạt được nhiều thành công trong nghiên cứu về giáo dục STEM, song các nghiên cứu chưa xây dựng được mô hình hiệu quả trong phát triển năng lực giáo dục STEM cho giáo viên. Tuy vậy, những công trình nghiên cứu này là cơ sở để đề xuất mô hình bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM cho giáo viên phổ thông tỉnh An Giang.

2.2. Đề xuất mô hình bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM cho giáo viên phổ thông tỉnh An Giang

Với việc sử dụng cách tiếp cận hệ thống, cách tiếp cận phát triển năng lực và phẩm chất, cách tiếp cận thực tiễn, cách tiếp cận liên ngành và sử dụng các phương pháp tổng hợp, nghiên cứu tài liệu, thống kê… tác giả đề xuất mô hình bồi dưỡng lực giáo dục STEM theo dự án. Việc ứng dụng mô hình có thể hỗ trợ các trường phổ thông tỉnh An Giang bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM cho giáo viên STEM hiện có và giáo viên STEM trong lương lai. Mô hình giúp chuẩn bị và hỗ trợ tốt hơn cho giáo viên, thiết lập nền giáo dục STEM tích hợp chất lượng cao. Dự án sản xuất thử nghiệm là nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm để thử nghiệm các giải pháp, phương pháp, mô hình quản lý kinh tế - xã hội hoặc sản xuất thử ở quy mô nhỏ nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống.

Với sáu thành tố trong năng lực giáo dục STEM của giáo viên là “Năng lực tổ chức cho học sinh giải quyết vấn đề và sáng tạo, giao tiếp và hợp tác, tự chủ và tự học (1); Năng lực phát triển các năng lực cốt lõi cho học sinh (2); Năng lực định hướng hành động, trải nghiệm trong học tập cho học sinh (3); Năng lực kết nối nhà trường và cộng đồng (4); Năng lực tổ chức vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn (5); Năng lực đánh giá người học trong giáo dục STEM (6). Để vận hành được mô hình này trong bồi dưỡng sáu thành tố trong năng lực giáo dục STEM của giáo viên thì việc xác định các thành tố thiết yếu của tri thức STEM là việc cần làm đầu tiên. Mô hình có thể được khái quát trong những nội dung và nguyên tắc sau:

Học sinh được tham gia trực tiếp: Xuất phát từ trí tò mò và sự quan tâm của học sinh đối với các chương trình robot, lập trình hay từ xưởng sản xuất của một doanh nghiệp. Học sinh có thể dành phần lớn thời gian học tập “trong thế giới thực” tại các xưởng thực hành của nhà trường để học vẽ, toán và khoa học trong chương trình học tập. Đồng thời, nhà trường có thể kết nối với các doanh nghiệp tại địa phương nơi có các hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với đặc thù của An Giang như thu hoạch, chế biến nông sản, thực phẩm sau thu hoạch, v.v. Học sinh có cơ hội làm ra hoặc tiếp cận quy trình làm ra sản phẩm bán được trên thị trường theo bản vẽ và thông số kỹ thuật dưới sự hướng dẫn của giáo viên (John R. Pannabecker, 2002). Phương pháp này giúp học sinh tiếp cận lý thuyết như một sự kết hợp giữa hình học, mô tả, toán học và khoa học. Thông qua phương pháp này, giáo viên được hình thành các kỹ năng thiết kế bài giảng “trong thế giới thực” để giúp học sinh liên kết các chủ đề học tập trong nhiều lĩnh vực như mô tả tại Hình 3:

hinh 3 an giang

 Giáo dục STEM hướng đến sự nghiệp tốt hơn. Ảnh: Tổng hợp

Đề xuất nội dung STEM về các chủ đề cá nhân, xã hội và toàn cầu như vấn đề năng lượng, tái tạo năng lượng, bảo tồn và sử dụng hiệu quả năng lượng, vấn đề môi trường hay những thành tựu công nghệ và kỹ thuật trong sự phát triển của khoa học hiện đại. Vấn đề tái tạo năng lượng có thể kích thích nhu cầu khám phá của người học trong việc sử dụng, bảo tồn và sử dụng năng lượng hiệu quả đối với chính bản thân, gia đình và địa phương của họ. Tích hợp ngữ cảnh của kĩ thuật và công nghệ để xây dựng các hoạt động dạy học STEM nhằm mục đích tăng cường mối liên hệ giữa các yếu tố S, T, E, M một cách có chủ đích và chặt chẽ.

