Tìm giải pháp nâng cao công tác quản lý nhà nước về SHTT
Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT, công tác quản lý nhà nước về SHCN của các địa phương trong năm 2023 đã đạt được những thành quả nhất định, trong đó có thể kể đến các mặt công tác đạt được hiệu quả tốt, như hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHCN, hoạt động tư vấn, hướng dẫn việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHCN, công tác khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo. Một số địa phương tiêu biểu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Cần Thơ, An Giang, v.v.. đã thực hiện công tác quản lý nhà nước về SHCN đạt kết quả tốt.
Những kết quả trong năm 2023 cho thấy hoạt động quản lý nhà nước về SHCN ở các địa phương đã đạt được một số thành tích nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, kết quả hoạt động nói chung vẫn không đồng đều và tại nhiều địa phương hoạt động này chưa phát huy tác dụng tương xứng với vị trí, vai trò của cơ quan lãnh đạo, điều hành hoạt động SHTT. Nhiều địa phương, nhất là ở những nơi mà hoạt động thị trường còn kém sôi động, hoạt động SHTT còn đơn giản, vai trò quản lý nhà nước chưa được thể hiện rõ ràng. Năng lực, kiến thức chuyên môn về SHTT của cán bộ các cơ quan thực thi quyền SHTT còn bất cập, tình trạng lúng túng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trông chờ, lệ thuộc vào ý kiến của cơ quan chuyên môn ở Trung ương còn phổ biến.
Vì vậy, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết cần chú trọng đẩy mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao vai trò quản lý nhà nước (QLNN) về SHTT.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về SHTT
Theo đó, cần kiện toàn hệ thống cơ quan QLNN về SHTT theo hướng kiến tạo và hiệu quả; xác định củng cố các đầu mối chuyên trách về SHTT tại các cơ quan QLNN có liên quan ở địa phương; đẩy mạnh cơ chế phối hợp liên ngành trong QLNN về SHTT.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT
Các cơ quan hành chính nhà nước cần tăng cường phối hợp với nhau và với các cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền SHTT; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số; tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT và sản phẩm xâm phạm quyền SHTT.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ
Theo đó, cần xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ thông tin SHTT, bản đồ công nghệ, báo cáo phân tích thông tin SHCN và dự báo xu hướng phát triển công nghệ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ xây dựng, triển khai hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp và tổ chức KHCN; Xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo chuyên sâu về SHTT, trong đó: chú trọng đào tạo chuyên gia quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp và cán bộ quản lý, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm của cộng đồng; ưu tiên đào tạo từ cơ bản đến nâng cao cho các nhóm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ
Ông Nguyễn Văn Bảy nhấn mạnh việc phát triển các trung tâm chuyển giao công nghệ và SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ SHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ bảo hộ và khai thác quyền SHTT ở nước ngoài; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, văn hóa dân gian; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác tài sản trí tuệ; Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác cho các tài sản trí tuệ của Việt Nam ở trong và ngoài nước; Hỗ trợ định giá, kiểm toán tài sản trí tuệ, tập trung vào các đối tượng là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các hoạt động hỗ trợ về SHTT
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội trong hỗ trợ và triển khai hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT;
Hỗ trợ liên kết sản xuất, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT
Theo đó, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan QLNN, cơ quan bảo vệ quyền SHTT.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian, chủ thể quyền SHTT: Hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và SHTT tại các tổ chức nghiên cứu, cơ sở giáo dục đào tạo và doanh nghiệp; nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về SHTT, hỗ trợ thúc đẩy phát triển đội ngũ giám định viên, dịch vụ giám định SHTT và dịch vụ tư vấn pháp luật về SHTT; tổ chức, vận hành và nâng cao năng lực tổ chức chứng nhận độc lập phục vụ việc kiểm soát và quản lý các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tập thể là chủ sở hữu, chủ thể quản lý và khai thác các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng văn hóa SHTT
Cần tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về SHTT, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT; Biên soạn, phát hành tài liệu về SHTT; Tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm, cuộc thi, triển lãm về kết quả hoạt động SHTT và văn hóa SHTT.
PV