SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Huế phục hồi trò đu tiên ‘chính hiệu’ ở làng Phú Gia

11:24, 28/02/2024
Sau 20 năm vắng bóng trong những ngày hội xuân, UBND xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) chính thức mang trò chơi dân gian độc đáo đu tiên trở lại làng Phú Gia trong dịp Tết Nguyên Tiêu nhằm ngày 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 25/2).

Như cái xe guồng lấy nước vào ruộng ngày xưa, khi giàn đu tiên với những chiếc ghế ngồi chuyển động, những tà áo của người chơi theo gió tung lên không như những cánh hoa bay là lúc những tiếng cười vui, reo hò ở làng Phú Gia thêm rộn rã.

Trò chơi tái hiện hình ảnh nền văn minh lúa nước

Trò chơi dân gian tái hiện hình ảnh nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt được phục dựng trong những ngày xuân Giáp Thìn đang làm người dân làng Phú Gia tự hào về một nét đẹp văn hóa truyển thống tưởng như đang rơi vào quên lãng.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Thế - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế, hội xuân Ất Hợi năm 1995, làng Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) vẫn còn tổ chức trò đu tiên kéo dài từ mồng 1 - 6 Tết Nguyên đán.

20 năm qua, trò chơi đặc sắc và hấp dẫn này bị mai một và trở nên thiếu vắng trong những ngày du xuân của làng. Đối với các bậc cao niên làng Phú Gia, thiếu hình ảnh những nam thanh nữ tú, con trẻ đu tiên với tiếng cười giòn tan theo những lượt chơi là thiếu không khí Tết.

DSC08314

 Người dân thích thú chơi trò đu tiên mới được phục dựng.

Bà Nguyễn Thị Vẹm (87 tuổi, làng Phú Gia) được con cháu chở tới xem phục hồi trò đu tiên. Bà ngồi chăm chú nhìn theo vòng quay với bao ký ức hiện về. Dù chân đã chậm, sức khỏe không còn đủ để chơi trò đu tiên nhưng cụ vẫn muốn được ngồi thử lại trên chiếc đu như “chiếc vé” về tuổi thơ, chụp ảnh làm kỷ niệm. “Hồi nhỏ tôi đã được chơi đu tiên nhiều lần, nhìn thấy đu tiên được phục hồi, con cháu có thêm trò chơi lành mạnh tôi vui lắm”, bà Vẹm nhoẻn miệng cười, nói.

DSC08359

Cụ Nguyễn Thị Vẹm (87 tuổi, làng Phú Gia) hạnh phúc khi được ngồi trên đu tiên với con cháu để chụp ảnh kỷ niệm. 

Ông Nguyễn Thế đã dày công khảo cứu về lễ hội xuân ở làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, ông ghi lại được 4 trò chơi đu gồm: đu nhún, đu tiên, đu giàn xay và đu rút. Nhưng hiện nay, ở Thừa Thiên Huế hầu như chỉ còn lại trò đu nhún được tổ chức trong ngày hội xuân của các làng: Gia Viên (xã Phong Hiền), Thế chí Tây (xã Điền Hòa) thuộc huyện Phong Điền; Làng Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Còn lại các trò đu tiên, đu giàn xay và đu rút hầu như đã bị mai một.

Trong những lần thực hiện khảo cứu các trò chơi dân gian, ông Thế biết đến làng Phú Gia là nơi có truyền thống tổ chức đu tiên từ lâu đời, năm Ất Hợi (1995) làng cũng từng phục hồi lại trò chơi dân gian vui nhộn, hấp dẫn này. Song do nhiều khó khăn để duy trì, hai mươi năm qua Phú Gia chưa có điều kiện tổ chức lại trò đu tiên.

Nhận thấy được đây là trò chơi dân gian đặc sắc, cảm nhận được nỗi nuối tiếc của các bậc cao niên nên Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế đã vận động, tư vấn và hỗ trợ để UBND xã Lộc Tiến tổ chức phục dựng đu tiên và các trò chơi dân gian.

DSC08268

 Trò chơi đu tiên là trò chơi đặc sắc, hấp dẫn có từ xa xưa được phục dựng sau 20 năm vắng bóng tại làng Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).

“Họ (những người cao niên làng Phú Gia) bảo rằng, ngày tết xem truyền hình nghe đưa tin về đu tiên mà hình ảnh là đu nhún là họ không chịu được vì trò đu ở Phú Gia mới gọi là đu tiên “chính hiệu””, ông Nguyễn Thế chia sẻ.

Trong quá trình thực hiện khảo cứu và phục dựng đu tiên, ông Thế đã được trưởng thôn Phú Gia - ông Ngô Văn Bản nhiệt tình hỗ trợ để tìm hiểu về trò đu tiên, nét đẹp văn hoá làng Phú Gia.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế đã ngạc nhiên khi biết rằng trò đu tiên không chỉ là ký ức của các bậc cao niên mà nhiều người làng cũng biết đến. Nhiều người từng trực tiếp làm đu tiên hay tham gia trò đu tiên trong hội xuân Ất Hợi đến nay vẫn còn sống tại làng.

