SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 07/04/2024
  • Click để copy

Đà Nẵng: Phát triển làng nghề truyền thống, tạo dựng thương hiệu mạnh

11:19, 01/07/2022
Đà Nẵng hiện đang tích cực hỗ trợ, thúc đẩy đăng ký, quản lý các sản phẩm làng nghề, tạo động lực thúc đẩy phát triển các hệ thống thương mại, du lịch sinh thái gắn với du lịch di tích trên địa bàn.

Đa dạng làng nghề truyền thống

Nam Ô là một ngôi làng cổ, hiện nay nằm bên vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân thuộc phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Nơi đây có nghề truyền thống khai thác, đánh bắt thủy hải sản và nghề làm nước mắm. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm và tưởng chừng như bị mai một, Nam Ô vẫn còn những người dân tâm huyết với nghề truyền thống làm nước mắm.  Nhờ vậy, đến năm 2004, nghề làm mắm ở Nam Ô đã được khôi phục. Làng nghề hiện có khoảng gần 100 hộ làm nước mắm, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 200.000 lít nước mắm thành phẩm.

Thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Nam Ô cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tại Làng nghề Nước mắm Nam Ô trên địa bàn quận Liên Chiểu như: Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu các sản phẩm làng nghề nước mắm Nam Ô; tổ chức triển khai nghiên cứu xây dựng chuỗi cung ứng nước mắm an toàn và nghiên cứu một số giải pháp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nước mắm Nam Ô.

TP Đà Nẵng cũng đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt 1 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Nam Ô của Thành phố Đà Nẵng” thực hiện từ năm 2022.

Như vậy, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần quan trọng quảng bá sâu rộng sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống trong tương lai, tạo ra những tác động tích cực đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương cũng như nhận thức của doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là một cách tiếp cận bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển sản phẩm nước mắm của làng nghề Nam Ô, giúp bảo hộ thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường.

anh 1

Làng nghề Nước mắm Nam Ô trên địa bàn quận Liên Chiểu là một trong những làng nghề nổi tiếng ở TP Đà Nẵng. 

Bên cạnh nước mắm Nam Ô, bánh tráng Tuý Loan cũng là một cái tên nổi tiếng từ bao đời ở xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, TP  Đà Nẵng.

Bánh tráng Tuý Loan có mùi vị thơm ngon đặc trưng, nếu ai đã từng một lần thưởng thức loại bánh này thì khó có thể quên hương vị của nó. Hiện tại xã Hoà Phong có khoảng gần 20 hộ duy trì nghề truyền thống của địa phương. Để quảng bá thương hiệu cho loại bánh này, xã Hòa Phong đã có nhiều chương trình khuyến công như đứng ra tổ chức triển lãm bánh tráng Túy Loan, đăng ký nhãn hiệu và bước đầu hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để mua vật dụng tráng bánh...

Đại diện lãnh đạo huyện Hoà Vang cho biết để giữ thương hiệu và phát triển làng nghề bánh tráng Tuý Loan, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của thành phố luôn quan tâm hỗ trợ vốn, giúp các hộ đầu tư máy xay bột, lò nướng bánh, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Đồng thời lập đề án để duy trì và phát triển làng nghề bánh tráng Tuý Loan thành sản phẩm OCOP… Tuy nhiên, sản phẩm này hiện vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, chưa mang tính đặc trưng vùng miền.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố cần được gìn giữ và phát huy. Có thể kể đến những cái tên nổi tiếng khác nữa như đá chẻ Hòa Sơn, chiếu Cẩm Nê, rượu cần Phú Túc (huyện Hòa Vang); mây tre An Khê (quận Thanh Khê)…

Làm sao để xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các làng nghề?

Thời gian qua, TP Đà Nẵng chú trọng thực hiện các giải pháp về phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, xây dựng nhãn hiệu thập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị hàng hoá nông sản thực phẩm, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp.

Những giải pháp này nhằm xây dựng thương hiệu cộng đồng và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đã có 32 sản phẩm phẩm đặc trưng của thành phố được hỗ trợ phát triển, xác lập quyền sở hữu  trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận để gia tăng giá trị nông sản, phát triển thương hiệu cộng đồng (Nước mắm Nam Ô, bưởi Hòa Ninh, khô mè Quang Châu, chè dây Hòa Bắc, kiệu hương Hòa Nhơn, gà đồi Đồng Nghệ, trứng cút Hòa Phước ….).

Thành phố cũng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục về sở hữu trí tuệ; tăng cường tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ. Nhờ đó, số lượng các văn bằng về sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố ngày càng tăng: có 4.264 văn bằng được cấp, đứng thứ mười trong cả nước (theo dữ liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ).

anh 2 (3)

Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý là yếu tố quan trọng giúp các làng nghề phát triển bền vững.

Năm qua, TP Đà Nẵng cũng ban hành 2 văn bản, cơ chế chính sách tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy phát triển khoa học và công nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, quy định cụ thể mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới…

Sự phát triển của các làng nghề đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn nhất là hệ thống giao thông, điện, nước. Tuy nhiên, thực tế, các làng nghề của TP Đà Nẵng hiện gặp nhiều khó khăn, quy mô sản xuất còn nhỏ, phân tán và manh mún. Mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng thị hiếu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, trình độ tay nghề người lao động chưa cao…

Do vậy, để phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới, thành phố cần có chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở, hộ sản xuất tại các nghề, làng nghề được vay vốn tín dựng ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất từ chương trình khuyến công, khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đặc biệt, cần phát triển mạnh hệ thống các cửa hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề gắn với các hoạt động du lịch, sự kiện và các lễ hội của thành phố để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác quản lý các làng nghề, nhãn hiệu tập thể để đảm bảo sự thống nhất về tiêu chuẩn, chất lượng giữa các hộ sản xuất nhằm đảm bảo uy tín thương hiệu sản phẩm.

Duy Lương

Tin khác

Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Công ty nhân sự Adecco Group cho biết trong một cuộc khảo sát mới của công ty, trí tuệ nhân tạo sẽ khiến nhiều công ty tuyển dụng ít người hơn trong 5 năm tới.
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Trước nguy cơ xung đột Israel - Iran kéo giá dầu Brent và WTI lên cao, nguồn cung bị cắt giảm khiến giá dầu thô ngày càng tăng cao.
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố bộ nhận diện Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024 phiên bản tiếng Việt.
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Chiều 5/4, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông báo năm học 2024-2025 thực hiện điều chỉnh giảm giá bán sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tin tức 22 giờ trước
(SHTT) - Ngày 4/4, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 106/KH-UBND về tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc”.