Hà Nội: Phát hiện cơ sở kinh doanh Lê giả mạo xuất xứ Hàn Quốc trên đường Trần Duy Hưng
Theo thông tin từ Tổng Cục quản lý thị trường, tại địa điểm kinh doanh 97 Trần Duy Hưng thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu KENLYVER, địa chỉ phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, rất nhiều các loại Lê được trưng bày để bán trong các tủ bảo quản hàng hóa.
Nhân viên tại cửa hàng này đã giới thiệu với khách hàng rằng các loại Lê là hàng nhập khẩu Hàn Quốc. Trong đó, đối với mặt hàng Lê, có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tùy từng sản phẩm, mỗi loại có mức giá khác nhau, trung bình từ 169.000 đồng/ kg – 250.000 đồng/kg.
Cùng đó, đại diện cơ sở cũng không quên “cam đoan” với khách hàng về nguồn gốc xuất xứ chính hãng của sản phẩm này.
Tuy nhiên, khi Đội QLTT số 13, Cục QLTT TP Hà Nội có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi của lực lượng chức năng, với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Khi các chứng cứ được lực lượng QLTT TP Hà Nội đưa ra khá thuyết phục bởi vỏ ngoài hộp của những quả Lê được giới thiệu là “xuất xứ Hàn Quốc” kia lại mang dòng chữ “MADE IN CHINA”, nhân viên ở đây mới thừa nhận “cái này là Lê tầu” và các sản phẩm đăng bán tại cửa hàng là “bị vào nhầm mã” chứ không phải là Lê Hàn Quốc như trong các bill (hóa đơn-PV) đã xuất.
Ngay trong chiều ngày 27/9, Đội QLTT số 13 đã kiểm đếm và thu giữ gần 20kg lê sữa Trung Quốc và Lê nâu Trung Quốc tại cơ sở kinh doanh hoa quả số 97 Trần Duy Hưng. Tất cả sản phẩm này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, là hàng hóa nhập lậu, có trị giá gần 4,4 triệu đồng. Đội đã thiết lập hồ sơ, dự kiến mức xử phạt đối với hành vi trên là 6 triệu đồng.
Đây không phải là cửa hàng đầu tiên Đội QLTT số 13 kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng Lê. Trong những tháng đầu năm 2023, Đội đã tiếp hành kiểm tra, xử lý 03 vụ vi phạm nguồn gốc xuất xứ, tịch thu tiêu hủy trên 60kg Lê các loại.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, hành vi giả mạo xuất xứ lê Hàn vẫn tái diễn. Các đối tượng thiết kế tem mác ngày càng tinh vi hơn, giống với nhãn mác lê Hàn để khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Không chỉ bày bán tại cửa hàng, lê Hàn Quốc bị giả mạo xuất xứ còn đang được rao bán trên mạng Facebook hay các sàn thương mại điện tử. Đây thực sự là một thách thức trong công tác kiểm soát của cơ quan quản lý thị trường, vì việc giao dịch mua bán đều diễn ra qua mạng.
Theo ông HONG KIOK, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, đối với các sản phẩm LÊ có xuất xứ từ Hàn Quốc, ngoài nhận diện bằng sticker có dán trên sản phẩm, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để quét QR code. Sản phẩm chính hãng sẽ dẫn đến đường link giới thiệu về sản phẩm đó, còn các sản phẩm giả mạo xuất xứ người tiêu dùng sẽ không truy cập được vào link đến trang web có logo Kpear.
PV
TIN LIÊN QUAN
-
Bảo vệ bản quyền trong chuyển đổi số báo chí là thách thức của toàn ASEAN
-
Xử lý vi phạm bản quyền để gia tăng cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số
-
Cà Mau thu hồi 3 nhãn hiệu gạo do người dân ít trồng
-
Họa sĩ Bùi Trọng Dư: Vi phạm bản quyền như 'cỏ dại', chung tay loại bỏ thì 'cỏ dại' ắt sẽ hết