SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Đồng bằng sông Hồng: Những 'điểm nghẽn' trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

10:38, 13/05/2023
(SHTT) - Đồng bằng sông Hồng được đánh giá là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên thực tế cho thấy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại đây vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Ngày 23/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 30 - NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đã xác định quan điểm phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Theo đó, đồng bằng Sông Hồng là một vùng kinh tế động lực chiếm khoảng 30% GDP cả nước, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm hơn 1/3, đứng đầu cả nước. Tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng Sông Hồng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước.

Một số địa phương trong vùng đã phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng của vùng và cả nước, nhưng nhìn chung tăng trưởng kinh tế của vùng còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, các địa phương phát triển không đồng đều.

dong bang song hong1

 

Tại Diễn đàn cấp cao "Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nam Định, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) tổ chức, TS Đàm Quang Thắng - Chủ tịch VSMA cũng cho rằng việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Hồng dù đã được quan tâm nhưng thực trạng triển khai vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Đặc biệt, các hoạt động khởi nghiệp vẫn mang tính hình thức, phong trào. Các dự án thiếu tính thực tiễn dẫn đến khi triển khai thực tế không đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khó phát triển.

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn lực để triển khai các hoạt động, các địa phương chưa mạnh dạn đưa ra những cơ chế hay sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thiếu sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc định hướng.

Ngoài ra việc liên kết, kết nối, hỗ trợ, hợp tác của các thành tố trong một hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương như: cố vấn, huấn luyện viên, chuyên gia và doanh nghiệp còn hết sức lỏng lẻo.

Cụ thể với địa phương, ông Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam băn khoăn, nguồn vốn cho chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tỉnh vẫn còn hạn hẹp. Đặc biệt, hiện chưa có cơ chế đủ hấp dẫn để hướng hoạt động khởi nghiệp sang những lĩnh vực có hàm lượng khoa học và công nghệ cao.

Các dự án, mô hình khởi nghiệp quy mô còn nhỏ, hàm lượng khoa học và công nghệ thấp (kể cả với sản phẩm OCOP). Tính liên kết, bền vững không cao. Với doanh nghiệp khởi nghiệp tính rủi ro cao, thiếu vốn, thiếu công nghệ, thị trường, khó cạnh tranh… Đây vẫn còn là điểm nghẽn trong hoạt động khởi nghiệp của tỉnh Hà Nam nói riêng cho đến nay.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng đánh giá bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các tỉnh, thành phố trong vùng nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều việc phải làm và cần làm quyết liệt, thực chất hơn nữa để thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương và cả vùng.

Hiện nay, sự quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ của một số địa phương còn hạn chế. Tỉ lệ chi cho khoa học công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của vùng. Chưa có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá được thương mại hóa. Chưa đề xuất và thực hiện được các nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng, việc liên kết hoạt động khoa học công nghệ giữa các địa phương trong vùng cũng như ngoại vùng chưa thực sự chặt chẽ…

Vì vậy để vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị sở KH&CN các tỉnh, thành phố trong vùng cần có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài đến làm việc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; có các giải pháp huy động nguồn vốn xã hội và nước ngoài gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ…

Bộ KH&CN cũng đề xuất phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu. 

Tăng cường đầu tư, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bảo đảm chi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Minh Vân

Tin khác

Tin tức 18 giờ trước
AI Day 2024 sẽ diễn ra tại The Adora Center (TP.HCM) với chủ đề “Ứng dụng AI - Chìa khóa kinh doanh bứt phá”. Đây là sự kiện giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận kiến thức, công cụ và ứng dụng AI để tối ưu chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất và tạo lợi thế cạnh tranh.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại Quảng Ninh, dự kiến từ ngày 4 đến 9/11/2024.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong quý I/2024, lĩnh vực quản lý nhà nước và báo chí truyền thông đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được dư luận xã hội quan tâm, ghi nhận.
Tin tức 19 giờ trước
(SHTT) - Gần đây, một giáo viên trung học ở Mỹ đã bị bắt vì sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả mạo giọng nói của hiệu trưởng, tạo ra nội dung phát ngôn xúc phạm học sinh và đồng nghiệp. Những phát ngôn này sau đó được lan truyền rộng rãi và gây ra phản ứng tiêu cực trong cộng đồng.
Tin tức 20 giờ trước
(SHTT) - Dự án “Những bức chân dung từ lụa vụn” ra đời nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng để cải thiện điều kiện lao động cho những “nghệ nhân” đặc biệt – những người đứng sau các tác phẩm tranh lụa đầy ấn tượng của Vụn Art.