SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

Xử lý vi phạm bản quyền để gia tăng cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số

15:52, 27/09/2023
(SHTT) - Theo luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+, việc thực hiện tốt công tác chống vi phạm bản quyền sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số tại Việt Nam.

Vi phạm bản quyền tại Việt Nam đang ở mức cao

Ngày 26/9 vừa qua, tọa đàm “Giải bài bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc – điện ảnh – truyền hình số” do Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam phối hợp cùng Hội Truyền thông số Việt Nam và Thủ Đô Multimedia tổ chức đã có những tham luận chất lượng bàn về vấn nạn vi phạm bản quyền tại Việt Nam và các giải pháp hạn chế tình trạng này.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Thủ đô Multimedia cho biết, bên cạnh việc tạo sự thuận tiện cho người dùng Inernet tiêu thụ nội dung giải trí, cuộc cách mạng số hóa hiện nay cũng đang đặt ra những thách thức lớn chưa từng có trong vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung.

Theo đó, các báo cáo thống kê cho thấy, vi phạm bản quyền ở Việt Nam đang đứng thứ 3 tại Đông Nam Á, thứ 9 trên toàn thế giới. Trong đó, có tới 80% các vụ việc vi phạm diễn ra trên các nền tảng số. Các nội dung vi phạm nhiều nhất gồm: chương trình truyền hình, phim, nhạc, sách. 

dsc08174-0638

 Quang cảnh Tọa đàm

Chia sẻ tại tọa đàm về các con số liên quan, Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT, cho biết, theo số liệu từ SimilarWeb, hiện có khoảng 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỷ lượt view trong các năm 2022, 2023. Bên cạnh đó, số liệu của SimilarWeb cũng chỉ ra rằng, có tới hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, trong đó top 10 có hơn 66 triệu lượt xem mỗi tháng. 

Theo đó, các số liệu báo cáo cho biết, thiệt hại từ vi phạm bản quyền tại Việt Nam năm 2022 là khoảng 350 triệu USD, trong đó, mức thiệt hại từ vi phạm bản quyền cho ba ngành phim, âm nhạc, truyền hình trên toàn thế giới năm 2022 lên tới 65 tỷ USD.

Xử lý tốt vi phạm bản quyền để gia tăng cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số tại Việt Nam

Theo các chuyên gia, tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc điểm chung của nhiều trang web vi phạm bản quyền là sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ấn giấu thông tin; hoạt động công khai, thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn. Các đơn vị quản lý web lậu thường gắn quảng cáo độc hại, cá độ, cờ bạc trên những trang này.

Hình thức vi phạm điển hình của các web vi phạm bản quyền là ngay sau khi chủ sở hữu quyền phát sóng, đăng tải nội dung trên các nền tảng như OTT, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh.., các đối tượng sẽ thực hiện hành vi vi phạm bằng cách live stream nội dung lên mạng xã hội hoặc cắt ghép, đăng tải nội dung.

Để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp cùng Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) và các chủ sở hữu bản quyền tại Việt Nam hiện đang phối hợp áp dụng các biện pháp kỹ thuật. 

w-toa-dam-vi-pham-ban-quyen-3-1-1-765

 Luật sư Phạm Thanh Thủy phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+

Cụ thể, theo Luật sư Phạm Thanh Thủy phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+, biện pháp kỹ thuật - là tạo những mã, khóa để trộm không đột nhập được, ví dụ các nội dung sẽ được mã hóa bằng các biện pháp DRM. Khi một số đối tượng vẫn cố tình vi phạm dù đã có mã khóa, có thêm các biện pháp Fingerprint hay Watermarking – mỗi khách hàng khi đăng ký một thuê bao sẽ có một mã định danh, nếu người đó live stream lậu nội dung từ thuê bao của mình lên môi trường mạng, thì các đài truyền hình có cách thức kích hoạt mã thuê bao đó lên và do đó sẽ “tóm” được người vi phạm bản quyền này.

Cùng đó là nhóm các biện pháp pháp lý hỗ trợ cho các chủ thể sở hữu bản quyền, với 4 biện pháp về hành chính, dân sự, hình sự, Notice & Takedown (tạm dịch là “Gõ cửa và nói chuyện”). Tuy nhiên, theo bà Thủy, các biện pháp pháp lý khi thực hiện có nhiều khó khăn. Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, việc áp dụng biện pháp hành chính dân sự và hình sự rất nan giải, và thời gian kéo dài của các vụ việc rất dài, khoảng 2-3 năm và tiêu biểu như vụ Phimmoi đã kéo dài 4 năm.

Trung tâm Bảo vệ bản quyền số cũng như nhiều chuyên gia cho rằng, để phòng chống vi phạm bản quyền trên mạng một cách hiệu quả, đó là thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu quyền, cơ quan quản lý nhà nước và các ISP; thiết lập cơ chế chặn linh hoạt – chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi chặn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập (DNS, IP, CDN). Đồng thời, cần phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực.

“Trong tổng số 15,5 triệu thuê bao xem lậu, chỉ cần chống vi phạm bản quyền tốt, có 10% trong số đó chuyển đổi thành thuê bao hợp pháp thì các đơn vị sẽ có thêm chi phí để tái đầu tư sản xuất hoặc mua bản quyền những nội dung giá trị, tốt hơn. Qua đó, góp phần phát triển ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số tại Việt Nam”, Luật sư Phạm Thanh Thủy nhận định. 

Thái An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 15 giờ trước
Vẫn còn trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, Thẩm mỹ quốc tế Lucy vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn trái phép ngay ở trung tâm Quận 1 (TP.HCM).
Tài sản trí tuệ 23 giờ trước
(SHTT) - GlaxoSmithKline (GSK) đã đệ đơn lên tòa án liên bang Delaware, cáo buộc Pfizer và BioNTech vi phạm các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ mRNA trong vắc xin ngừa Covid-19 của họ.
Tài sản trí tuệ 23 giờ trước
(SHTT) - Tại Hội nghị Nghiên cứu Khoa học sinh viên về Sở hữu trí tuệ, một trong những đề tài được quan tâm là ‘‘Hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo’’ đã được đưa ra bàn luận và nhận được những đánh giá rất tích cực. 
Tài sản trí tuệ 23 giờ trước
(SHTT) - Một nhà nghiên cứu AI đã kiện Amazon về vấn đề phân biệt và sa thải bất hợp pháp, với cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi phát triển các mô hình AI để cạnh tranh.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 45 triệu đồng và tịch thu 1.600 sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.