SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Luật Thủ đô (sửa đổi): Giáo dục Hà Nội cần cơ chế vượt trội hơn

06:55, 07/08/2023
(SHTT) - Hà Nội có thế mạnh riêng so với các địa phương khác đó là số lượng lớn các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn, đây là nguồn lực quan trọng để phát huy các thế mạnh. Vì vậy Luật Thủ đô cần chú trọng vào vấn đề giáo dục.

Thời gian qua, nhiều đơn vị đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều ý kiến thiết thực. Đặc biệt, vấn đề giáo dục ở Hà Nội là một trong những vấn đề được quan tâm.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam từng chia sẻ, khung pháp lý của TP Hà Nội được thể hiện trong Luật Thủ đô năm 2012 không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Do đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã và đang từng bước được hoàn thiện là cần thiết và cần sớm được ban hành để thực thi.

Cần chú trọng đào tạo nhân lực

Trong Dự thảo Luật sửa đổi, về “Phát triển giáo dục và đào tạo”, việc “xây dựng cơ sở giáo dục tiên tiến hiện đại và có nhiều cấp học trên địa bàn Thủ đô” với đầy đủ các quy định liên quan đến sử dụng đất đai, trong đó có miễn thuế đất 10 năm đầu, miễn 50% thuế thu nhập, đầu tư của doanh nghiệp, liên kết quốc tế, hỗ trợ học phí cho học sinh bậc mầm non và trung học phổ thông, học bổng, cơ chế tài chính đối với giáo dục thông minh, giáo dục chất lượng cao, tiêu chí về chương trình đào tạo, tiêu chuẩn giáo viên, điều kiện thuê giáo viên nước ngoài... Đây là cơ chế rất quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo công lập của Thủ đô với lợi thế là trung tâm văn hóa chính trị của cả nước.

Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa có quy định, có chế khuyến khích đặc thù cho các cơ sở đào tạo trình độ cao: Cao đẳng, đại học và sau đại học. Mục 2 về Phát triển giáo dục và đào tạo nên được bổ sung: Xây dựng một số cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học, đào tạo từ cao đẳng, dự bị đại học, đại học và sau đại học theo cơ chế tự chủ thí điểm. Việc xác định chỉ tiêu, quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế.

giao duc thu do

 

Bên cạnh đó, để có cơ sở giá dục hiện đại, tiên tiến của Thủ đô thì việc đầu tiên cần có nhân lực đào tạo cho các cơ sở đó. Vì vậy, Dự thảo Luật cần làm rõ thêm việc đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, giảng viên và cán bộ phục vụ tại các cơ sở đó.

Xây dựng cơ sở giáo dục tiên tiến, hiện đại của Thủ đô không chỉ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Thủ đô mà còn phục vụ cả nước và quốc tế. Do vậy, Dự thảo Luật cũng cần nhấn mạnh thêm các quy định về nguồn tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đào tạo, hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương khác trong cả nước và hợp tác với các cơ sở giáo dục đào tạo quốc tế.

Đối với cơ sở giáo dục tiên tiến có bậc đào tạo đại học và sau đại học thì việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với đào tạo là yếu tố quyết định tới chất lượng đào tạo. Vì vậy, cần làm rõ hơn các quy định về cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, xưởng thực hành thực tập, việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục với các doanh nghiệp, địa phương khác và các tổ chức quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyên giao công nghệ.

"Thủ đô là nơi tập trung các trường đại học, đội ngũ tri thức và các nhà nghiên cứu lớn nhất cả nước. Đây là nguồn lực vô giá để phát triển nền kinh tế tri thức, là đầu tàu dẫn dắt đổi mới sáng tạo của cả nước. Cần xem xét bổ sung quy định đặc thù cho phép các trường đại học tự chủ khai thác nguồn lực đất đai, cơ sở vật chất và nhân lực chất lượng cao trong liên doanh, liên kết, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học nhằm phát triển kinh tế xã hội Thủ đô nhanh và bền vững" - GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Hà Nội cần được quyền xây dựng các quy định, tiêu chuẩn phù hợp trong tuyển dụng

Cũng chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kiến nghị: Hà Nội cần được quyền xây dựng các quy định, tiêu chuẩn phù hợp trong tuyển dụng.

Hà Nội được phép ký kết đào tạo đội ngũ không chỉ trong nước mà cả với các đối tác quốc tế; có cơ chế thí điểm hợp đồng giáo viên nước ngoài đảm bảo chất lượng giảng dạy cả trong hệ thống công lập; được quyền công nhận chương trình, được quyền trao đổi học sinh với các đối tác.

GS.TS Nguyễn Văn Minh đề nghị cần chú trọng yếu tố “nguồn lực phát triển Hà Nội”. Giáo dục và Đào tạo của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa.

Đồng thời, cần quy định dứt khoát không cho xây dựng các nhà cao tầng nếu chưa đảm bảo về hạ tầng xã hội, trong đó có trường học để “ai ai cũng được học hành”. Coi giáo dục đại trà là an sinh xã hội, là ưu việt và bình đẳng xã hội.

Riêng giáo dục mũi nhọn, cần củng cố và phát triển hệ thống trường chuyên, trường thực hành thuộc các trường đại học. Cùng đó, Hà Nội là thành phố có nhiều mối quan hệ quốc tế, có nhiều cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn. Hằng năm, số học sinh du học khá nhiều so với các địa phương khác. Sự liên thông của chương trình để được công nhận với khu vực và quốc tế phải được đặt ra, thay vì thuần túy liên kết với một vài trường nhỏ lẻ.

Cũng chia sẻ về vấn đề giáo dục Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố kiến nghị: “Giáo dục đào tạo của Thủ đô nhất định phải có sự vượt trội, khác hoàn toàn các địa phương khác, nên cần thiết có được cơ chế riêng, vượt trội hơn nữa. Đồng thời, cần quy định dứt khoát không cho xây dựng các nhà cao tầng nếu chưa đảm bảo về hạ tầng xã hội, trong đó có trường học”.

Đặc biệt, bà Bùi Thị An đề nghị về lĩnh vực giáo dục đào tạo, tại Điều 24 Dự thảo Luật này, hệ thống giáo dục công lập phổ thông cần có cơ chế để phát triển cân xứng với sự tăng trưởng dân số Thủ đô. Trước một số bất cập hiện nay trong hệ thống này tại Hà Nội, cần tạo điều kiện để mạng lưới trường học đáp ứng được 75% nhu cầu của học sinh bậc trung học có nhu cầu học, có chính sách hỗ trợ để tất cả trẻ trong mọi hoàn cảnh đều được tiếp cận giáo dục như hiến định, tạo nhiều cơ sở vật chất để trẻ em không may mắn (trẻ khuyết tật, tự kỷ…) được chăm sóc, nuôi dưỡng. Đồng thời, cần đảm bảo chất lượng phòng học; triệt tiêu sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành…

Hương Mi

Tin khác

Pháp luật 16 giờ trước
(SHTT) - Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng mới của Canada đang tạo ra những làn sóng trái chiều. Các doanh nghiệp đang lo ngại việc đạo luật mới mang lại quá nhiều quyền lực cho chính phủ.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 5 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.