SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 25/04/2024
  • Click để copy

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia: Nhận diện và những hàm ý

14:51, 23/02/2021
(SHTT) - Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị nêu: Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NIS) ở Việt Nam hiện nay mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Nguyên nhân chính dẫn tới điều này là do chúng ta vẫn chưa thể hiểu rõ các vấn đề liên quan tới hệ thống này.

LTS: Tạo ra một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (National Innovation System - NIS) hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng nhất trong các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của mỗi quốc gia. NIS được định nghĩa một cách chung nhất là một tập hợp các tổ chức tương tác của khu vực công và tư nhân trong việc tạo, đăng ký, lưu trữ, chuyển giao, sửa đổi, phân phối và chuyển đổi kiến thức mới thành công nghệ, hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ bởi xã hội.

Những năm gần đây, nhiều học thuyết đã được đề ra để giải thích nguyên nhân một số quốc gia lại tụt hậu, trong khi những quốc gia khác vươn lên hàng đầu trong ĐMST ở quy mô toàn cầu. Những nghiên cứu về NIS đã đưa ra những luận cứ để chứng minh rằng sự khác biệt nêu trên ở các quốc gia tựu trung lại là ở cơ cấu tổ chức của quốc gia đó. NIS đã đề cập đến mối quan hệ cấu trúc bị bỏ qua trước đây đối với các biến số liên quan có ảnh hưởng tới hoạt động ĐMST. Qua NIS cho thấy ĐMST là kết quả của một quá trình năng động ở trong một môi trường có cấu trúc. NIS chứa đựng nhiều yếu tố của quá trình ĐMST. Những yếu tố này không tách rời mà tương tác và thay đổi thông qua sự học hỏi và tích luỹ kiến thức.

Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động ĐMST, khái niệm và cách tiếp cận NIS đã được nhiều chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN) quan tâm áp dụng, đặc biệt là ở các quốc gia có trình độ phát triển cao như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Các nền kinh tế đang phát triển và đang công nghiệp hoá ở châu Á cũng đã quan tâm nghiên cứu để vận dụng trong hoàn cảnh của họ để xây dựng và hoàn thiện NIS. Trung Quốc đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường và đề ra quan điểm “NIS mang các đặc trưng Trung Quốc ” với khái niệm “ĐMST nội sinh/bản địa”. Các quốc gia khác như Hàn Quốc đã đề xuất “NIS thế hệ thứ 3”, khi nền kinh tế này đã hoàn thành giai đoạn rượt đuổi và bước sang giai đoạn nền kinh tế ĐMST.

Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư” nêu rõ: “Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả”. Và đặt ra mục tiêu tổng quát: “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.”

Điều này có nghĩa, vấn đề hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cần được làm rõ hơn nữa cả về lý luận và thực tiễn để phục vụ tốt hơn nữa cho việc thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW.

Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo thực hiện tuyến bài về vấn đề Hệ thống đổi mới sáng tạo ở một số nước và hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Phạm vi bài viết này tập trung vào các nội dung: Khái niệm, các yếu tố cấu thành (và mối quan hệ, chức năng các yếu tố) của hệ thống , cũng như những định hướng nghiên cứu vấn đề này trong điều kiện hiện nay.

H1_VN_Ecosys

 Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

1. Khái niệm về Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Khái quát lịch sử cách tiếp cận khái niệm NIS

Đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã là một vấn đề dành được sự quan tâm chú ý trên thế giới từ vài thập kỷ qua và ở nước ta nó đang được xem là một nhân tố tạo nên ưu thế cạnh tranh của quốc gia, được quan tâm hơn bao giờ hết. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động ĐMST, cách tiếp cận theo hướng xây dựng và phát triển Hệ thống ĐMST quốc gia (National Innovation System, gọi tắt là NIS), coi đó là một khuôn khổ thể chế quan trọng trong việc kết nối, làm gia tăng các năng lực khoa học, công nghệ và ĐMST (KHCN&ĐMST). Đây là hướng đi được nhiều quốc gia quan tâm áp dụng, bao gồm các quốc gia phát triển đang phát triển. Khái niệm này cũng đã được sử dụng bởi các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Uỷ ban châu Âu (EC)...

