Vợ chồng nhiếp ảnh gia về nước hiện thực hóa đam mê với tranh ảnh cổ
Mỗi ngày được bồi đắp về tinh thần, đời sống của anh Hải và chị Bình như được tưới táp để tiếp tục với công việc.
Tình yêu với nghệ thuật
Bạch Nam Hải (Danny Bach) là một nhiếp ảnh gia người Việt với chuyên môn ảnh tư liệu và chân dung, anh cũng là chuyên gia kỹ thuật in của phòng in kỹ thuật số VG - Lab, giám đốc Công ty Hoa Ta.
Năm 2013, khi đang học năm 3, ngành Quản trị Kinh doanh ở trường Đại học RMIT (Úc), anh nộp hồ sơ chuyển sang học ngành Nhiếp ảnh và Công nghệ hình ảnh tại trường này. Khoá học không chỉ trang bị cho anh kiến thức chuyên sâu mà còn đòi hỏi thực hành từ chụp ảnh đến sản xuất ảnh sao cho đạt chất lượng tối ưu.
"May mắn lớn nhất là mình được học trong môi trường cởi mở, khuyến khích nghệ thuật, các chương trình ở các bảo tàng, nghệ thuật gần gũi với công chúng. Thành lập doanh nghiệp ở Úc từ những năm 2012, lúc đó mình cũng in ảnh, bán ảnh cung cấp dịch vụ nhiếp ảnh", chị Bình - Cố vấn nội dung Công ty Hoa Ta nói.
Trở về Việt Nam vào năm 2016, đầu năm 2017, anh Hải cùng chị Bình mở phòng in VG - Lab. Hiện nay, phòng in đã đạt chứng nhận chuyên môn của cả hai hãng giấy uy tín thế giới là Hahnemühle và Ilford.
Theo anh Hải, Việt Nam ở thời điểm đó vẫn chưa có nhiều phòng in kỹ thuật số tiêu chuẩn Mỹ thuật (Fine art). Ở vị trí của một trong những người tiên phong, anh Hải nhận thấy khó khăn lớn nhất là thị trường chưa phổ cập, khách hàng chưa hiểu được phòng in của mình khác gì so với phòng in thông thường.
Tiếp lời, chị Bình cho biết khác biệt giữa phòng in Giclee Mỹ thuật với các phòng in thông thường là chúng ta phải đi tìm hiểu biết về vật liệu là các loại giấy. Bên cạnh đó, bản thân anh Hải và chị Bình phải làm theo quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ để đưa ra sản phẩm in chất lượng cao nhất. Theo đó, chất lượng được đo bằng cách dựa trên cả kĩ thuật lẫn kinh nghiệm người vận hành.
"Bản in khi in ra phải được xem dưới chất lượng ánh sáng như thế nào để biết có đúng màu hay chưa, soi những điểm xước,… đòi hỏi người xem phải có kinh nghiệm và chuyên môn cao. Chẳng hạn, mắt người bình thường khó phân biệt được đâu là màu đen, đâu là màu đen ánh tím nên người trực tiếp kiểm tra bản in cũng đồng thời phải là người tìm được nguyên nhân để khắc phục, nếu có vấn đề gì phải một đền một", chị Bình nói.
Nơi phục chế tranh ảnh xưa cũ (kỹ thuật số)
Theo anh Hải, nhu cầu in chủ yếu hiện nay là in tác phẩm nghệ thuật, in những tấm ảnh quý, ảnh gia đình. Khi mở phòng in, thuận lợi lớn nhất là ít cạnh tranh vì ngành nghề yêu cầu chuyên môn cao. Tuy nhiên, nhu cầu in ấn tại Việt Nam đa phần mang tính chất ngắn hạn.
"Sản phẩm in có tính bền lâu, độ bền được quyết định bởi hãng giấy, mực, tiêu chuẩn được thử nghiệm. Một bản in có thể lưu giữ từ 200 năm tuổi nên rất cần đầu tư. Vì vậy tệp khách hàng chủ yếu là doanh nghiệp, khách nhỏ lẻ, người đam mê nghệ thuật", anh Hải tâm sự.
