Vấn nạn sách lậu tràn lan ở các trung tâm ngoại ngữ
Lâu nay, sách lậu luôn được coi là một "đại nạn" của ngành xuất bản, phát hành. Ngày càng lan rộng và diễn biến phức tạp, nạn sách lậu không chỉ gây thiệt hại về kinh tế và uy tín cho các nhà làm sách chân chính mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên lĩnh vực in ấn, xuất bản. Chống sách lậu thật sự là "cuộc chiến" cam go, đòi hỏi sự góp sức, quyết tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Hiện nay, có rất nhiều trung tâm dạy học, dạy ngoại ngữ, đang sử dụng các giáo trình, sách giáo khoa giả mà không biết rằng, hành vi này hoàn toàn vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.
Biết là vi phạm bản quyền nhưng vẫn bán sách giả cho sinh viên sử dụng. Những nhân viên ở đây rất cảnh giác nếu có đề cập đến việc được xem trước giáo trình học. Chỉ khi nào đóng tiền, học viên mới được dẫn đi xem lớp và xem sách.
Ở nhiều trung tâm ngoại ngữ, dù ghi rõ không sao chép, tái bản và không bán nhưng nhiều trung tâm dạy học vẫn bày bán công khai, thậm chí với giá đắt gần với sách thật.
Ông Nguyễn Đức Long, Công ty MC Books cho biết các đơn vị không chịu chấp nhận lỗi sai của mình. họ sẽ ăn vào phần doanh số của sách bán thật và ăn vào chính cả phần thu nhập của các tác giả. Thiệt hại riêng với sách lậu ở đơn vị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Các trung tâm dạy học vi phạm nhiều đến mức nhà sách này phải lập hẳn một danh sách để theo dõi và thông báo nhưng vẫn không xuể. Theo các luật sư, hành vi trên hoàn toàn vi phạm pháp luật áp dụng theo Luật Sở hữu trí tuệ, đó là sao chép tác phẩm nhằm mục đích thương mại, dạy học. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự nếu phạm tội có tổ chức, vi phạm nhiều lần.
Không chỉ thiệt hại với đơn vị kinh doanh, chính người học cũng đánh mất đi cơ hội được tiếp cận với kiến thức chuẩn.
Có thể nói tình trạng sách lậu tồn tại ngang nhiên, kéo dài nhiều năm qua với số lượng lớn, quy mô rộng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là do lợi nhuận quá lớn khi chủ đầu nậu, in sách không phải đầu tư, xây dựng đề tài, bản thảo; không mất chi phí tiền bản quyền, nộp thuế; chất lượng mực, giấy in chỉ cần loại rẻ vì không cần bảo đảm chất lượng; đại lý phát hành được hưởng mức chiết khấu cao; còn với khách hàng là tâm lý dễ dãi và mua được giá rẻ.
Bên cạnh đó, do các NXB chưa giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động in xuất bản phẩm của mình. Nhiều NXB ký giấy phép chạy theo số lượng đầu sách để thu quản lý phí mà không chú ý đến quá trình xuất bản, biên tập; không thực hiện đúng các quy định về liên doanh và phát hành, để đối tác tự in dẫn đến sai phạm.
Các NXB, tác giả (chủ sở hữu) chưa có cơ chế phối hợp và đề ra các biện pháp tự bảo vệ; chưa chủ động cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để tố cáo hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa phát huy hiệu quả trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm; cơ chế phối hợp quản lý, xử lý chưa chặt chẽ đồng bộ, còn nhiều hạn chế. Lực lượng tranh tra văn hóa - thông tin các cấp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm, khi xử lý còn nể nang, né tránh làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật...
Vân Anh