SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Các ngôi sao bóng đá tham gia chiến dịch tẩy chay vi phạm bản quyền tại Việt Nam

14:58, 23/12/2023
Chiến dịch "Boot Out Piracy (Tẩy chay vi phạm bản quyền)" xuất hiện trở lại Việt Nam để nhắc nhở người hâm mộ về rủi ro của việc phát trực tuyến bất hợp pháp.

Chiến dịch được sự hưởng ứng của các ngôi sao giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Cụ thể, các cầu thủ Giải ngoại hạng Anh từ các Câu lạc bộ Manchester United, Liverpool, Everton và một số câu lạc bộ khác đang đi đầu trong chiến dịch "Boot Out Piracy", nhằm nâng cao nhận thức của người hâm mộ Việt Nam về những rủi ro và tác động tiêu cực của việc xem lậu.

Trong lần khởi động mùa thứ ba tại Việt Nam lần này, chiến dịch có sự góp mặt của các ngôi sao Premier League bao gồm Casemiro (Manchester United), Diogo Jota (Liverpool), Julio Enciso (Brighton & Hove Albion), Abdoulaye Doucouré (Everton) và Taiwo Awoniyi (Nottingham Forest).

Trong một loạt video xuất hiện trên các kênh kỹ thuật số sắp tới, các cầu thủ sẽ khuyến cáo về việc người dùng dễ bị đe dọa tấn công mạng như thế nào khi truy cập nội dung Giải ngoại hạng Anh thông qua các trang web, hoặc thiết bị phát trực tuyến không chính thức, bao gồm cả phần mềm độc hại và phần mềm tống tiền.

Hành vi này gây ra nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu và các hoạt động lừa đảo, đồng thời, cũng cho thấy khả năng cao là họ đang xem các trận đấu trên các nguồn không đáng tin cậy và chất lượng kém.

Một báo cáo do Liên minh Công dân Kỹ thuật số công bố vào tháng 6/2023, với tiêu đề "Giving Piracy Operators Credit (Tặng tín dụng cho những kẻ vi phạm bản quyền)", cho thấy 44% người dùng truy cập nội dung vi phạm bản quyền trực tuyến đã từng gặp phải trường hợp bị đánh cắp danh tính. Báo cáo tương tự cũng cho thấy 46% người dùng sử dụng nội dung vi phạm bản quyền đã gặp phải phần mềm độc hại, so với chỉ 9% người dùng không vi phạm bản quyền.

Giáo sư Paul Watters - nhà tư vấn và nghiên cứu an ninh mạng hàng đầu - cho biết: "Việt Nam ghi nhận thiệt hại kỷ lục hơn 900 triệu USD do các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại vào năm 2022. Người tiêu dùng cần biết rằng các trang web và ứng dụng phát trực tuyến nội dung vi phạm bản quyền là một trong những nguồn chính gây ra các cuộc tấn công này.

Mặc dù phần mềm chống virus có thể giúp người tiêu dùng nhưng cũng không thể theo kịp sự bùng nổ của các biến thể phần mềm độc hại mỗi ngày. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy tránh những trang web lưu trữ và phân phối phần mềm độc hại".

2

Cầu thủ Casemiro (Manchester United) kêu gọi người dân Việt Nam cảnh giác với các website phát sóng bất hợp pháp giải Ngoại hạng Anh. Ảnh: BTC cung cấp 

Giải ngoại hạng Anh hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương trên khắp châu Á và trên toàn thế giới nhằm đưa ra hành động hình sự đối với các kẻ điều hành trang web và nhà cung cấp thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp.

Chiến dịch "Boot Out Piracy" mùa này được khởi động sau khi đại diện Giải ngoại hạng Anh tham dự hội thảo do Cục Bản quyền tác giả Việt Nam tổ chức để thảo luận với các bên liên quan chính về cách cải thiện hơn nữa cơ chế chặn trang web nhằm đập tan các băng nhóm vi phạm bản quyền tinh vi hoạt động tại Việt Nam và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về những mối nguy hiểm của vi phạm bản quyền.

Buổi hội thảo cũng đề cập đến các nhóm tội phạm có tổ chức đứng sau các băng nhóm vi phạm bản quyền ở Việt Nam và sự cần thiết phải mạnh mẽ thực thi và trừng phạt thông qua truy tố hình sự để chống lại loại tội phạm này một cách hiệu quả.