Định hướng về nội dung giáo dục STEM còn căn cứ vào cách khám phá tri thức. Các hoạt động dạy học theo STEM mang tính chất người học trung tâm. Phương pháp này dựa trên yêu cầu tập trung vào việc tạo ra các hiện vật, hệ thống và giải pháp mới lạ và sáng tạo. Những phát minh và xu hướng công nghệ hiện đại cũng là một nội dung nổi bật trong việc thiết kế nội dung STEM, ví dụ như lập trình robot (robotics) hay công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Tuy nhiên, nội dung này đòi hỏi môi trường học tập phải có trang thiết bị công nghệ phù hợp.

Kết nối nhà trường và doanh nghiệp: Để đáp ứng mục tiêu thực hành trong bài giảng, một mô hình kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp sản xuất hoặc những “xưởng/phòng học liên môn” phù hợp với nhiều độ tuổi học sinh nên được thành lập với mô hình “Xưởng cơ khí” (1); Xưởng đúc (2); Xưởng chế biến sau thu hoạch và máy móc (3); Xưởng tiện gỗ và đồ thủ công mỹ nghệ (4) (xem thêm Charmasson, T., Lelorrain, A.-M., & Ripa, Y. 1987). Những xưởng này sẽ phân loại độ tuổi học sinh để đưa vào thực hành. Cơ chế để tích hợp công nghệ với toán học và khoa học là thiết kế và chế tạo các sản phẩm có thể bán được. Nhà trường cần huy động nguồn vốn ngân sách và kêu gọi nguồn xã hội để mua sắm các thiết bị thực hành cho nhà trường. Mỗi sản phẩm trước khi được học sinh thử nghiệm sản xuất được kiểm tra từ lý thuyết tính toán đến bản vẽ và được kiểm tra bởi hội đồng chuyên môn của nhà trường hoặc một hội đồng độc lập có sự tham gia của doanh nghiệp. Kế hoạch và bài giảng theo mô hình kết hợp toán học, kỹ thuật, vật lý và hóa học. Mỗi môn học lại được lựa chọn những nội dung để kết hợp thành một nội dung giảng dạy phù hợp với từng lứa tuổi và từng sản phẩm cụ thể mà bài học hướng tới. Phương pháp giáo dục kết nối lý thuyết và thực hành bằng hình học mô tả. Học sinh trực tiếp tham gia vào hình thành bản vẽ thiết kế, lập kế hoạch và ước tính nguyên liệu sản xuất với tư cách là “người phác thảo những ý tưởng”, “người tính toán cho những ý tưởng”. Học sinh tham gia giải quyết các vấn đề thiết kế thực tiễn, và kết hợp các quy trình lý thuyết và thí nghiệm kiểm tra như lập kế hoạch và thiết kế trong môi trường học tập xác thực, đưa ra quyết định lặp đi lặp lại, xây dựng dự đoán, tạo giải pháp, thử nghiệm nguyên mẫu và báo cáo kết quả (Puente, S. M. G., van Eijck, M., & Jochems, W. 2013).

Có thể sơ đồ hóa mô hình như Hình 4 về bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM cho giáo viên phổ thông tỉnh An Giang:

hinh 4 an giang

Mô hình bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM cho giáo viên phổ thông tỉnh An Giang. 

Quá trình bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM cho giáo viên có các hoạt động then chốt: hoạt động thiết kế kế hoạch dạy học chủ đề STEM, hoạt động thảo luận, trao đổi, chia sẻ với chuyên gia, hoạt động thực hiện kế hoạch dạy học chủ đề STEM và hoạt động đánh giá, phản hồi, thảo luận sau giờ học không tách rời nhau mà luôn tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau nhằm kịp thời điều chỉnh chủ đề STEM và cải thiện chất lượng dạy.

3. KẾT LUẬN

Nhà giáo dục John Amos Comenius (1592-1670) nhận định, “Mục tiêu đầu tiên và cuối cùng của lý luận dạy học là phải tìm ra và nhận biết phương pháp dạy học nào mà giáo viên ít phải dạy hơn, tuy nhiên học sinh lại học được nhiều hơn và ở phương pháp đó, bầu không khí trong các trường học ít sự ồn ào buồn tẻ và nỗ lực vô ích, có nhiều tự do, niềm vui và tiến bộ thật sự hơn”. Việc xây dựng nền tảng để phát triển năng lực giáo dục STEM cho giáo viên tỉnh An Giang chính là xây dựng nguồn lực để kết nối và đồng bộ với giáo dục STEM trong cả nước, cũng như khu vực và quốc tế. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết của giáo viên và học sinh về phương pháp, kiến thức STEM mà nó còn khơi dậy và lan tỏa tinh thần khoa học, nghiên cứu và sáng tạo. Đồng thời giúp học sinh bồi dưỡng đạo đức, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, hình thành những phẩm chất để có khả năng thích ứng với sự biến đổi mới và hội nhập với sự phát triển nhanh của xã hội.

