Hội thảo Quốc tế Phát triển Năng lượng Sinh khối Việt Nam - Thực trạng và Giải pháp
Được biết Hội thảo Quốc tế với chủ đề Phát triển Năng lượng Sinh khối Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp do Bộ Công Thương chủ trì sẽ được diễn ra vào ngày 17/11/2016.
Trong hội thảo, vấn đề được bàn luận là năng lượng sinh khối. Sinh khối bao gồm cây cối tự nhiên, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, bã nông nghiệp và lâm nghiệp. Sinh khối cũng bao gồm chất thải đời sống con người, như chất thải từ quá trình sản xuất thức ăn, nước uống, bùn/ nước cống, phân bón, sản phẩm phụ gia hữu cơ, công nghiệp (industrial by-product) và các thành phần hữu cơ của chất thải sinh hoạt… Mục đích sử dụng: Phát điện, tạo nhiệt, tạo khí, xăng, dầu sinh học, hơi nước, phân bón, chất đốt…
Năng lượng sinh khối là bước phát triển phù hợp nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cũng góp phần vào cải thiện đời sống dân sinh, phát triển nông nghiệp nông thôn, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Thích hợp đặc biệt với các nhà máy điện chạy than hoặc dầu, với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, xử lý rác thải…
Hội thảo Quốc tế Phát triển Năng lượng Sinh khối Việt Nam - Thực trạng và Giải pháp tập trung vào những nội dung: Tiềm năng, định hướng, chính sách phát triển năng lượng sinh khối; Giải pháp phát triển năng lượng sinh khối tại Việt Nam.
Cũng trong hội thảo, bà Bùi Hằng Phương, chuyên gia kinh tế phát triển, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Năng lượng Việt Nam, giới thiệu cuốn sách CẨM NANG NĂNG LƯỢNG XANH VIỆT NAM : BIOMASS – DEVELOP & GO GREEN với mục tiêu giúp các nhà đầu tư có các hiểu biết cơ bản về loại hình năng lượng mới này, đồng thời biết được các nguồn hỗ trợ cần thiết khi thực hiện dự án Năng lượng Sinh khối, đặc biệt các dự án lớn. Cuốn sách là công trình chung của gần 30 tập thể là các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ phát triển, các doanh nghiệp trong ngành năng lượng, đặc biệt năng lượng sinh khối.
Trong hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cũng đã giới thiệu về các công nghệ ứng dụng tiêu biểu phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bếp khí hóa CCS tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra nhiệt đun nấu, khi lắp them bộ phát điện thì ở quy mô hộ gia đình có thể thắp sáng. Ở quy mô công nghiệp, bếp khí hóa thích hợp sấy nông sản trên quy mô lớn và tạo điện thắp sáng một vùng.
Công nghệ đốt chất thải rắn phát điện của Tập đoàn Wabio đã được ứng dụng ở Đồng Hới cũng được giới thiệu.
P.V