Ấn phẩm phổ biến rộng rãi đầu tiên sử dụng khái niệm NIS là phân tích về Nhật Bản của GS. Chris Freeman (Viện chính sách khoa học tại Anh). Năm 1987, GS. Chris Freeman là người đã đưa đầy đủ khái niệm NIS trong cuốn sách đề cập đến quá trình đổi mới ở Nhật Bản. Công trình phân tích của ông rất toàn diện, bao hàm những đặc trưng nội bộ và tổ chức của doanh nghiệp, quản trị công ty, hệ thống giáo dục và không kém phần quan trọng là vai trò của Chính phủ.

Khái niệm NIS sau đó đã được củng cố vững chắc trong các tài liệu ĐMST là kết quả của sự hợp tác giữa Freeman, Nelson và Lundvall về lý thuyết công nghệ và kinh tế (Dosi et al., 1988). Khái niệm NIS tiếp tục được phát triển hơn nữa về mặt phân tích và thực nghiệm bởi Lundvall (1992) và Nelson (1993). Nó được sử dụng rộng rãi trong bối cảnh học thuật và cũng như một khuôn khổ cho việc hoạch định chính sách ĐMST.

Sau này ý tưởng về NIS đã xuất hiện trong các công trình của một số nhà kinh tế chuyên nghiên cứu về ĐMST và các học giả Mỹ đã tìm cách so sánh vai trò của các trường đại học Mỹ trong thúc đẩy ĐMST của các doanh nghiệp với các mô thức của Nhật Bản và châu Âu.

Các định nghĩa về NIS

Cho đến nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về NIS gắn với những bối cảnh và mục tiêu nghiên cứu nhất định. Hiện nay chưa có định nghĩa thống nhất, duy nhất về NIS.

Năm 1987, theo Chris Freeman: “NIS là một mạng lưới các tổ chức, thiết chế trong các khu vực tư nhân và công cộng cùng phối hợp hoạt động lẫn nhau trong quá trình nghiên cứu, nhập khẩu, cải tiến và phổ biến các công nghệ mớ”.

Theo Lundvall B.A. (1992): “NIS gồm các bộ phận và các mối quan hệ tương tác trong các hoạt động sáng tạo, phổ biến và sử dụng tri thức mới có ích lợi về kinh tế... Kiến thức này hoặc được đưa vào, hoặc bắt nguồn từ trong nước’”.

Nelson R.R. (1993): “NIS tập hợp các tổ chức tương tác lẫn nhau có tác dụng quyết định tới hoạt động ĐMSTcủa các doanh nghiệp trong nước.””

Patel và Pavitt (Giáo sư tại Đại học Cambridge, Anh, 1994): NIS gồm các tổ chức trong nước, là hệ thống kích thích và tạo năng lực quyết định tốc độ và chiều hướng cải tiến công nghệ (hoặc là tốc độ và cấu thành của các hoạt động tạo ra ĐMST) trong một nước.

Theo Metcalfe (1995), NIS tập hợp các tổ chức khác nhau góp phần vào việc phát triển và phổ biến công nghệ mới; tạo nên khuôn khổ để chính phủ hoạch định và thực thi các chính sách ĐMST. Đó là hệ thống các tổ chức có quan hệ tương tác với nhau để tạo lập, lưu trữ và chuyển giao tri thức, kỹ năng và các yếu tố tạo tác công nghệ mới.

OECD định nghĩa NIS là một hệ thống các cơ quan thuộc các lĩnh vực công và tư nhân, mà hoạt động của nó nhằm khám phá, du nhập, biến đổi và phổ biến các công nghệ mới. Đó là hệ thống có tính tương hỗ của các doanh nghiệp công và tư, các trường đại học và các cơ quan Chính phủ, nhằm hướng tới sự phát triển của KH&CN trong phạm vi quốc gia. Tính tương hỗ của các đơn vị này có thể là về mặt kỹ thuật, thương mại, luật pháp và tài chính, nhằm những mục đích phát triển, bảo trợ hay thực hiện các hoạt động KH&CN.

