Các trường hợp buộc phải thu hồi thẻ BHYT, không nộp có thể bị phạt tới 5 triệu đồng
Các trường hợp bị thu hồi thẻ BHYT
Căn cứ theo khoản 1 Điều 20 Luật BHYT 2008 được bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2014 quy định các trường hợp bị thu hồi thẻ BHYT, bao gồm:
- Gian lận trong việc cấp thẻ BHYT
Người tham gia bảo hiểm, người nộp danh sách đề nghị tham gia hoặc người tiếp nhận hồ sơ, thực hiện quản lý cấp thẻ là nững chủ thể có thể gian lận trong việc cấp thẻ BHYT.
Trong trường hợp này, các hành vi gian lận tương đối đa dạng, chẳng hạn như khai báo gian dối các thông tin của người đề nghị tham gia BHYT, thêm, giảm số lượng người tham gia BHYT để trục lợi,…
- Người có tên trong thẻ BHYT không tiếp tục tham gia BHYT
Đối với người tham gia BHYT không tiếp tục đóng hoặc tham gia BHYT hoặc không còn thuộc các trường hợp được tham gia bảo hiểm (đã chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, chấm dứt hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, quá 06 tuổi,…) thì bị thu hồi thẻ BHYT nhằm tránh các hành vi gian lận để được hưởng BHYT.
- Cấp trùng thẻ BHYT
Đây chính là những trường hợp cơ quan BHYT có sự nhầm lẫn, sai sót trong việc cấp BHYT dẫn đến việc một người có nhiều hơn 02 thẻ bảo hiểm có cùng giá trị sử dụng trùng nhau. Trường hợp này, chỉ có 01 thẻ được giữ lại, các thẻ BHYT còn lại sẽ bị thu hồi.
Trường hợp tạm giữ thẻ BHYT
Theo khoản 2 Điều 20 Luật này quy định trường hợp tạm giữ thẻ BHYT khi “Người đi khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT của người khác.”
Đây được coi là một trường hợp người tham gia BHYT vi phạm quy định về BHYT (và bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này). Người có thẻ BHYT bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật. Theo đó, mức xử phạt đối với đối với người cho người khác sử dụng thẻ bảo hiểm để khám, chữa bệnh được quy định tại Điều 84 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 84. Vi phạm quy định về sử dụng thẻ BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh
1. Phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT;
b) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ BHYT.
Như vậy, ngoài việc bị xử phạt tiền, người cho người khác sửa dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT (nếu có) đối với hành vi làm thiệt hại đến quỹ BHYT.
Khánh An