SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Lâu lắm, quê nhà...!

08:29, 05/11/2022
(SHTT) - Câu thơ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử khiến liên tưởng “lâu lắm” rồi không ghé về thôn Vỹ. Chiều dài thời gian ở đây mang ý nghĩa tượng trưng thời gian không thời gian; nhưng đối với tôi thì cự ly xa cách “lâu lắm” là hiện thực.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ” câu thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử khiến liên tưởng “lâu lắm” rồi không ghé về thôn Vỹ. Chiều dài thời gian ở đây mang ý nghĩa tượng trưng thời gian không thời gian; nhưng đối với tôi thì cự ly xa cách “lâu lắm” là hiện thực, mỗi năm quá lắm là hai năm tôi đều thăm quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.

h1

 

1.

Năm nay đã hai niên tôi lần lửa không về thăm được, không ai khác hơn do đại dịch cản bước chân. Sài Gòn oằn mình chống dịch. Hai chữ “lâu lắm” có thể là lâu lắm lâu rồi lâu quá; đến hồi chọc thủng sự lãng quên tái sinh sự nhớ về.

 Tôi nhớ mộ phần của cha tôi và tộc họ ở địa danh Chân Mây thuộc thị trấn Lăng Cô bên kia đèo Hải Vân. Năm nay tôi không có điều kiện cúng cơm cha. Vợ tôi nói sao anh không đem tro cốt vào Sài Gòn để nhang khói cho tiện, nhưng tôi vẫn để ngoài nớ cho cái cớ đi đi về về nơi chôn nhau cắt rốn. Và, tôi không có dịp thăm người chú duy nhất thuộc hàng thúc bá còn lại của dòng tộc, nay chú đã lẫn nhớ nhớ quên quên mà quên nhiều hơn nhớ.

Tôi còn đó lời hứa thăm cặp đôi Minh Tự - Nguyễn Thị Tịnh Thy ở Huế. Chị là người bình bài thơ “Ngôi Nhà” của tôi rất hay. Ở đất thần kinh tôi còn bạn bè để gặp gỡ: Nguyên Quân, Phạm Nguyên Tường, Hồ Đăng Thanh Ngọc …Tôi nhớ gia đình các em tôi ở Đà Nẵng, trong đó có em Hoàng Quý Phước, huy chương vàng tại SEA Games 28,  phá 2 kỷ lục về bơi lội, 100m bơi tự do và 200m.

h2

 

Nhớ cà phê Cố Quận của Nguyễn Nhã Tiên mà có  lần đi cùng với Nguyễn Thái Dương, Lê Ký Thương ra Đà Nẵng đã đến nhâm nhi cà phê, gặp một số anh em văn nghệ như Phạm Ngọc Lư (hồi còn ở thế gian) thường viết về chiến tranh, nhắc đến bạn tôi bèn nghĩ câu thơ năm Dần: “Bọn ta khi chết hồn thành Cọp”, không biết người làm thơ có phải lính Lôi Hổ (Con đi Lôi Hổ làm gì để hổ nó Lôi con - lời người mẹ có con chết trận) mà chữ nghĩa hào sảng mang dáng vẻ rất oai Hùm; tại nơi chốn này tôi còn gặp những người bạn như: Trương Điện Thắng, Trần Tuấn, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Thục Trang …

 Thù tạc lai rai với tay chơi Trần Thiên Thị (bào huynh của cô giáo Trần Thị Trúc Hạ), trước đây tôi có gặp Thị tại quán cóc Sài Gòn. Hắn vào để chữa răng, khi về mình nói với Trần Thiện Thị: “Tau sẽ về Đà Nẵng chơi với mi”, bây giờ chỉ còn lại lời hứa.

2.

Còn Nhà xuát bản Đà Nẵng đối với tôi có một kỷ niệm không quên, tôi đã xin giấy phép tập thơ “Hôm qua Hôm nay Hôm sau”, thời của anh Đà Linh, mà không xin ở những nhà xuất bản ở phía Nam. Nhà văn Phan Trang Hy vừa gửi tặng tác phẩm mới nhất của anh để đọc trong mùa bất trắc: Phạm Duy và Lời Ca Lắng Đọng, Hồ Sĩ Bình gửi lời thăm hỏi và chúc bình an trong tình hình bất an của dịch bệnh Sài Gòn tăng cao; chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy ấm lòng, bạn còn gửi tặng tôi tập thơ mới Ngày Sinh Của Gió.

