SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

07:02, 03/10/2022
(SHTT) - Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp Quốc gia 2022 nhằm tạo ra không gian trao đổi, chia sẻ giữa các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương, địa phương và thanh niên về các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên thuận lợi trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, Hội thảo góp phần cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp Việt Nam từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Ngoài ra, Hội thảo còn hướng tới việc lắng nghe ý kiến các đại biểu về các đề xuất sáng kiến, giải pháp, đóng góp trực tiếp cho mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp  tại Việt Nam, cũng như, đề xuất các chính sách tạo động lực để thúc đẩy đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch, phát triển bền vững, thịnh vượng vào năm 2045.

img9324-16646067259751251094887 (1)

 

Chia sẻ tại Hội thảo, Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá “Hội thảo sẽ là cầu nối giữa thanh niên khởi nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đại diện các bộ, ban, ngành để cùng nhau đánh giá những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên”. Hội thảo có 02 tham luận chuyên sâu về “Tổng quan và thực trạng cơ chế, chính sách dành cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam”, “Một số rào cản và kiến nghị giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam” đến từ các chuyên gia và đại diện thanh niên khởi nghiệp, đồng thời, phiên đối thoại chính sách về “Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam” với sự tham gia của các đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương nhận được sự quan tâm, trao đổi của các đại biểu.

Nhiều chủ đề được đưa ra thảo luận, tập trung vào cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cụ thể như: cơ chế đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các quỹ đầu tư; một số vướng mắc, tồn tại của Nghị định 38/2018/NĐ-CP về giới hạn số lượng nhà đầu tư hiện nay hay giới hạn về hoạt động được thực hiện đầu tư và kiến nghị cần mở rộng nội dung cho vay do đây là một bước thông thường trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (khoản vay chuyển đổi), cũng như tối ưu nguồn vốn nhàn rỗi chưa đầu tư của quỹ.

Tại phần đối thoại, các đại biểu cũng chia sẻ và đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam xem xét, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia phát triển trên thế giới về việc đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, ví dụ điển hình là Singapore với nhiều năm liền đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương với vị trí thứ 8 toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo và là quốc gia dẫn đầu khu vực về hoạt động đầu tư mạo hiểm. Chính phủ Singapore đã đóng một vai trò tích cực trong kết quả này thông qua việc trực tiếp tạo ra các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc đóng vai trò là nhà cùng đầu tư (matching fund) thông qua các tổ chức khu vực công. Singapore đang tiếp tục thúc đẩy đầu tư quốc tế và khuyến khích các nhà quản lý quỹ mở hoạt động tại Singapore. Ngoài các quỹ đầu tư mạo hiểm, Singapore cũng là nơi có mạng lưới và nền tảng đầu tư thiên thần đang hoạt động rất hiệu quả, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Một ví dụ khác là UAE trong thời gian gần đây có nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Tiểu vương quốc Dubai đã khởi động ‘Chiến lược kinh tế đổi mới sáng tạo’ với mục tiêu tăng gấp đôi mức đóng góp của các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo vào GDP, từ 2,6% năm 2020 lên 5% vào năm 2025. Dubai sẽ cung cấp các gói giải pháp linh hoạt, đi kèm các ưu đãi vào các trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.

Một chủ đề khác cũng được Hội thảo rất quan tâm về bộ chỉ số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (BII) và khung chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo khu vực công trong các cơ quan trung ương và địa phương (PSII) do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xây dựng. Đây là những bộ chỉ số quan trọng giúp Việt Nam đánh giá được thực trạng đổi mới sáng tạo trong khu vực công cũng như khu vực tư và từ đó có những giải pháp, chính sách phù hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp toàn nền kinh tế. Đồng thời, đại diện các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đề xuất Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có nguồn vốn tư nhân và nhận các chính sách ưu đãi như quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.

      Hội thảo có sự tham gia đối thoại của các đại diện đến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Phát triển doanh nghiệp, Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy sự quan tâm của các bên liên quan cho hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói chung và thanh niên khởi nghiệp nói riêng. Ông Nguyễn Hải Minh, Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, Trung ương Đoàn cho biết “Hội thảo năm nay thu hút sự quan tâm đông đảo của dư luận xã hội và sự tham gia trực tiếp của hơn 150 đại biểu trong đó bao gồm 10 đại diện cơ quan nhà nước tham gia đối thoại, 100 đại biểu là thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu và đại diện các doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế”.

Thanh Tùng

Tin khác

Kinh tế 19 giờ trước
(SHTT) - Năm 2024, VECOM tiếp tục hoàn thiện tính chỉ số thương mại điện tử (TMĐT). Bên cạnh việc tính toán dựa vào kết quả khảo sát hàng nghìn DN VECOM còn sử dụng nhiều kênh thông tin định lượng tin cậy khác. Tên miền quốc gia “.VN” tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất trong đánh giá hạ tầng cho TMĐT.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo nhưng không vì thế mà chàng trai trẻ Nguyễn Văn Trọng, thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình, Huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá thấy thiếu tự tin, mặc cảm, ngược lại càng thôi thúc anh đam mê lao động, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm để vươn lên làm giàu.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Đội chiến thắng vòng loại cấp quốc gia sẽ đại diện cho Việt nam bước vào Vòng thi chung kết Quốc tế diễn ra tại Luân Đôn vào ngày 19-20/6/2024.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Được chú trọng quy hoạch về không gian sống, từ hệ sinh thái xanh an lành đến các tiện ích thể dục thể thao, vui chơi thư giãn…, Eurowindow Twin Parks không chỉ đón đầu xu hướng sống xanh năng động mà còn góp phần thay đổi diện mạo đô thị phía Đông Hà Nội.