“Ông Bản kể, năm đó ông đang làm thợ Sơn ở Hà Nội nhưng vẫn gửi tiền vào ủng hộ làng làm đu tiên, trò chơi được nhiều khách trong và ngoài nước về xem”, ông Thế cho biết thêm.

Phục dựng một di sản văn hóa phi vật thể nguy cơ bị lãng quên 

Từ những tư liệu chính thống, có đủ căn cứ lịch sử để khẳng định đu tiên là trò chơi dân gian đặc sắc ở Thừa Thiên Huế có từ xưa kia cùng các lễ hội, tín ngưỡng dân gian đặc sắc được người dân Thuận Hoá mang theo trên bước đường chúa Nguyễn mở đất về phương Nam.

Sách Gia Định thành thông chí do cụ Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825) mô tả cách làm đu tiên thời bấy giờ còn có tên là trò vân xa thu thiên. Trò đu tiên hai bên trồng hai trụ gỗ cao, gác ngang một cái trục bằng gỗ xoay động được, khoét lỗ bánh xe bằng ván luồn vô trục như bánh xe guồng lấy nước vậy. Ngoài vành bánh xe đặt 8 ròng rọc bằng ván để làm chỗ ngồi, rồi 8 người phụ nữ trang sức đẹp đẽ, y phục lộng lẫy, lên ngồi theo thứ tự miếng ván ấy.

DSC08254

 Cảm giác được làm "tiên" bay trên không với trò chơi đu tiên độc đáo của làng Phú Gia.

Sách Gia Định thành thông chí còn ghi rõ cách chơi: “Đầu tiên mượn người xây bánh xe cho chạy tròn, rồi tiếp theo người ngồi trên bánh xe khi tới phiên mình ngang mặt đất thì lấy chân đạp mạnh lên mặt đất cho trớn đẩy bánh xe xoay chuyển, trông thấy y phục phơ phất như bầy tiên bay múa trong mây mù rất đẹp mắt, cuộc chơi này khởi sự từ buổi mai Nguyên đán cho đến đêm rằm tháng Giêng mới thôi”.

Đu tiên ở Thừa Thiên Huế mỗi nơi mỗi nét độc đáo riêng. Nếu đu tiên ở làng Phò Trạch ngày xưa được dựng bằng hai cột gỗ lớn chôn sâu xuống đất khoảng gần 1 mét, phần từ mặt đất lên cao khoảng 3 mét, có trục bắc ngang ở phần trên. Trục gắn với 6 đôi thân tre xuyên qua trục giống như nan hoa xe đạp. Người ta gắn những bàn đu (tựa như ghế ngồi) cho 1 - 2 người tùy theo bàn đu lớn hay nhỏ. Sáu người (hoặc 6 đôi) lên ngồi đu. Guồng đu chuyển động (theo chiều ngược kim đồng hồ) nhờ có hai người đứng hai bên đạp vào nan guồng đu. Sau khi đu đã có trớn (đà) quay đều thì những người chơi đu khi hạ xuống gần mặt đất thì luân phiên đạp chân xuống đất (thuận theo chiều quay) để tiếp lực cho đu quay nhanh.

DSC08268

"Bay" cùng trò đu tiên ở làng Phú Gia. 

Đu tiên ở Phú Gia được làm chắc chắn bằng cách dựng 4 trụ (chân choãi theo thế thượng thu hạ thách), có hai trếnh đu đỡ trục chính để giàn đu vững chắc hơn. Giàn đu tiên ở Phú Gia phục dựng năm 1995 qui mô nhỏ nên chỉ 4 người chơi.

Đến nay, người dân vẫn còn nhớ những câu hò, giao duyên tình cảm về không khí nhộn nhịp khi chơi đu tiên ngày xuân: “Chơi đu thì phải hò đu/Bao nhiêu trai gái lên đu phải hò” hay “Đu tiên mới dựng năm nay/Cô nào hay hát kỳ này hãy lên”.

025a386290b83de664a9

Khai mạc Lễ hội dân gian phục dựng đu tiên và tổ chức các trò chơi dân gian.

Đau đáu với văn hóa dân gian của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế bày tỏ niềm mong mỏi trò chơi dân gian độc đáo đu tiên trong hội xuân ở làng Phú Gia được bảo tồn. “Mong rằng, chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm có kế hoạch phục hồi để giữ nét đẹp của làng quê văn vật nằm bên cạnh vịnh đẹp Lăng Cô nổi tiếng thế giới. Đu tiên là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Thừa Thiên Huế. Di sản này cần được bảo tồn và phát huy giá trị đúng theo tinh thần nghị quyết TW5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ông Thế khẳng định.

Tại ngày hội phục dựng trò đu tiên, nhiều người dân Lộc Tiến xa quên đã về tham dự, có những gia đình dẫn con, cháu tới để trải nghiệm trò chơi. Nhìn những ánh mắt vui sướng, tiếng cười trong trẻo của các em mùa xuân dường như ấm áp và thêm nhiều hi vọng về một năm mới an khang.

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 8 giờ trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày và cao điểm du lịch hè 2024. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, cùng các chương trình kích cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.