Vi phạm luật chống độc quyền, Google bị Hàn Quốc phạt 177 triệu USD
Theo thông tin từ Yonhap News, ngày 14/9 vừa qua, KFTC đã quyết định thỏa thuận chống phân mảnh (AFA) mà Google buộc các nhà sản xuất phải ký để đổi lấy việc sử dụng hệ điều hành Android của họ đã cản trở cạnh tranh tại Hàn Quốc. Với quyết định này, Google đã được ban hành án phạt 177 triệu USD, mức phạt cao thứ 2, sau Qualcomm, mà nước này từng đưa ra cho các cáo buộc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Về cơ bản thỏa thuận trên đã ngăn cản các nhà sản xuất điện thoại, bao gồm cả Samsung và LG, tạo và cài đặt các phiên bản hệ điều hành Android riêng trên thiết bị của họ.
“Chúng tôi kỳ vọng các biện pháp được thực hiện sẽ tạo cơ sở hồi sinh sự cạnh tranh trong thị trường ứng dụng và hệ điều hành di động. Ngoài ra, hi vọng rằng bước đi này sẽ giúp tung ra các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo trên thị trường thiết bị thông minh”, Yohap dẫn thông báo của KFTC cho biết.
Yonhap News cho biết ủy ban đã xem xét liệu thỏa thuận có kìm hãm sự cạnh tranh kể từ năm 2016. Ngoài việc phạt Google, ủy ban cũng đã cấm công ty buộc các nhà sản xuất ký AFA trong tương lai và sửa đổi các quy tắc AFA hiện có.
Với mức án phạt trên, Google tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định của cơ quan quản lý vì cho rằng, động thái này "làm suy yếu những lợi ích mà người tiêu dùng được hưởng".
“Chương trình tương thích Android đã thúc đẩy sự đổi mới đáng kinh ngạc trong phần cứng và phần mềm và mang lại thành công lớn cho các nhà sản xuất và nhà phát triển Hàn Quốc. Và điều này đã mang lại cho người tiêu dùng Hàn Quốc nhiều sự lựa chọn hơn, chất lượng tốt hơn và trải nghiệm người dùng tốt hơn”, Google cho biết.
Trước đó, hồi tháng 8 vừa qua, Hàn Quốc cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên thông qua đạo luật buộc Apple và Google phải mở cửa hàng ứng dụng cho các hệ thống thanh toán bên ngoài. Dự luật đó có hiệu lực vào ngày 14/9, theo Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc.
Phản ứng về đạo luật mới của Hàn Quốc về chống độc quyền, Apple trước đó đã đưa ra các chỉ trích và khẳng định dự luật sẽ "đem lại rủi ro lừa đảo cao hơn cho khách hàng khi họ mua sản phẩm số từ các nguồn khác, làm xói mòn các cơ chế bảo vệ quyền riêng tư và gây khó khăn trong quản lý mua hàng”, và làm giảm hiệu quả các biện pháp kiểm soát của phụ huynh cùng nhiều tính năng khác.
“Chúng tôi tin rằng niềm tin của người dùng đối với sản phẩm mua qua App Store sẽ suy giảm do dự luật này,” Apple cho biết.
Vào tuần trước ở Mỹ, Apple thông báo công ty này sẽ cho phép NPT các ứng dụng trên iPhone và iPad gửi email đến người dùng về các phương thức rẻ hơn để mua sản phẩm và dịch vụ số. Động thái nhượng bộ này là một phần của thỏa thuận ban đầu sau vụ kiện của các NPT ở Mỹ.
Google cho biết đang xem xét cách tuân thủ dự luật mới. Công ty cho biết “Google Play không chỉ cung cấp phương thức xử lý thanh toán, và phí dịch vụ của chúng tôi giúp giữ Android miễn phí và cung cấp cho các NPT công cụ và nền tảng tiếp cận hàng tỷ khách hàng trên khắp thế giới”.
Google cũng nói thêm, “Cũng như việc NPT phải tốn chi phí phát triển ứng dụng, chúng tôi phải chi tiền khi xây dựng và duy trì một hệ điều hành và cửa hàng ứng dụng. Chúng tôi sẽ xem xét cách tuân thủ dự luật mới trong khi vẫn duy trì một mô hình hỗ trợ hệ điều hành và cửa hàng ứng dụng chất lượng cao, và chúng tôi sẽ chia sẻ thêm về điều này trong những tuần tới”.
Thái An
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- dịch vụ Luật sư tại TPHCM
- Dịch vụ Thay đổi giấy phép kinh doanh tại Bình Dương trọn gói