Mỹ xem xét bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa Covid-19
Đề xuất từ bỏ quyền SHTT được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây đã bắt đầu cung cấp các viện trợ và dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị y tế và nguyên liệu điều chế vắc xin. Những hỗ trợ trên đặc biệt dành cho các quốc gia đang chịu nhiều áp lực khi số ca nhiễm và tử vong vì Covid đang gia tăng, nổi bật là Ấn Độ.
Ngày 28/4, Ấn Độ đã có hơn 200000 ca tử vong do nhiễm virut Conora, mặc dù con số thực tế dự kiến sẽ cao hơn nhiều.
Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki cho biết “có rất nhiều cách khác nhau” để tối đa hóa việc sản xuất vắc xin trên toàn cầu. Ngày 27/4, bà Psaki chia sẻ với phóng viên rằng: “Hiện tại, việc từ bỏ quyền SHTT có thể là một giải pháp, nhưng chúng tôi phải đánh giá xem điều gì hợp lý nhất”.
Bà Psaki cho biết các quan chức ở Washington đang nghiên cứu xem liệu việc tăng cường sản xuất vắc xin hiện có ở Mỹ đạt hiệu quả hơn hay không.
Tổ chức Y tế Thế giới, cựu lãnh đạo thế giới và các nhóm viện trợ cũng đã kêu gọi Mỹ và nhiều quốc gia khác từ bỏ các quy tắc trong SHTT nhằm cho phép những quốc gia có năng lực nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất vắc xin.
Cho đến nay, Mỹ và một số quốc gia khác đã chặn các cuộc đàm phán tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về một đề xuất do Ấn Độ và Nam Phi dẫn đầu nhằm từ bỏ quyền SHTT của các công ty dược phẩm để cho phép các nước đang phát triển sản xuất vắc xin COVID-19.
Những người ủng hộ đang thúc đẩy Washington thay đổi quyết định trước một phiên họp khác của WTO về vấn đề này vào ngày 30/4.
Một số nhà phê bình cho rằng việc từ bỏ thỏa thuận của WTO về các khía cạnh liên quan đến SHTT có thể làm giảm tính an toàn của vắc xin. Đồng thời, việc thiết lập điều chế vắc xin ở những địa điểm mới sẽ làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu cần thiết để thúc đẩy sản xuất ở những địa điểm hiện có.
Hôm thứ Hai, đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai đã thảo luận vấn đề này với các nhà sản xuất vắc xin Pfizer và AstraZeneca. Bà cho biết mình đang tìm kiếm một giải pháp nhằm giúp các nước đang phát triển có vai trò trong việc giải quyết những vấn đề trong sản xuất và phân phối vắc-xin.
Giám đốc điều hành cơ quan sản xuất vắc xin tại Mỹ tin rằng bà Tai nghiêng về phía ủng hộ việc từ bỏ quyền SHTT. Theo bà Tai, sự chênh lệch về khả năng tiếp cận thuốc giữa các nước phát triển và đang phát triển là "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Do đó các công ty sản xuất vắc xin cần từ bỏ quyền SHTT trong thời kỳ đại dịch.
Hải Yến