Ngày nay, việc chụp ảnh trở nên dễ dàng hơn nên tư duy đối với việc lưu giữ hình ảnh từ đó cũng thay đổi theo. Đối với ảnh, mỗi cá nhân có thể sở hữu nhiều vô số ảnh số nên sinh ra tâm lý giảm đi sự trân trọng với từng tấm ảnh so với ngày xưa.
"Ngày xưa để có một bức ảnh thì khó khăn hơn, người ta in một tấm nhiều bản, ghi phía sau tấm ảnh những lời chúc, lời tâm tình. Từ đó, ảnh giữ một vai trò quan trọng, kết nối con người với nhau", chị Bình nói.
Đối mặt với một thị trường non trẻ và thưa thớt, do cơ duyên cũng là để duy trì hoạt động phòng in, anh mở thương hiệu Đông Á Danh Họa để tái bản (phục dựng) lại các bức thư hoạ cổ Á Đông. Quá trình chọn tranh để giới thiệu cũng là quá trình anh học về các thư họa gia, về các tác phẩm hàm chứa tư tưởng và học thuật Á Đông, chiêm nghiệm về thịnh - suy - bĩ - thái của đời người và các trường phái.
Theo chị Bình, việc sáng lập Đông Á Danh Họa không phải để kinh doanh mà để chia sẻ, lưu giữ các giá trị truyền thống về hội hoạ lẫn tư tưởng.
Cái khó của Đông Á Danh Họa chính là thiếu thốn tư liệu hình ảnh của Việt Nam. Trên thị trường Việt Nam và thế giới rất khó hoặc không tìm được tranh ảnh cổ của Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam chưa có nhiều tư liệu về thư họa cổ Đông Á nên cả anh Hải và chị Bình luôn phải tìm thông tin đúng và rõ ràng đưa ra cho mọi người. Từ đó, anh chị cũng bắt đầu phục dựng bộ tranh thất truyền. Đơn cử như tranh chữ Phúc do Hoa Ta phục dựng mới đây cũng hết sức khó khăn trong công cuộc tìm kiếm thông tin. Hơn nữa khi có thông tin, anh Hải và chị Bình phải tìm được nghệ nhân, nghệ sĩ am hiểu để tìm ra tranh, vẽ tranh,...
Được bồi đắp về tinh thần nhiều hơn
Thị trường in ảnh nghệ thuật còn kén khách nhưng điều níu giữ đôi vợ chồng trẻ tiếp tục với nghề là được nhìn ngắm những tác phẩm mà nghệ sĩ gửi tới.
"Là người đầu tiên ngắm nhìn những bức ảnh mọi người gửi đến, đó là điều vinh dự với cả anh chị. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với các tác phẩm quý hiếm làm mình càng yêu thích công việc", chị Bình chia sẻ.
Không chỉ vậy, gắn bó với công việc hiện tại cũng giúp đời sống tinh thần mỗi ngày của anh Hải và chị Bình được bồi đắp. Việc làm đẹp cho tâm hồn không kém làm đẹp cho ngoại hình, đó cũng là nhu cầu cho cuộc sống văn minh và hiện đại hơn.
Con người có nhu cầu kết nối bằng nhiều loại hình như âm nhạc, thơ ca,... anh Hải và Bình chọn cách kết nối với mọi người qua ngôn ngữ hình ảnh.
Theo chị Bình, nếu việc treo một bức tranh để lấp tường trắng thì đơn giản nhưng việc treo một bức tranh ý nghĩa còn nhắc ta nhớ nhiều điều quan trọng,
"Ngày xưa, người ta thường treo tranh tứ quý, tùng cúc trúc mai, tứ quân tử là để nhắc sống quân tử phải như cây mai, cây trúc. Hay là dịp Tết, người ta hay mua bộ tứ bình tố nữ, tưởng tượng các cô đến chơi nhạc trong nhà, mặc đủ quần áo rực rỡ như đem xuân về nhà. Vì vậy, việc treo tranh ảnh mang đến nhiều thứ hơn là chỉ lấp đầy cái tường", chị Bình chia sẻ.
Võ Liên