SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Thiếu điểm vui chơi, người Sài Gòn đi đâu?

09:25, 17/09/2020
(SHTT) - Ngoài những địa điểm như phố Tây Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ hay các quán nhậu, karaoke, người Sài Gòn vẫn như không có nhiều điểm giải trí, vui chơi.

Nhắc đến Sài Gòn hiện nay, người ta thường nghĩ ngay đến một thành phố hoa lệ gần như không ngủ với nhiều điểm ănn chơi. Thế nhưng thực tế, nhiều khách du lịch khi đến thành phố này lại không biết đi đâu để giải trí, vui chơi. Còn người ở tại Sài Gòn lại thường tìm đến các quán karaoke, quán nhậu, cà phê,… để giải trí.

Thực tế cho thấy, các địa điểm du lịch hiện nay của thành phố không có gì mới trong hàng chục năm qua. Nhắc đến Sài Gòn chỉ quanh quẩn ở Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, địa đạo Củ Chi, phố Tây Bùi Viện,…

Anh Võ Minh Huy (25 tuổi, quê Bình Định) chia sẻ: “Khi vào Sài Gòn, tôi thường được bạn bè dẫn đi tham quan Dinh Độc Lập và nhà thờ Đức Bà. Sau đó thì đi nhậu, karaoke rồi về. Dường như phần nhiều thời gian tôi lưu lại Sài Gòn là dành để đi nhậu, vì cũng chẳng có địa điểm nào thật sự hấp dẫn để chơi”.

Đồng quan điểm, Đặng Thị Thu Thùy (20 tuổi, sinh viên) lại cho biết, ngoài thời gian đi học, những ngày cuối tuần Thùy thường cùng bạn bè ra Phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Tây Bùi Viện, Suối Tiên hoặc đi xem phim.

“Thường chúng em sẽ đến các rạp của CGV để xem phim khi có bộ phim mới ra, còn lại thì có thể ra Nguyễn Huệ chơi hay lên nóc hầm Thủ Thiêm ngồi uống nước”, Thùy Kể.

anh bui vien

Phố Tây Bùi Viện là một địa điểm quen thuộc của du khách và người dân Sài Gòn 

Thực tế, Sài Gòn hiện vẫn còn một số rạp hát - nơi từng là địa điểm vui chơi, giải trí được lưu giữ từ quá khứ nhưng đều đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đáp ứng được các điều kiện của một sân khấu thông thường để phục vụ đời sống tinh thần của người dân thành phố cũng như khách du lịch. Trong khi đó, hầu hết các rạp và cụm rạp ở Sài Gòn thuộc về những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: CGV Việt Nam, Lotte Cinema, BHD, Platinum, Galaxy,… chuyên chiếu những bộ phim có doanh thu cao.

Anh Nguyễn Văn Thông - nhân viên marketing tại một công ty du lịch chia sẻ: “Thực tế doanh nghiệp du lịch hiện chủ yếu nhận khách đưa ra nước ngoài, còn khách nước ngoài đến Sài Gòn không biết đi đâu, làm gì. Thay vì ở lại Sài Gòn, họ có xu hướng tản ra các địa phương lận cận nhiều hơn”.

Theo anh Thông, trước đây Sài Gòn là nơi trung chuyển khách lớn nhất khu vực lân cận nhờ lợi thế của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Thế nhưng hiện nay có thêm nhiều sân bay khác ở Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Cam Ranh (Khánh Hòa), Liên Khương (Lâm Đồng)… khiến những lợi thế về đường hàng không dường như không còn.

Theo thống kê của Sở Du lịch, khách du lịch nội địa của Sài Gòn năm 2017 đạt 26 triệu lượt. Năm 2018 con số này là 29 triệu lượt. Năm 2019 là gần 33 triệu lượt. Con số năm 2020 chắc chắn sẽ giảm xuống do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thách thức hơn cho thành phố vì theo nhiều chuyên gia, hiện nay khách du lịch có tâm lý muốn đến các điểm có cảnh quan đẹp, thời tiết tốt để nghỉ dưỡng hoặc là khu vực có nhiều điểm để vui chơi, giải trí… Chính vì thế, do không có sự đột phá về địa điểm, Sài Gòn không còn giữ chân được du khách.

Thời gian qua, để thu hút du khách, ngành du lịch thành phố đã tổ chức một số chương trình như lễ hội áo dài, ngày hội du lịch TP.HCM,...

“Để kích cầu du lịch, năm nay Sở Du lịch đã giới thiệu hàng loạt tour khám phá điểm đến trong thành phố với giá ưu đãi cho du khách. Điển hình như tour khám phá TP.HCM gồm các điểm đến Dinh Thống Nhất - Bảo tàng Thành phố - Bưu điện Thành phố - Villa  sông Sài Gòn với giá hơn 8,6 triệu đồng/người; đất thép Củ Chi với giá 99.000 - 129.000 đồng/người/ngày (giảm 23%); khám phá Thảo Cầm Viên với giá 50.000 đồng/người;…”, đại diện Sở Du lịch cho biết.Tuy nhiên, du lịch thành phố hiện nay vẫn chưa xây dựng được một thương hiệu đặc trưng, chậm phát triển hơn hẳn so với các địa phương khác. Trong khi đó, các đề án đã hoàn thành như du lịch đường thủy bằng buýt sông, du thuyền trên sông, chèo thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lại không đạt được hiệu quả. Lượng khách quá thấp, các tuyến buýt sông hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, các dự án Khu du lịch sinh thái biển Cần Giờ, Công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi, Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm,… đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.

“Khi xây dựng tour, thiết kế sản phẩm du lịch, chúng tôi thường lấy du khách quốc tế làm đối tượng trọng tâm. Nhưng thực tế Sài Gòn không có nhiều địa điểm đáp ứng mọi nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách quốc tế, trong khi các quốc gia khác thì có nhiều địa điểm, chương trình tầm cỡ thế giới. Tôi nghĩ các cơ quan quản lý phải có những chính sách cụ thể hơn mới có thể thu hút được khách du lịch cũng như phục vụ nhu cầu của người dân”, anh Nguyễn Văn Thông - nhân viên marketing chia sẻ.

Quang Anh

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TVXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tin tức 19 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 19 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.