À, còn đến Hội An gặp vợ chông Phùng Tấn Đông – Khiếu Thị Hoài (mà tôi và Linh Phương đã đến nhả) nữa chứ, Đông và Trần Tuấn là hai người cùng cộng  tác trong những tập thơ do tôi thực hiện. Tại Hội An tôi sắp hàng mua bánh mì Sài Gòn (lấy thương hiệu của Sài Gòn), nhưng không giống bánh mì Sài Gòn, hai đầu ổ bánh nhọn, hà tiện bột để phần mồi bên trong ít đi (cho người dùng thẩy ổ bánh dài ra), còn bánh mì trong nầy lớn hơn, hai đầu bánh tương đối bằng, số lượng chất lượng “phụ bản” phong phú, như câu “Bánh mì Tân Định ngon ghê. Dăm bông thịt nguội pa tê hành ngò” (trong tiểu thuyết của Duyên Anh).

h3

 

Hội An còn có cơm gà nữa, phải nói là rất ngon, chính gốc gà ta. Còn phải tìm gặp Đynh Trầm Ca, tác giả của bái hát Ru Con Tình Cũ, đòi món hến xào xúc bánh tráng chạm ly bia Larue lốp cốp. Và đâu hết dâu, anh chàng Liêu Thái mười năm rồi không gặp (mười năm không gặp đợi mười năm nữa!). Lần nào tôi đến Đà Nẵng, Liêu Thái đều biết “anh nhớ ghé nhà em ghé vườn rau bầy gà nhà em ”, nhưng loanh quanh chốn đô hội trung đô nên thất hứa với “chàng tuổi trẻ gan dạ trên chiếc đu bay” (William Saroyan). Lần náy tính rồi, nhưng vẫn hãy đợi đấy.

 Nhớ huyện Hòa Vang, giáp với tỉnh Quảng Nam. Năm 2.000, tôi đi tìm mộ cha tôi, cuộc hành trình có sự tham gia của Ngụy Ngữ và Chinh Văn, qua sự hướng dẫn bằng điện thoại di động từ nhà ngọai cảm cư trú tại Sài Gòn. Chuyện dài dòng và ly kỳ. Sau đó tôi có làm bài thơ về sự việc đó, xin trích hai đoạn:

 Chính sự chia biệt nuôi dưỡng trí nhớ

 thi thể không còn xương tàn biến dạng

 làm sao hội ngộ cùng xác chết đám đông

 Người hiện hữu giữa trần ai bằng sự vắng bóng

 mưa rơi dịu dàng lặng lẽ vào bình minh

 Nguyện trăng về hướng bóng tối tôi về hướng ấy

 Người bí mật khuya khoắt vào huyệt bên hàng dương gió hú

 như bí mật sống bí mật yêu bí mật cầm sung bí mật ngã xuống

 nghe lịch sữ sóng vỗ êm đềm

 Dĩ nhiên đến Đà Nẵng phải lao vào Quảng Nam; thị xã Tam Kỳ gọi tôi về, thị xã là trung tâm trung bình điểm cây số giữa Sài Gòn và Hà Nội, nơi tôi sinh ra; cha tôi có làm bài thơ khi tôi vừa lọt lòng:

Con tôi khóc chào đời

Khi lửa đạn đầy trời

 Cả nước Việt Nam khói lửa

 Khi cha mẹ đôi nơi

“Tôi muốn về Trung Phước những mùa ngô”,  câu thơ mộc mạc, đơn giản  của Tường Linh lại in vào sâu trong tôi; Trung Phước là tên làng của huyện Nông Sơn, tôi đẵ đến cầu Nông Sơn sau khi xây xong, thắp nhang cho 18 em nhỏ mất trong vụ lật đò thảm khốc ở bến Cà Tang.

 Mấy người em tôi ở Thăng Bình, thị trấn Hà Lam, luôn nhắn gọi. Thường thì tôi ở lại hai ba ngày, ở nhà đứa này thì bày biện bữa cơm, những phần cơm có cá nục kho mẳn (có thể dùng riêng với bún kích thích vị giác thì tuyệt cú mèo, ở Sài Gòn có một danh hài mở tiệm cơm Quảng Nam, nhưng món cá nục nhạt nhẽo do cá không tươi), có chuối non luộc sắt từng lát mỏng vẫn giữ hình dáng quả chuối rất thẩm mỹ; ở nhà đứa kia thì bày điểm tâm món mì Quảng với rau húng cây lá nhỏ tập trung tinh dầu mùi thơm nồng nàn hơn húng cây lá to ở miền Nam, cộng thêm trái ớt xanh cay thanh không cay hổn (có phải dân miền Trung dùng nhiều ớt quá, nên không chờ chín đỏ, lâu thành thương hiệu của miền ?). Thực phẩm mang yếu tố hoài niệm về nơi chốn, vì vậy có danh từ riêng chả bò Đà Nẵng, một đặc sản chính chủ.

