SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 01/05/2024
  • Click để copy

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Vietcombank giảm phí dịch vụ SMS Banking, Sacombank muốn dứt điểm khoản nợ tại KCN Phong Phú

19:15, 22/04/2022
Trong tuần qua, loạt ngân hàng báo lãi quý 1/2022 tăng như TPBank, VPBank; Sacombank còn gần 9.000 tỷ đồng để dành chia cổ tức, sẽ đấu giá dứt điểm khoản nợ tại KCN Phong Phú... là những tin ngân hàng nổi bật.

Loạt ngân hàng báo lãi quý 1/2022 tăng 

Một số ngân hàng như VPBank, PGBank, TPBank,... vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với kết quả kinh doanh tương đối khả quan.

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2021 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, mã: SGB) báo lãi trước thuế gần 99 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với kế hoạch lãi trước thuế 190 tỷ đồng cho cả năm 2022 dự kiến trình ĐHĐCĐ vào ngày 28/04 sắp tới đây, Saigonbank đã thực hiện được 52% kế hoạch chỉ sau quý đầu năm.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – TPB)  cũng công bố lợi nhuận trước thuế quý 1/2022 đạt 1.623 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chủ yếu đề từ thu nhập lãi thuần và hoạt động dịch vụ, giúp ngân hàng có tăng trưởng khá dù phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank - BVB) báo lãi trước thuế gần 174 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 450 tỷ đồng được đề ra cho cả năm 2022, BVB đã thực hiện được 39% chỉ tiêu sau quý đầu năm.

Kết thúc quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng VPBank (mã VPB) hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà VPBank ghi nhận được từ trước đến nay, góp phần đưa vốn chủ sở hữu của ngân hàng vượt lên trên 95.000 tỷ đồng và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 đạt trên 15%. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 56%, cùng với đó là và sự phục hồi ấn tượng trong hoạt động kinh doanh của FE Credit, hứa hẹn tạo đà cho VPBank bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa được công bố bởi Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã chứng khoán ABB), lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 575,6 tỷ, tăng trưởng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 18% kế hoạch đề ra. Trong đó, sự tăng trưởng của các mảng kinh doanh chính và giảm chi phí dự phòng rủi ro là yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 127 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được gần 30% kế hoạch..

Trong báo cáo Ước Tính Kết quả Ngành Ngân Hàng Quý 1 2022, Công ty chứng khoán Yuanta đã nâng triển vọng 27 ngân hàng niêm yết lên mức tích cực. Đồng thời, lợi nhuận ngân hàng quý 1/2022 cũng được dự báo có thể tăng 28% so với quý 4/2021, tương đương mức tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhóm phân tích giải thích, tăng trưởng tín dụng và thu nhập phí, cũng như giảm chi phí hoạt động và dự phòng chính là các yếu tố góp phần đưa lợi nhuận ngành ngân hàng tiến lên phía trước trong quý 1 năm nay.

Vietcombank chính thức giảm mạnh phí dịch vụ SMS Banking

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa có thông báo điều chỉnh phí dịch vụ SMS chủ động.

Đây là dịch vụ nhân thông báo thay đổi số dư tài khoản, giao dịch chi tiêu thẻ quốc tế, lịch trả gốc vay, lãi vay,…qua tin nhắn SMS.

Cụ thể, mức phí mới áp dụng  từ ngày 1/5/2022 chỉ còn 11.000 đồng/tháng (đã gồm VAT).

Trước đó, hồi đầu năm 2022, Vietcombank đã điều chỉnh phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng lên 11.000-77.000 đồng/tháng và gặp phải nhiều phản ánh không hài lòng từ khách hàng. Cụ thể, số lượng tin nhắn SMS dưới 20 tin nhắn phải chịu phí 11.000 đồng/tháng, từ 20-dưới 50 tin nhắn có phí 27.500 đồng/tháng, từ 50-dưới 100 tin nhắn có phí 55.000 đồng/tháng và từ 100 tin nhắn trở lên có phí 77.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, các khách hàng đã sử dụng SMS chủ động trong kỳ tháng 2, tháng 3, tháng 4 năm 2022, để đồng hành và chia sẻ cùng khách hàng, Vietcombank sẽ thu phí dịch vụ theo mức phí 11.000 đồng/tháng, không phân biệt số lượng tin nhắn.

Sacombank còn gần 9.000 tỷ đồng để dành chia cổ tức, sẽ đấu giá dứt điểm khoản nợ tại KCN Phong Phú

Đại hội đồng cổ đông Sacombank.

Sáng ngày 22/4/2022, Ngân hàng Sacombank tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2021.

Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 2021; nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Các giải pháp trọng tâm thực hiện trong năm nay gồm: Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và nợ tồn đọng còn lại; Tiếp tục phát triển các giải pháp công nghệ số trong tất cả các hoạt động chính của ngân hàng; hoàn thiện các dự án quản trị rủi ro theo Basel II; khai thác hiệu quả nguồn vốn và tăng hiệu suất sử dụng tài sản; mở rộng quy mô; tăng năng suất lao động; thực hiện phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) để gắn kết bền chặt hơn giữa người lao động với Sacombank.

Về việc chia cổ tức, từ năm 2019 đến nay, Sacombank vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại và hiện đang chờ sự phê duyệt của ngân hàng nhà nước để triển khai thực hiện.

Tính đến cuối năm 2021, lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế của Sacombank gần 9.000 tỷ đồng, tương đương 50% vốn điều lệ và đây là số tiền để dành chia cổ tức cho cổ đông.