Theo OECD, NIS có thể được hiểu như là một tập hợp các cơ quan, tổ chức và các cơ chế chính sách cùng nhau tương hỗ nhằm theo đuổi các mục tiêu KT-XH và sử dụng ĐMST để khuyến khích sự thay đổi.

Như vậy có thể thấy các tác giả khác nhau có những quan niệm, định nghĩa khác nhau về NIS. Một số điểm khác biệt lớn đã xảy ra do có sự khác nhau về trọng tâm phân tích và cách định nghĩa khác nhau liên quan đến các tổ chức và thị trường.

Mặc dù trên thế giới có nhiều quan niệm khác nhau về NIS nhưng xét về tổng thể có thể khái quát: NIS là tập hợp tất cả các thể chế và cơ chế (công và tư), tương tác với nhau để kích thích, hỗ trợ cho ĐMST, biến tri thức mới thành công nghệ, hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ bởi xã hội. Nói cách khác, NIS bao gồm các thiết chế, các hệ thống tổ chức ở tầm quốc gia nhằm gắn bó hữu cơ các tổ chức khoa học, các trường đại học với sản xuất, thúc đẩy việc tạo ra và ứng dụng nhanh chóng các kết quả nghiên cứu sáng tạo để đổi mới sản xuất, phát triển kinh tế.

2. Các thành phần, mối quan hệ giữa các thành phần và chức năng chủ yếu của NIS

Theo tổ chức OECD, NIS là hệ thống gồm các thành phần có sự tương tác, đó là các cơ quan lãnh đạo (chính phủ và các cơ quan làm chính sách), các tổ chức KH&CN chính, các tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu công nghiệp và các tổ chức trung gian cho ĐMST, các cơ quan tài chính hay hệ thống tài chính, các cơ quan về quy chế... Các thành phần này liên kết chặt chẽ với nhau để thúc đẩy việc tạo và ứng dụng nhanh chóng các ý tưởng, kết quả nghiên cứu và phát triển (NC&PT), ĐMST vào sản xuất, kinh doanh và đem lại các lợi ích lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Các cơ quan lãnh đạo: Chính phủ và các cơ quan làm chính sách, một số cơ quan của Nghị viện, các Uỷ ban Quốc gia (như Uỷ ban Quốc gia về KH&CN đóng vai trò hàng đầu trong thiết lập các chính sách và các chương trình; Uỷ ban Quốc gia về kế hoạch, lo trực tiếp vấn đề tài chính cho các chương trình KH&CN quan trọng; Uỷ ban Quốc gia về Giáo dục phụ trách các cơ quan giáo dục và đào tạo; Uỷ ban Quốc gia về Kinh tế và Thương mại, đóng vai trò quan trọng trong đổi mới công nghệ của doanh nghiệp...); các Bộ; các viện quan trọng (như các viện nghiên cứu chiến lược, đặc biệt là các trung tâm nghiên cứu quốc gia vì sự phát triển KH&CN, các viện chính sách khoa học và quản lý khoa học của viện hàn lâm khoa học. Ngoài ra có thể còn có các cơ quan khác ở cấp tỉnh và thành phố.

Các tổ chức KH&CN chính: viện nghiên cứu; doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tư nhân, liên doanh; trường Đại học; các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu cho quốc phòng...

Các tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu công nghiệp và các tổ chức trung gian đổi mới.

Các cơ quan tài chính hay hệ thống tài chính: các cơ quan tài chính nổi bật nhất trong NIS là các ngân hàng cấp vốn vay cho các hoạt động KH&CN và các hoạt động gắn với đổi mới; các công ty vốn mạo hiểm, các quỹ.

