SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Tăng cường xử lý hành vi buôn bán kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ

10:49, 23/02/2022
(SHTT) - Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại Hà Nội tăng nhanh kéo theo sức tiêu thụ một số thiết bị y tế cũng tăng. Đây là cơ hội để các đối tượng gian thương trà trộn sản phẩm hàng giả, hàng nhái vào thị trường.

 Cùng với tâm lý lo lắng về dịch bệnh của người tiêu dùng, thời gian qua nhu cầu về mặt hàng kít test nhanh COVID-19 đã gia tăng đột biến. Kéo theo đó, người dân cũng gặp khó khăn do thị trường có quá nhiều loại kít test nhanh với những mức giá khác nhau và liên tục tăng giá bán. 

Không chỉ bán trực tiếp tại các hiệu thuốc, việc mua bán kít test nhanh COVID-19 còn diễn ra sôi nổi trên các trang mạng xã hội. Những bộ kít test nhanh COVID-19 được rao bán với nhiều mức giá khác nhau tùy thuộc vào loại kít và số lượng cụ thể. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác khi mua loại kít thử này, vì hiện nay trên thị trường đã và đang xuất hiện nhiều kít test nhanh giả, nhập lậu, kém chất lượng. Mới đây nhất, ngày 17/02 vừa qua, tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội tiến hành kiểm tra lô hàng vi phạm. Kết quả khám xét phát hiện hơn 85.000 test nhanh Covid các loại có xuất xứ Hàn Quốc, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng.

loan gia kit test

 Tăng cường xử lý hành vi buôn bán kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, trước việc giá một số thiết bị y tế (bộ test kháng nguyên COVID-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2) tăng cao đột biến, một số loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 chưa được cấp phép lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các đội quản lý thị trường tăng cường nắm bắt thông tin theo lĩnh vực, địa bàn; kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, hỗ trợ điều trị COVID-19 (gồm các bộ test nhanh kháng nguyên COVID-19, thiết bị đo nồng độ ô xy, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19...).

Giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 chưa được phép lưu hành, sử dụng; đồng thời chủ động, phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và cộng đồng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm không được làm ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.

Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu những đơn vị này chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết;

Đồng thời, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế dùng để phòng dịch COVID-19; đẩy mạnh giám sát hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức cá nhân trên sàn giao dịch cũng như trên website, mạng xã hội. 

Đối với người tiêu dùng, nhu cầu theo dõi, kiểm tra sức khỏe bản thân là chính đáng và cần thiết, song cũng cần tránh tâm lý lo lắng thái quá. Hiện nay, có nhiều loại kít test nhanh COVID-19 được rao bán trên thị trường, người dân nên thận trọng khi chọn mua, chỉ nên mua các loại kít test nhanh nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành. Bởi, sinh phẩm được cấp phép đã qua kiểm chứng mới đảm bảo tiêu chuẩn, độ đặc hiệu, độ nhạy. Nếu mua trực tuyến, chỉ nên mua sản phẩm kit test COVID-19 ở các đơn vị là các cửa hàng thuốc có uy tín, đã được cấp phép kinh doanh và các mặt hàng nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành; có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc rõ ràng; tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán. Không mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên mạng; không nên mua ở những trang mạng xã hội không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng.

Vân Mai

Tin khác

Tài sản trí tuệ 6 giờ trước
Liên tục sai phạm trong lĩnh vực y tế, Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế - Mega Gangnam bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt 53 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 6 giờ trước
Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa làng cổ Phước Tích và Đệm bàng Phò Trạch.
Tài sản trí tuệ 12 giờ trước
(SHTT) - Tại sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IPDAY 2024), sáng 26/4 tại Hà Nội, PGS.TS Lê Hoài Đức chia sẻ rằng người Việt chưa quen biến tài sản trí tuệ thành tiền.
Tài sản trí tuệ 12 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 04/4/2024 đến ngày 15/4/2024, lực lượng QLTT Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về nhãn và không niêm yết giá. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 117.000.000 đồng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Cấp quyền hình ảnh nhân vật (Character Licensing) là chiến lược kinh doanh được nhiều tập đoàn sáng tạo trên thế giới áp dụng thành công và đem về những nguồn lợi nhuận khổng lồ. Vậy Character Licensing là gì và cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?