Tuy nhiên, do Sacombank đang thực hiện tái cơ cấu theo đề án được chính phủ và ngân hàng nhà nước phê duyệt. Do vậy, việc chia cổ tức phải được sự chấp thuận của ngân hàng nhà nước.

Về tiến độ xử lý khoản nợ KCN Phong Phú, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho biết Ngân hàng đang đấu giá khoản nợ này và UBND TP HCM đã có văn bản ngừng đấu giá. Cổ đông Phong Phú trước đây mua cổ phần từ công ty nhà nước là Tân Thuận nên TP đang rà soát, giải quyết. Trong năm 2022, Sacombank sẽ đấu giá dứt điểm khoản nợ này.

Hàng loạt lãnh đạo LienVietPostBank đăng ký mua cổ phiếu LPB

Thông tin từ sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), nhiều lãnh đạo của LienVietPostBank đã đăng ký mua cổ phiếu theo kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu của nhà băng này.

Diễn biến cổ phiếu LPB từ tháng 10.2021 đến nay.

Cụ thể, ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch HĐQT của LPB đăng ký mua thêm 23.062 cổ phiếu. Trước đó, ông Huy đang sở hữu 107.792, tương ứng với tỷ lệ sở hữu là 0,009%. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo quyền quyết định của VDS hoặc LPB.

Phó Chủ tịch HĐQT là ông Dương Công Toàn cũng đăng ký mua 33.829 cổ phiếu LPB theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Sau khi hoàn tất giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Toàn sẽ tăng từ 0,013% lên 0,015%.

Ông Bùi Thái Hà giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc tại LienVietPostBank cũng đăng ký mua thêm 84.637 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,03% đến 0,04%.

Ông Vũ Quốc Khánh giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc iện đang sở hữu 0,05% cổ phần tại ngân hàng này cũng dự định mua thêm 84.550 cổ phiếu LPB theo phương thức thỏa thuận, chuyển nhượng tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt. Nếu thành công, lượng cổ phiếu LPB do cổ đông này nắm giữ sẽ tăng từ gần 623 nghìn cổ phiếu lên hơn 713 nghìn cổ phiếu.

Tổng lượng cổ phiếu các lãnh đạo đăng ký mua lần này là 249.154 cổ phiếu. Các giao dịch trên dự kiến được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 25/4/2022 đến 6/5/2022.

Về kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng của LienVietPostBank, nhà băng này sẽ chào bán 265 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền mua là 21,39%. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của LienVietPostBank sẽ tăng thêm 2.650 tỷ đồng lên gần 14.700 tỷ đồng. 

Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 6/4/2022. Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ ngày 14/4-4/5/2022 và thời gian nhận đăng ký mua từ 14/4 đến 6/5.

NHNN chấp thuận cho VIB tăng vốn điều lệ thêm 5.545 tỷ đồng

Ngân hàng Quốc tế VIB cho biết, ngân hàng này vừa nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép nhà băng này tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.545 tỷ đồng.

Cụ thể, việc tăng vốn điều lệ của VIB được thực hiện thông qua 2 hình thức. Thứ nhất là ngân hàng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu là 5.436 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là gần 232 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 5.204 tỷ đồng (tương đương với 35% vốn điều lệ).

Với hình thức còn lại, VIB dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu thường cho cán bộ nhân viên là 109,3 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (tương đương với 0,7% vốn điều lệ).

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi giữa tháng 3 vừa qua, cổ đông VIB đã thông qua phương án nâng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 35,7% so với hiện tại. Trong đó, ngân hàng sẽ chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Áp lực lạm phát có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng thêm 1%

Trong báo cáo vĩ mô quý I/2022 vừa được VCBS công bố mới đây, bộ phận phân tích dự báo của công ty này cho rằng lạm phát còn tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo khi giá cả hàng hoá nguyên-nhiên-vật liệu trên thế giới vẫn ở mức cao và dần có mức phản ánh nhiều hơn vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Cùng với đó là áp lực lạm phát vòng hai do giá xăng dầu tăng cao.

Rủi ro trong giai đoạn này là việc các xung đột tiếp diễn khiến việc leo thang giá chưa thể sớm dừng lại. VCBS dự báo CPI tháng 4 nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng 0,3 – 0,4% so với tháng trước, tương ứng với mức tăng 2,21 – 2,31% so với cùng kỳ năm trước do giá xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặc dù vậy việc giảm thuế bảo vệ môi trường góp phần làm chậm lại đà tăng giá.

VCBS cho rằng áp lực lạm phát đã phần nào khiến cho Ngân hàng Nhà nước không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào. Do đó, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng và giữ ổn định ở mức cao trong quý I. Các chuyên gia cũng cho biết các rủi ro mang tính chất địa chính trị đi kèm với xu hướng trung hoà dần chính sách tiền tệ nới lỏng là các yếu tố chính tạo nên mặt bằng lợi suất liên ngân hàng cao hơn 1-1,2% so với cùng kỳ.

Đối với lãi suất huy động, báo cáo nhận định mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng và diễn biến lạm phát trong các quý tới cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tăng lãi suất huy động. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, theo các chuyên gia lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 0,5 – 1% trong cả năm 2022.

VCBS cho rằng lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực nhất định, tuy nhiên sẽ phân hóa tại các ngành nghề đặc biệt giữa nhóm ưu tiên và nhóm được kiểm soát chặt chẽ tín dụng.

Theo VCBS, trong bối cảnh không thuận lợi, tăng trưởng tín dụng dự báo đạt cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định. Bộ phận phân tích dự báo lãi suất cho vay sẽ ghi nhận áp lực tăng tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hóa giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Hà Phương

vnfinance.vn

Tin khác

Tin Tổng hợp 7 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.