Các cơ quan về quy chế: các cơ quan bảo vệ sở hữu trí tuệ; các cơ quan bảo vệ an ninh, y tế và môi trường; các cơ quan phụ trách về tiêu chuẩn, đo lường và kiểm định.

Các thành phần khác: các công ty, các cơ quan nước ngoài (giúp đỡ phát triển) và các cơ quan đa quốc gia tham gia tích cực vào NIS. 

Bảng mô tả các chức năng chủ yếu của NIS:

Các chức năng chủ yếu của NIS

Các chức năng đặc thù

Các chức năng chính của Chính phủ

Thiết lập các chính sách và sử dụng các nguồn lực

-    Giám sát, kiểm tra và xây dựng các chính sách, các kế hoạch liên quan đến các hoạt động KH&CN quốc gia,

-    Liên kết các ngành liên quan (như kinh tế, thương mại, giáo dục, y tế, môi trường, quốc phòng),

-    Phân bổ các nguồn lực, ngân sách, cho cho các ngành KH&CN, các hoạt động theo thứ tự ưu tiên,

-    Thiết lập các chương trình khuyến khích nhằm thúc đẩy đổi mới và các hoạt động KH&cN khác,

-    Đảm bảo khả năng thực hiện các chính sách và điều phối các hoạt động,

-    Đảm bảo khả năng dự báo và đánh giá các xu hướng của sự thay đổi công nghệ.

Quy chế

-    Tạo ra một hệ thống đo lường, tiêu chuẩn và kiểm định quốc gia,

-    Tạo ra một hệ thống quốc gia nhận dạng và bảo vệ sở hữu trí tuệ,

-    Tạo ra các hệ thống quốc gia đảm bảo an ninh, y tế và môi trường.

Các chức năng thực hiện

Tài chính

-     Quản lý các hệ thống tài chính phù hợp cho việc thực hiện các chức năng khác của hệ thống,

-     Sử dụng sức mua của Chính phủ để thúc đẩy đổi mới trong sản xuất hàng hoá và dịch vụ mà Chính phủ cần.

Đảm bảo hiệu năng

-     Thực hiện các chương trình KH&CN, bao gồm tất cả các loại nghiên cứu và phát triển công nghệ,

-     Đảm bảo các dịch vụ KH&CN,

-     Đảm bảo cơ chế thiết lập liên kết R&D, ứng dụng thực tiễn,

-     Tạo ra các liên kết hoạt động KH&CN vùng và quốc tế,

-     Lập các cơ chế đánh giá, thu thập và phổ biến các công nghệ tốt nhất,

-     Tạo ra các sản phẩm, quy trình và các dịch vụ mới từ các kết quả của hoạt động kH&CN.

Tối ưu hoá các nguồn lực và phát huy tiềm năng

-     Đảm bảo các chương trình và quản lý các cơ quan trong ngành giáo dục và đào tạo nhân lực KH&CN,

-     Phát huy tiềm năng KH&CN của các cơ quan,

-     Đảm bảo các cơ chế cho phép duy trì hoạt động của cộng đồng KH&CN,

-     Khơi dậy lợi ích quốc gia cho KH&CN và những sáng kiến quốc gia về KH&CN.

Cơ sở hạ tầng

-     Thiết lập, quản lý cập nhật các dịch vụ thông tin (như các thư viện, cơ sở dữ liệu, các dịch vụ thống kê, các hệ thống chỉ số, các hệ thống liên lạc),

-     Thiết lập, quản lý và cập nhật các dịch vụ kỹ thuật (như đo lường, tiêu chuẩn hoá và kiểm định),

-     Thiết lập, quản lý và cập nhật hệ thống cấp phát, đăng ký và bảo vệ sở hữu trí tuệ,

-     Thiết lập, quản lý và bổ sung các cơ chế cho phép đảm bảo an ninh và bảo vệ sức khoẻ và môi trường,

-     Thiết lập và quản lý các cơ quan nghiên cứu quốc gia.

