SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Nhãn hiệu chứng nhận 'Hương xưa làng cổ Phước Tích': Để làng cổ không cũ

12:15, 12/10/2023
Để Phước Tích không chỉ là ngôi làng cổ mà là điểm đến thấm đượm hồn quê Việt, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) vừa thực hiện dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Hương xưa làng cổ Phước Tích".

Dự án thực hiện từ tháng 2/2021 – 7/2023 với kinh phí 515 triệu đồng vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị nghiệm thu với kết quả đạt. Dự án khẳng định hiệu quả của việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao danh tiếng, giá trị cùng vị thế thương hiệu điểm đến làng cổ Phước Tích.

Hiểu rõ giá trị “Hương xưa làng cổ”

Trong khuôn khổ Festival Huế, lễ hội “Hương xưa làng cổ Phước Tích” được tổ chức để trở thành thương hiệu riêng nhằm thúc đẩy du lịch cộng đồng.

Nhiều hoạt động làm sống dậy hồn quê Việt nơi ngôi làng cổ, trong đó có chợ phiên. Nơi những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tiêu biểu làm từ cỏ bàng, nông đặc sản của Phong Điền tụ hội. Đó là những trái mít, vả, thanh trà, bưởi, thơm, đậu, ném, sen hay các loại bánh trái cây, bánh quai vạc, bánh đúc, bánh cuốn, bánh gạo, bánh phu thê… theo các chị, các bà đi qua đường làng cùng đôi quang gánh.

d4fab2dc7a6dae33f77c

 Nhà văn Phan Thúy Hà bên cây thị cổ được công nhận là cây di sản năm 2015 tại làng cổ Phước Tích. Cây thị đặc biệt này còn có "hang động" độc đáo chui lọt người vào bên trong để nhìn ngắm được.

Nhà văn Phan Thúy Hà - tác giả các cuốn sách đình đám - như Gia Đình, Tôi là con gái của cha tôi, Qua khỏi dốc là nhà… khi đến thăm làng cổ Phước Tích nhà văn đã thể hiện sự vui thích khi bước vào không gian làng cổ. Sà vào những gốc cây nhãn, cây thị hàng trăm tuổi, cô còn nằm xuống ngắm lá xạc xào, xanh tíu tít xanh.

Tác giả Qua khỏi dốc là nhà có buổi trò chuyện với nghệ nhân Hồ Thị Kiều (67 tuổi) - người cuối cùng nắm giữ nghệ thuật làm bánh bông cây tiến vua. Làng cổ, trong làng hầu như chỉ có người cao tuổi nên nghệ nhân Hồ Thị Kiều rất lấy làm vui khi gặp, trò chuyện từ chái nhà, góc vườn cùng những thăng trầm đời người và thăng trầm lịch sử vùng đất.

“Những người lớn tuổi họ có rất nhiều chuyện để kể, nếu không lắng nghe một ngày nào đó họ sẽ mang những câu chuyện như vậy đi xa”, nhà văn Phan Thúy Hà cho rằng đó cũng là một điểm thú vị ở Phước Tích.

A3

 Bánh bông cây độc đáo của người nghệ nhân đang sống tại làng cổ Phước Tích, người cuối cùng tại Huế nắm giữ nghệ thuật làm bánh bông cây tiến vua gia truyền.

Đến tham quan làng cổ Phước Tích với tư cách là một du khách, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mộng Giao từng cho rằng Phước Tích còn quá đơn điệu về sản phẩm du lịch. Việc ít người trẻ ở lại sống tại làng cổ cũng khiến hạn chế những khu vườn giàu sức sống để tôn lên cảnh đẹp kiến trúc cổ kính.

Giữ gìn và phát triển danh tiếng cho làng cổ

Phước Tích là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia được công nhận, xếp hạng vào năm 2009, được mệnh danh là làng di sản Trung bộ Việt Nam, đặc biệt nhãn hiệu chứng nhận "Hương xưa làng cổ" cũng vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho nơi đây

Đến với Phong Điền, du khách thường nhớ tới du lịch Làng cổ Phước Tích, là ngôi làng thứ 2 trên cả nước được Nhà nước công nhận và cấp bằng Di tích Quốc gia. Quần thể di tích nghệ thuật kiến trúc tại Làng cổ Phước tích rất độc đáo, với 38 nhà rường cổ trăm tuổi còn khá nguyên vẹn cùng những họa tiết, hoa văn được chạm khắc tinh xảo. Trong số này có 12 nhà thờ họ, phái, 26 nhà ở của dân.

857f87df736ea730fe7f

 Một hoạt động trình diễn áo dài trong khuôn khổ lễ hội Hương xưa Làng cổ Phước Tích.