Bồi dưỡng năng lực giáo dục STEM cho giáo viên tỉnh An Giang cũng là góp vào chiến lực phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, thích ứng với thời kì cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đưa giáo dục STEM trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh An Giang, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho An Giang nói riêng và cả nước nói chung. Như một đóng góp cho thách thức toàn cầu trong việc phát triển chương trình giảng dạy thế kỷ 21 mang lại sự công bằng, hỗ trợ tất cả học sinh không phân biệt vùng miền, thành thị hay nông thôn có cơ hội xây dựng các năng lực cần thiết để phát triển và giúp giải quyết các thách thức của sự phát triển toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang: https://angiang.edu.vn/tin-tuc-su-kien/so-giao-duc-va-dao-tao-an-giang-to-chuc-boi-duong-can-bo-quan-ly-va-giao-vien-cap-tieu-hoc-ve-hoat-dong-giao-duc-stem.html và https://angiang.edu.vn/tin-tuc-su-kien/an-giang-to-chuc-tap-huan-trien-khai-giao-duc-stem-trong-tru.html

2. https://vtc.vn/3m-no-luc-mang-giao-duc-stem-den-gan-voi-hoc-sinh-tieu-hoc-an-giang-ar581040.html

3. John R. Pannabecker (2002). “Integrating Technology, Science, and Math at Napoleon’s School for Industry, 1806-1815”, Journal of Technology Education, Vol. 14 No.1, Fall 2002. Page 51.

4. Sanders, M., STEM, STEM Education, STEM mania. Technology Teacher, 2009. 68(4): p. 20-26.

5. Puente, S. M. G., van Eijck, M., & Jochems, W. (2013). A sampled literature review of design-based learning approaches: a search for key characteristics. International Journal of Technology and Design Education, 23(3), 717-732

6. Honey, M., G. Pearson, and H. Schweingruber (2014), “STEM Integration in K-12 Education: Status, Prospects, and an Agenda for Research”, National Academies Press, Washington DC.

7. Israel, M., Pearson, J. N., Tapia, T., Wherfel, Q. M., & Reese, G. (2015). Supporting all learners in school-wide computational thinking: A cross- case qualitative analysis. Computers & Education, 82, 263-279.

8. Carmichael, C. C. (2017). A State-by-State Policy Analysis of STEM Education for K-12 Public

9. Schools. Seton Hall University, Seton Hall University Dissertati, Page 15-16.

10. Lê Huy Hoàng (2021), “Giáo dục Stem trong chương trình giáo dục phổ thông 2018: Định hướng và tổ chức thực hiện”. Tạp chí Giáo dục, Số 516 Kỳ 2-122021. Tr.01-06.

11. Nguyễn Thành Hải (2019). Giáo Dục STEM/STEAM: Từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo, NXB Trẻ.

12. Đỗ Đức Thái (2019), Giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

13. Nguyễn Thị Nga (chủ biên), Tăng Minh Dũng, Vũ Như Thư Hương, Thái Bảo Thiên Trung, Nguyễn Lâm Hữu Phước (2018). Hướng dẫn dạy học theo định hướng giáo dục STEM ở bậc Tiểu học, NXB Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

14. Nguyễn Thị Nga (Chủ biên), Phùng Việt Hải, Nguyễn Quang Linh, Hoàng Phước Muội (2018). Thiết kế và tổ chức chủ đề giáo dục STEM cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. NXB Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

15. Charmasson, T., Lelorrain, A.-M., & Ripa, Y. (1987). L'enseignement Ecole Nationale Supérieure d'Arts et Métiers. (1998). Guide de l'ENSAM 1998-1999, Economica/ Service d'histoire de l'éducation) Page. 103.

16. Puente, S. M. G., van Eijck, M., & Jochems, W. (2013). A sampled literature review of design-based learning approaches: a search for key characteristics. International Journal of Technology and Design Education, 23(3), 717-732

Nguyễn Thị Hiền (TS, GV. Cơ sở II, Trường Đại học Lao động - Xã hội)

Tin khác

Tin tức 7 giờ trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Dạy lập trình máy tính cho trẻ em đang được coi là xu hướng giáo dục mới trên thế giới và Việt Nam. Không phải là những giờ học khô khan theo kiểu đọc, chép một chiều, các em nhỏ tại lớp học lập trình có thể rèn luyện tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề và thỏa sức sáng tạo.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 1 ngày trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…