Đảm bảo Luật Khám chữa bệnh thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước
Báo cáo tại hội nghị cho biết, để triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quan trọng nhằm bảo đảm Luật được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh được triển khai tích cực, hiệu quả. Trên cơ sở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành theo thẩm quyền các kế hoạch triển khai thi hành Luật, trong đó công tác xây dựng dự thảo Nghị định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện với lộ trình rõ ràng, thời hạn hoàn thành cụ thể để đảm bảo trình Chính phủ trước ngày 15/9/2023…
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, dự thảo Nghị định bao gồm 5 nhóm nội dung chính: Tổ chức cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hoạt động của người hành nghề; tổ chức cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (thiết bị y tế, huy động điều động, kinh phí, tự chủ, xã hội hoá, cơ chế tài chính trong trường hợp khẩn cấp); quy định về cấp giấy phép hành nghề trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết đối với vấn đề tự chủ trong chuyên môn và bộ máy tổ chức; lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi thay đổi khái niệm phân tuyến chuyên môn kỹ thuật bằng cấp chuyên môn kỹ thuật…
Đối với vấn đề trích lập và chi thu nhập tăng thêm sau khi xác định chênh lệch thu chi, theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị phân loại tự chủ nhóm 2 được trích lập và chi thu nhập tăng thêm tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất được cho phép trích lập và chi thu nhập tăng thêm 3 lần để đảm bảo khuyến khích, động viên các thầy thuốc, nhân viên y tế, giữ được nguồn nhân lực y tế công lập.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh thanh toán bảo hiểm y tế và dịch vụ khám chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế mà không phải là dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc xây dựng Dự thảo Nghị định là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Y tế chủ trì và phải bám sát các nội dung, chính sách được thể chế hoá trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Quyết định số 172/QĐ-TTg năm 2023 về ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương, cơ sở y tế, chuyên gia… nhằm xây dựng các chính sách toàn diện, đầy đủ để triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh sau khi có hiệu lực.
Đồng thời đề nghị Bộ Y tế xây dựng các tiêu chí rõ ràng, đánh giá kỹ tác động của quá trình chuyển tiếp từ quy định cũ sang quy định mới đối với mạng lưới cơ sở y tế; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý, nguồn lực… bảo đảm sự vận hành thông suốt, không để xảy ra xung đột, cản trở công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân.
Tuấn Anh
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Luật Dương Gia tư vấn pháp luật