Ăn uống xong chạy trở về quá khứ tuổi thơ phía cầu Tam Kỳ. Không chỉ nhớ cầu Tam Kỳ, tôi còn nhớ tuổi nhỏ tìm tiếng dế gáy ở đường ray ga Tam Kỳ; chợt ám ảnh tiếng dế giấu dưới ngai vàng của vua Phổ Nghi - Hoàng đế cuối cùng (The Last Emperor). Đây là phim có kịch bản hay đoạt 9 giải Oscar, mô tả vua Phổ Nghi sau khi học tập cải tạo về, đến ngai vàng cũ ở Tử Cấm Thành, ngài rón rén chỗ của mình từng ngự tìm  lại hộp dế vàng hồi ức tuổi thơ. Đây là đoạn rất đắt của phim.

Trên báo Quảng Năm xuân Tân Sửu kỷ niệm 550 nhân thành lập tỉnh Quảng Nam có đoạn: Mùa xuân năm 1471, vua Lê Thánh Tông dẫn đại quân chinh Nam. “Đại thắng, vua lập nên đạo thừa tuyên với danh xưng Quảng Nam. Gần 20 năm sau đó, ngày 4-4 âm lịch năm 1490 hoàn tất bản đồ Đại Việt- bản đồ Hồng Đức với 13 thừa tuyên ..” mà tôi mới biết.

Quê hương không không gian sa mạc hoang vu trong kinh nghiệm cân não, luôn hiện hữu giấc mơ muôn thuở và đời sống thực tại hướng lên trên để quay về, giẫm lên dấu chân mình để quay về. Hành trình thường đi qua Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế. Xin mở ngoặc về câu chuyện trong giờ Địa Lý, thầy giáo muốn cho học trò dễ nhớ bèn đọc câu về địa danh Việt Nam:

 Quảng Bình Quảng Trị Thừa Thiên

 Quảng Nam Quảng Ngãi Phú Yên Khánh Hòa

Bỗng có em dân Bình Định đứng lên “khiếu nại”: “Thầy thầy đi qua Quảng Ngãi phải đến Bình Định chứ thầy”

Thầy bèn thêm vào chỗ thiếu một câu lục:

Quảng Nam Quảng Ngãi Phú Yên Khánh Hòa

Nhưng còn Bình Định nữa mà

 Cả lớp ồ vui: Hay quá hay quá

 Vẫy tay chào, năm này tôi không về.. Hẹn gặp, năm sau?

Vũ Trọng Quang

Tin khác

Giải trí 16 giờ trước
(SHTT) - Sở Du lịch Thành phố Hà Nội mới đây đã có công văn đề nghị các cơ quan, ban ngành trên địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, tại Khu du lịch Thiên Cầm, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề: Hà Tĩnh - thanh âm ngày nắng mới. Chương trình với nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc đã thu hút đông đảo người dân và du khách trên địa bàn cả nước tham gia.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Có thể nói, Carnaval Hạ Long là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc nhất, lễ hội đường phố ấn tượng nhất mỗi dịp hè về đã được Quảng Ninh duy trì, phát triển suốt nhiều năm qua, để lại những dấu ấn, kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi du khách khi được hoà mình vào không khí lễ hội.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Adidas hiện đang phải đối mặt với sự thẩm vấn gay gắt của tòa phúc thẩm Hoa Kỳ trong nỗ lực khôi phục vụ kiện tuyên bố hãng thời trang Thom Browne đã xâm phạm nhãn hiệu ba sọc mang tính biểu tượng của công ty.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Ngày 21/4, Hooked Entertainment tổ chức buổi họp báo ra mắt thông báo chính thức trở lại thị trường âm nhạc điện tử Việt Nam và mong muốn đưa dòng nhạc EDM này trở lại thời kì “hoàng kim”.
Liên kết hữu ích