Sáng chế máy cấy lúa hữu ích của nông dân Thái Bình
Ông Trần Đại Nghĩa (sinh năm 1970) là Hội viên Hội Khuyến học thôn Đông Hoàng (xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Đông Hoàng, ông Nghĩa đã gắn bó với nghề trồng lúa nước truyền thống, được chứng kiến người nông dân cấy lúa bằng tay, một công việc rất vất vả, đặc biệt là về vụ hè nóng như đổ lửa, vụ đông giá lạnh buốt thấu xương mà năng suất lúa không cao, không bảo đảm thời vụ, chăm bón không thuận tiện. Tốt nghiệp THPT và hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ông đi học nghề rồi đi lao động tại Hàn Quốc. Thấu hiểu nỗi cực nhọc của người nông dân quê mình, trong thời gian ở nước ngoài, ông vừa làm vừa học và tham quan, nghiên cứu máy cấy lúa có động cơ của Hàn Quốc.
Từ đó ông ấp ủ ý tưởng sẽ chế tạo ra chiếc máy cấy lúa đa năng không dùng động cơ để người dân quê mình đỡ vất vả, lại phù hợp với điều kiện kinh tế, với đồng ruộng Việt Nam. Sau những năm lao động tại Hàn Quốc, trở về quê hương ông bắt tay ngay vào việc thực hiện ý tưởng đó.
Tự tìm tòi, nghiên cứu, mày mò cho kỳ được đáp án, cuối tháng 1/2014, người nông dân Thái Bình này đã cho ra sản phẩm máy cấy lúa không động cơ. Đến hiện tại, khi sản phẩm đã khẳng định được chất lượng, cơ sở của ông Nghĩa tăng cường số lượng, sản xuất thêm các loại máy nhiều kích cỡ, phục vụ nhiều loại địa hình thổ nhưỡng với giá thành giao động từ 3,8-7 triệu đồng. Các loại máy được ông Nghĩa sản xuất là: Máy cấy lúa không dùng động cơ loại 4 hàng cấy, máy cấy lúa không dùng động cơ loại 6 hàng cấy, máy cấy lúa đa năng không dùng động cơ có tích hợp bón phân tự động và máy cấy lúa động cơ điện.
Mặc dù thị trường giờ tràn ngập các loại máy cấy nhập khẩu, nhưng máy cấy của Trần Đại Nghĩa vẫn là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều nông dân nhờ có nhiều ưu điểm: Phù hợp với trình độ, sức khỏe, tập quán sản xuất của bà con, địa hình đồng ruộng của các vùng, miền; dễ bảo dưỡng, sửa chữa mà không tốn kém chi phí; máy sử dụng điện không gây ô nhiễm môi trường, góp phần chống biến đổi khí hậu.
Không chỉ vậy, sáng chế này còn giúp người nông dân chủ động trong việc cấy mang tính thời vụ, tăng năng suất lao động, công suất cấy gấp 8 - 12 lao động mỗi ngày. Sản phẩm cũng dễ sử dụng cho nhiều đối tượng lao động kể cả người cao tuổi.
Theo ông Nghĩa chia sẻ, sản phẩm máy cấy lúa động cơ điện của ông có công suất cấy trung bình đạt 900 m2 - 1000 m2/giờ. Nó cũng giảm chi phí phát sinh tới mức tối thiểu, trung bình chi phí tiền điện để cấy xong 1000 m2 khoảng 150 - 200 đồng. Trong khi đó, mấy cấy lúa không động cơ loại 6 hàng cấy thì trung bình mỗi giờ cấy được từ 600 m2 - 800 m2 ruộng tùy theo từng cỡ máy, bằng 8 - 10 lần người cấy bằng tay theo truyền thống.
Vân Anh