SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Bộ Công an điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân

14:15, 10/08/2022
(SHTT) - Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân lấy nguồn gốc từ Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và một số ngành khác.

 Sáng 10/8, tại phiên họp 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã chất vấn Đại tướng Tô Lâm về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. Các đại biểu đã phản ánh tình trạng thông tin cá nhân được rao bán trên các hội nhóm, nền tảng mạng xã hội, không khó để truy cập vào các hội nhóm này. Đồng thời các đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ Công an sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này.

Trả lời về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân cả trên thế giới và ở nước ta đang trong tình trạng rất đáng báo động, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao.

Trong báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua theo dõi, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số nước ta đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau.

to lam

 

“Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong khi người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai” - Bộ trưởng chỉ ra.

Tương tự, theo Bộ trưởng, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân cũng diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý.

Các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác. Các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán.

“Nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn trên không gian mạng thông qua các website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn tin tặc” - Bộ trưởng phản ánh.

Đặc biệt, xuất hiện một số công ty được thành lập mới, đầu tư xây dựng, vận hành các hệ thống kỹ thuật chuyên thu thập trái phép dữ liệu cá nhân để kinh doanh thu lợi nhuận; xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân.

Vẫn theo người đứng đầu ngành Công an, chỉ trong 2 năm từ năm 2019 đến năm 2020, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý.

Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm...

Để hạn chế tình trạng này, Bộ Công an đã triển khai một số biện pháp, trong đó xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, làm căn cứ pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Lộ trình đến năm 2024 sẽ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiều nước trên thế giới cũng đã ban hành luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Giải pháp khác được Bộ trưởng nhấn mạnh là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đồng thời tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp để lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân. Bộ trưởng Công an cũng cho biết, đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân, lấy nguồn gốc từ Bộ GD&ĐT và một số ngành khác.

Bên cạnh đó, Đại tướng Tô Lâm còn cho hay, có một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như Y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt sẽ được tập trung xử lý. Bộ Công an xác định, cơ sở dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên của quốc gia nên được bảo đảm tổ chức ngày từ đầu, bảo đảm an ninh an toàn về mức độ 4; thực hiện nghiêm ngặt quy trình thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin… 

“Chúng tôi coi đây là mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang để quản lý”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, Bộ thường xuyên thực hiện kỹ thuật chuyên biệt 24/24 với hệ thống ngăn chặn việc tấn công xâm nhập lấy cắp dữ liệu. 

Theo ông Tô Lâm, hàng ngày Bộ phải đối phó hàng nghìn cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Nếu không có hệ thống bảo đảm an toàn thì nguy cơ này rất lớn mà nhiều tấn công là từ nước ngoài”, Bộ trưởng Công an nói.

Minh Thư

Tin khác

Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng mới của Canada đang tạo ra những làn sóng trái chiều. Các doanh nghiệp đang lo ngại việc đạo luật mới mang lại quá nhiều quyền lực cho chính phủ.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 1 tuần trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.