Anh bật đèn xanh cho ô tô 'tự lái' trên đường cao tốc
Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải Anh cho biết họ đang nghiên cứu các chỉ dẫn cụ thể trên đường cao tốc của nước này để giúp các chủ xe sử dụng an toàn hệ thống xe tự lái, cụ thể là "Hệ thống giữ làn đường tự động" (ALKS). Hệ thống này sử dụng các cảm biến và phần mềm để giúp cho xe ô tô đi đúng làn đường, kiểm soát việc tăng tốc và phanh mà không cần sự điều khiển của người ngồi trong xe.
Được biết, tính năng giữ làn đường tự động đã có từ khá lâu và được trang bị trên một số loại xe. Tuy nhiên, động thái mới này của chính phủ Anh lần đầu tiên hợp pháp hóa việc các lái xe rời tay khỏi vô lăng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Anh cũng quy định, ALKS sẽ chỉ được sử dụng trên đường cao tốc, với tốc độ dưới 60 km (37 dặm) mỗi giờ.
Vương quốc Anh muốn đi đầu trong việc triển khai công nghệ lái xe tự hành và Bộ Giao thông vận tải nước này dự báo đến năm 2035, khoảng 40% ô tô mới của Anh sẽ có khả năng tự lái, đồng thời tạo ra khoảng 38.000 việc làm dựa trên công nghệ mới này.
Trong một tuyên bố, Ông Mike Hawes, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và phân phối ô tô tại Anh, cho biết: “Ngành công nghiệp ô tô hoan nghênh bước đi quan trọng này. Việc cho phép sử dụng các phương tiện tự động trên đường của Chính phủ sẽ giúp Anh trở thành quốc gia tiên phong về an toàn đường bộ và công nghệ ô tô.”
Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cảnh báo mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu trong việc áp dụng ô tô tự lái của Anh có thể phản tác dụng nếu các nhà sản xuất ô tô và cơ quan quản lý không khắc phục những hạn chế của công nghệ hiện nay.
Theo các công ty này, việc gọi ALKS là 'tự động' hay sử dụng thuật ngữ đồng nghĩa 'tự lái', sẽ khiến các tài xế Anh hiểu lầm rằng những chiếc xe có thể tự lái và gây ra tai nạn khi không có tài xế điều khiển. Từ đó, công nghệ này có nguy cơ phải nhận những phản ứng trái chiều từ công chúng.
Theo ông Matthew Avery, Giám đốc nghiên cứu của Thatcham Research, nơi đã thử nghiệm các hệ thống ALKS, bằng cách gọi là ALKS ‘tự động’, Chính phủ Anh đang góp phần gây ra sự nhầm lẫn. Cụ thể, việc nhiều người thường xuyên sử dụng sai các hệ thống hỗ trợ lái xe đã gây ra nhiều tai nạn thương tâm.
Không chỉ riêng ở Anh, tại Hoa Kỳ, các cơ quan quản lý cũng đang xem xét khoảng 20 vụ tai nạn liên quan đến các công cụ hỗ trợ lái xe, chẳng hạn như hệ thống ‘Autopilot’ của Tesla.
Ngọc Đỗ