 Nguồn: Cục Công nghệ thông tin - Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Mặc dù có nhiều thành phần trong NIS, nhưng 4 thành phần sau được coi là quan trọng hàng đầu cốt lõi: Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động ĐMST (ĐMST sản phẩm, quy trình, công nghệ); Các trường đại học, các viện nghiên cứu và các hoạt động đào tạo có liên quan đến ĐMST; Các cơ quan chính phủ ra chính sách, tài trợ và thực hiện các hoạt động thúc đẩy ĐMST; Các tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu công nghiệp và các tổ chức trung gian ĐMST.

Về mối quan hệ giữa các thành phần trong NIS, chúng luôn gắn kết, hòa trộn với nhau và cùng có chung một mục tiêu là tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành, quốc gia. Ngoài ra, nó còn thể hiện sự hòa nhập, gắn kết giữa các năng lực NC&PT, ĐMST cả trong và ngoài nước. Có thể nói, khi nền kinh tế càng ngày càng dựa trên tri thức, người ta càng khó phân biệt ranh giới đâu là khoa học, đâu là công nghệ, và đâu là các quá trình sản xuất, đâu là tiềm lực KH&CN và đâu là tiềm lực sản xuất, tiềm lực kinh tế. Doanh nhân giờ đây phải đồng thời là nhà quản lý am hiểu về công nghệ, cạnh tranh, môi trường kinh doanh và văn hóa.

Trường đại học và các viện NC&PT chính là nơi sản sinh ra tri thức, làm nền tảng cho quá trình ĐMST; doanh nghiệp chính là nơi diễn ra và thực hiện quá trình thương mại hóa tri thức được sản sinh từ các trường đại học và các viện NC&PT, đóng vai trò trung tâm của quá trình ĐMST; Nhà nước cùng với hệ thống tài chính đóng vai trò điều phối, hỗ trợ và tạo lập môi trường thuận lợi cho quá trình sản sinh ra tri thức cũng như thương mại hoá tri thức thông qua hệ thống chính sách ĐMST.

Trong quá trình ĐMST công nghệ/sản phẩm, doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các thông tin sáng chế, hợp tác với các trường đại học, viện viện NC&PT để thực thi các ý tưởng viện NC&PT sản phẩm và dịch vụ. Đồng thời chính bản thân các trường đại học, viện nghiên cứu cũng thường xuyên hướng vào phục vụ các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, toàn bộ các hoạt động này sẽ được thực hiện trong một môi trường pháp lý hiện hành và sự điều tiết không thể thiếu của Nhà nước.

3. Những hàm ý nghiên cứu và chính sách

Các chủ thể của NIS là chính phủ, các doanh nghiệp, các trường đại học, các tổ chức khoa học và các cộng đồng dân cư liên kết chặt chẽ nhau, phối hợp nhịp nhàng cùng nhằm vào thúc đẩy việc tạo ra các tri thức mới, vận dụng tri thức vào thực tiễn, biến tri thức thành giá trị.

Trên cơ sở nhận thức về NIS, gợi mở hướng nghiên cứu về NIS ở một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới (đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), từ đó tham chiếu vào trường hợp Việt Nam để có phương pháp luận nghiên cứu lý thuyết, phân tích thực trạng và kiến nghị giải pháp khoa học, khả thi.

 Phúc Huy

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng sự sáng tạo và đổi mới đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - VASA-1, công cụ AI mới của Microsoft, có thể chuyển đổi ảnh chân dung thành video nói hoặc hát với âm thanh cho trước một cách chân thực.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Tối 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 (2022 - 2023).
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Công ty Weichai Power của Trung Quốc mới đây đã chính thức ra mắt động cơ diesel đầu tiên trên thế giới đạt được mức hiệu suất thân nhiệt lên tới 53,09%. Đây là thành tựu sau nhiều năm nghiên cứu từ đội ngũ sản xuất của công ty này.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Xây dựng các cánh đồng rau an toàn là giải pháp quan trọng để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người dân. Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển những cánh đồng rau an toàn.