SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 08/05/2024
  • Click để copy

Xác định người tiêu dùng ‘cố tình’ mua hàng giả bằng cách nào?

10:32, 10/11/2022
Trước ý kiến đề xuất xử lý cả người tiêu dùng cố tình mua hàng giả của một số đại biểu tại Quốc hội thảo luận Tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều người cho rằng đề xuất trên chưa hợp lý.

Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội không chỉ thời gian gần đây, mà đã tồn tại từ nhiều năm qua với cả người mua và người bán. Tình trạng này gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và làm mất uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Trước thực trạng trên, tại Quốc hội thảo luận Tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), một số đại biểu đã có ý kiến đề xuất xử lý cả người tiêu dùng cố tình mua hàng giả.

Đề xuất xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả vướng nhiều tranh cãi

Sau đề xuất đã có nhiều ý kiến tranh luận, chị Hồ Nhung (35 tuổi, Đồng Nai) cho biết với ý kiến đề xuất xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả, hàng nhái của các đại biểu Quốc hội là điều hợp tình hợp lý. Khi có chế tài xử phạt rõ ràng sẽ giúp người tiêu dùng có ý thức hơn trong việc lựa chọn sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Một khi người tiêu dùng không còn tiếp tay cho sản phẩm hàng giả, hàng nhái thì thị trường hàng giả, hàng nhái mới không thể tồn tại được nữa.

Đồng tình với ý kiến trên, anh Quốc Hoàng (32 tuổi, Tân Bình) cho rằng việc xử phạt người tiêu dùng cố tình mua hàng giả là hoàn toàn hợp lý. “Thực tế, việc xử phạt đã được quy định tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để áp dụng việc xử phạt người tiêu dùng tại Việt Nam như thế nào thì cần có những quy định cụ thể, rõ ràng và hợp lý”, anh Quốc Hoàng nói.

7e18dd6defaa28f471bb

Các sản phẩm là hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai ở nhiều nơi.

Trái ngược với các ý kiến trên, anh Trần Anh Khoa (26 tuổi, Tân Phú) cho biết việc đề xuất xử lý người mua hàng giả là chưa hợp lý, vì chính người tiêu dùng cũng đang là nạn nhân của hàng giả. Trong khi trách nhiệm kiểm soát hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Đại biểu Quốc hội dùng từ "cố tình'' mua hàng giả, vậy căn cứ vào đâu để xác định là hành vi "cố tình'' khi người mua hoàn toàn có thể phủ nhận là tôi không biết, tôi không phân biệt được.

Theo ý kiến của chị Thùy Linh (23 tuổi, Bình Thạnh), việc xử phạt người tiêu dùng dùng hàng giả như hiện nay rất khó để đạt hiệu quả. Với mức thu nhập vừa đủ chi tiêu, người tiêu dùng ít có điều kiện tiếp cận với những sản phẩm chính hãng có giá vài chục triệu đồng trở lên. Trong khi đó, xung quanh người tiêu dùng là những mặt hàng được làm giả, làm nhái, mặc dù biết nhưng khách hàng vẫn mua vì không có lựa chọn nào khác do giá thành vừa phải, phù hợp với điều kiện kinh tế của họ.

“Để giải quyết vấn đề hàng giả, hàng nhái trôi nổi trên thị trường, trước tiên cơ quan chức năng cần nghiêm cấm, truy quét và xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng nhái, hàng nhập lậu. Tiếp đó mới xét đến việc xử lý người cố tình tìm mua những sản phẩm hàng giả, hàng nhái thương hiệu”, chị Lương chia sẻ.

Cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng

Hiện nay, để phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó vì các sản phẩm này được bày bán công khai tại những nơi công cộng. Nhiều loại chỉ cần nhìn “mắt thường” cũng biết là hàng giả, nhưng để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ dàng. Do đó, để xử phạt người tiêu dùng cố tình mua hàng giả, hàng nhái sẽ gặp nhiều bất cập nhất định nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng.

Trao đổi với PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, luật sư Huỳnh Duy Toàn cho biết quan điểm khẳng định người tiêu dùng tiếp tay cho hành vi xâm phạm là chưa thỏa đáng nếu nhìn từ góc độ căn cứ. Bởi lẽ dựa vào bộ tiêu chí nào để xác định được nhận thức của một người tiêu dùng cụ thể đối với nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, giá cả hàng hóa? Việc làm rõ các tiêu chí và đưa vào quy định trong giai đoạn hiện tại dường như không khả thi.

“Có thể thấy đề xuất này có phần đánh đố người tiêu dùng, bởi nếu không phải là người có kiến thức tương đối về các khía cạnh liên quan đến sản phẩm, hàng hóa cụ thể thì để phân biệt, nhận định hàng giả, hàng nhái là chuyện không hề dễ”, Luật sư Toàn nói.

z3848311862187_2c3d5472fd

Cơ quan chức năng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square.

Hơn nữa, đối với Cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý vi phạm, việc xem xét còn phải dựa trên hồ sơ, chứng từ, thậm chí có trường hợp quá trình xác minh phải kéo dài hoặc phải xin ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn để xác định yếu tố xâm phạm, liệu rằng người tiêu dùng có thể tự xác định được hay không?

Đồng thời, cần nhìn nhận trách nhiệm chính trong kiểm tra, xử lý hiện trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ thuộc về cơ quan chuyên môn, từ cơ quan hải quan, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan khác.

Luật sư Toàn đưa ra góp ý: "Luật pháp Việt Nam cần nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hơn hành lang pháp lý, cơ chế phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị xã hội như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để kịp thời tiếp nhận giải quyết các phản ánh, kiến nghị xem xét xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm. Cũng như quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc kịp thời xác minh, xử lý đối với các chủ thể kinh doanh có dấu hiệu vi phạm.

Ngoài ra, cần có cơ chế thông thoáng về mặt thủ tục để người tiêu dùng thuận tiện trong việc kiến nghị xem xét xử lý vi phạm. Để thực hiện được điều này thì vai trò cầu nối của Hội bảo vệ người tiêu dùng là rất quan trọng trong việc kịp thời phân loại, xác minh, tổng hợp, kiến nghị và theo dõi tiến trình xử lý của cơ quan có thẩm quyền".

Thanh Thảo - Võ Liên

Tin khác

Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Bộ Công an đã thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn Hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tại đây, Bộ Công thương đề xuất thí điểm quản lý thuốc lá điện tử, nhằm mục tiêu quản lý tốt hơn.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận đã đồng loạt thi hành lệnh khám xét tại 3 điểm sản xuất, mua bán phân bón liên quan đến Công ty TNHH Hasa Mặt Trời tại huyện Hàm Tân.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố 10 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là nước giặt, nước rửa bát mang nhãn hiệu Thái Lan.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Theo cảnh báo của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội, hình thức cung cấp dịch vụ cấp lại mật khẩu, chỉnh sửa thông tin ứng dụng VssID - BHXH có lấy phí là trái pháp luật và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.