Hiệp hội bóng đá Anh đã biểu dương các nỗ lực của cơ quan quản lý Chính phủ Việt Nam vì đã không ngừng nhắm mục tiêu vào các băng nhóm vi phạm bản quyền thể thao. Bên cạnh việc làm gián đoạn các nguồn phát sóng Giải ngoại hạng Anh bất hợp pháp và các nội dung khác, cơ quan quản lý của Việt Nam cũng hạn chế quyền truy cập vào các hoạt động cờ bạc không được cấp phép và không được kiểm soát, gây ra những rủi ro không thể chấp nhận được cho người tiêu dùng.

Giám đốc pháp lý Ngoại hạng Anh Kevin Plumb cho biết: "Chúng tôi biết người hâm mộ bóng đá Việt Nam và trên khắp châu Á say mê Giải ngoại hạng Anh như thế nào. Thông qua chiến dịch "Boot Out Piracy", chúng tôi tiếp tục muốn nhấn mạnh mối rủi ro khủng khiếp của việc theo dõi các trận đấu thông qua luồng phát trực tuyến bất hợp pháp.

Những người xem lậu sẽ không chỉ bỏ lỡ những trải nghiệm trận đấu tuyệt vời nhất mà còn phải đối mặt với hàng loạt các mối đe dọa an ninh mạng. Khi truy cập nội dung vi phạm bản quyền, người dùng tự đẩy bản thân mình vào tay tội phạm. Chúng sử dụng hàng loạt các phương thức để xâm phạm thiết bị của người xem. Việc này có thể dẫn tới hằng hà sa số các hệ luỵ, bao gồm gian lận và đánh cắp danh tính.

Chúng tôi chỉ muốn khuyên người hâm mộ bóng đá Việt Nam đừng tự rước lấy rủi ro an ninh mạng. Hãy xem những trận cầu của Giải ngoại hạng Anh với chất lượng tốt nhất thông qua đối tác phát sóng chính thức của chúng tôi.

Song song với việc giáo dục mọi người về sự nguy hiểm của phát trực tuyến bất hợp pháp, chúng tôi cũng đang làm việc cật lực hơn bao giờ hết với chính quyền địa phương để chặn các trang cũng như luồng phát trực tuyến vi phạm bản quyền và truy tố những đối tượng bán thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp".

3

Ông Phạm Tuấn Đạt - Giám đốc Thể thao Truyền hình K+, trả lời phỏng vấn tại một sự kiện truyền thông. Ảnh: Thế Anh  

Tại Việt Nam, Giải ngoại hạng Anh hiện đang hợp tác với đối tác đài truyền hình địa phương là K+ trong chiến dịch "Boot Out Piracy".

Đại diện của Truyền hình K+, ông Phạm Tuấn Đạt - Giám đốc Thể thao - cho biết: "Truyền hình K+ hợp tác với Ngoại hạng Anh và các cơ quan chức năng để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền, đẩy lùi các hành vi xem lậu ẩn chứa những nguy cơ độc hại và ảnh hưởng xấu tới gia đình và xã hội".

Chiến dịch sẽ được phủ sóng trên khắp các kênh phát sóng, phương tiện truyền thông xã hội, trang web và YouTube tại Việt Nam, cũng như Singapore, Malaysia, Hồng Kông và Thái Lan.

 Đinh Nam

Tin khác

Tài sản trí tuệ 13 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 45 triệu đồng và tịch thu 1.600 sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 17 giờ trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Acuitas Therapeutics và công ty CureVac vừa giải quyết vụ kiện đòi được công nhận là người phát minh từ phía Acuitas trong các liên quan đến vắc xin COVID-19.
Tài sản trí tuệ 17 giờ trước
(SHTT) - Công ty CP Công nghệ Mới Nhật Hải (OIC NEW) là một doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyên về lĩnh vực công nghệ nano ứng dụng trong y dược, thủy sản, chăn nuôi, mỹ phẩm. Với những nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu và phát triển, OIC NEW đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, khẳng định vị thế của mình.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Liên tục sai phạm trong lĩnh vực y tế, Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế - Mega Gangnam bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt 53 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa làng cổ Phước Tích và Đệm bàng Phò Trạch.