Bên cạnh đó, hệ thống di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu, làng nghề gốm cổ và các di tích của nền văn hóa Chăm Pa, những cây cổ thụ có hàng trăm năm tuổi, bến nước, sân đình tạo nên cảnh quan đặc trưng của làng quê Việt cổ kính mang đậm chất Bắc Trung Bộ.

Chia sẻ về cơ hội của Làng cổ Phước Tích, ông Nguyễn Hữu Dương – Chủ nhiệm dự án - nói:  “Du lịch cộng đồng tại Phước Tích hiện hình thành nhưng các dịch vụ còn đơn điệu, thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Để có thể phát huy được thế mạnh của điểm đến du lịch Làng cổ Phước Tích cần phải xây dựng được hình ảnh thương hiệu du lịch chuyên nghiệp, bài bản và đồng bộ để thu hút du khách”.

Qua đó, ông Dương nhấn mạnh nhằm khai thác tiềm năng và nâng cao giá trị điểm đến Làng cổ Phước Tích, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Điền đã chủ trì thực hiện dự án Tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu Chứng nhận “Hương xưa làng cổ Phước Tích”.

Nhãn hiệu chứng nhận có mục tiêu làm rõ giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch của Làng cổ Phước Tích, đánh giá hiện trạng tình hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ tại Làng cổ Phước Tích; Nhãn hiệu Chứng nhận “Hương xưa làng cổ Phước Tích” được đăng ký bảo hộ, sử dụng, quản lý và khai thác có hiệu quả trên thực tế; Hệ thống tổ chức, công cụ, phương tiện, điều kiện để quản lý, khai thác, phát triển sản phẩm, dịch vụ mang Nhãn hiệu Chứng nhận được thiết lập và vận hành.

5(3) (1)

 Website quảng bá thông tin sản phẩm, dịch vụ mang NHCN “Hương xưa làng cổ Phước Tích”.

Sau 30 tháng triển khai thực hiện, dự án tạo ra các sản phẩm theo đúng thuyết minh được phê duyệt: Báo cáo thực hiện điều tra khảo sát; 1 bộ hồ sơ đăng ký Nhãn hiệu Chứng nhận được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hợp lệ; 1 Giấy chứng nhận được Cục Sở hữu trí tuệ cấp “Hương xưa làng cổ Phước Tích” do UBND huyện Phong Điền là chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, dự án cũng đã tạo ra mô hình tổ chức quản lý, điều hành, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cũng như lập các kênh Website, youtube, fanpage quảng bá hình ảnh dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận đáp ứng yêu cầu được sử dụng thực tiễn…

Cùng với đó, dự án xây dựng thành công cơ chế bảo hộ Nhãn hiệu Chứng nhận “Hương xưa làng cổ Phước Tích”, xây dựng thành công mô hình quản lý và hệ thống văn bản làm cơ sở hoạt động quản lý, sử dụng Nhãn hiệu Chứng nhận, bao gồm: Quy chế sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận; hướng dẫn thực hiện trình tự thủ tục cấp, sửa đổi, gia hạn và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Hương xưa làng cổ Phước Tích”.

Qua đó, hướng dẫn về kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cũng như hướng dẫn sử dụng các dấu hiệu nhận diện.

2(162)

 TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế.

TS Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao những kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu dự án. Dự án góp phần từng bước giúp địa phương xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm mang Nhãn hiệu Chứng nhận “Hương xưa làng cổ Phước Tích” với đầy đủ yếu tố đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật lẫn pháp lý.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đồng thời lưu ý nhóm nghiên cứu cần làm rõ hơn bức tranh toàn cảnh của Làng cổ Phước Tích, quan tâm hơn nữa các chính sách, chế tài trong khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận đối với doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Làng cổ… giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thu hút nguồn nhân lực mới tham gia vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ và sản xuất, kinh doanh sản phẩm vùng làng nghề.

Không chỉ có mỗi năm một tuần lễ hội, phục tráng giống sen quý trên mặt hồ hay thi thoảng có đôi ba phiên chợ, một lò gốm đỏ lửa… sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận cần thêm nguồn nhân lực trẻ để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới. Từ đó, sức hút của Phước Tích làng cổ nhưng không cũ, danh hương xưa nhưng thơm tiếng cho hôm nay đến mai sau.

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 11 giờ trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 11 giờ trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày và cao điểm du lịch hè 2024. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, cùng các chương trình kích cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Sở Du lịch Thành phố Hà Nội mới đây đã có công văn đề nghị các cơ quan, ban ngành trên địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.