SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Đà Nẵng nâng tầm thương hiệu thành phố môi trường: Đường xa có dễ đi?

11:17, 30/08/2022
Đà Nẵng định hướng nâng tầm thương hiệu thành phố môi trường giai đoạn mới xây dựng lộ trình gần 10 năm và hướng đến đô thị sinh thái sau 23 năm nữa.

Dấu ấn môi trường, "điểm cộng" cho Đà Nẵng

09c80c93db691e374778

TP Đà Nẵng nhận được nhiều giải thưởng về môi trường 

Đề án Đà Nẵng - thành phố môi trường giai đoạn I thực hiện năm 2008 đến nay đạt được bảng dài thành tích nổi bật là “điểm cộng” cho điểm đến du lịch. Trong 12 năm, Đà Nẵng liên tục được nhận 7 giải thưởng lớn về môi trường, trong đó ấn tượng các giải thưởng quốc tế: “thành phố bền vững về môi trường” năm 2011 (ASEAN); “Thành phố Carbon thấp” năm 2012 (APEC); “Thành phố Phong cảnh Châu Á” năm 2013; và giải thưởng “Thành phố Quản lý Môi trường thông minh” năm 2021.

Để nâng tầm thương hiệu và tiếp nối thành quả trên, Đà Nẵng xây dựng đề án giai đoạn II từ năm 2021 – 2030. Đến nay, chất lượng thành phần môi trường Đà Nẵng cơ bản ổn định giữ ở mức tốt. 

d52f67aecd4c0812515d

 Triển lãm đồ tái chế tại TP Đà Nẵng.

Những điểm nóng ô nhiễm được đặc biệt quan tâm giải quyết bằng cách nạo vét âu thuyền, xây dựng hệ thống xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 2; nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom rác sinh hoạt, rác trên tàu cá, mặt nước. Đà Nẵng lắp đặt 74 camera quản lý hành vi xả rác, nước thải tại khu vực âu thuyền và chợ cá Thọ Quang, xoá bỏ hơn 800 lồng bè và 43 chòi canh, nhà tạm nuôi trồng trái phép.

Cứ thứ bảy và chủ nhật đến hẹn lại lên, người dân tích cực với phong trào bảo vệ môi trường từ nhiều mô hình sáng tạo: thu mua rác đổi quà, chợ chia sẻ đồ cũ phường Nại Hiên Đông, CLB Phụ nữ với sản phẩm tái chế như thiết kế giỏ đi chợ, lọ hoa...

Chị Phan Thùy Dương (quận Hải Châu) gom đồ nhựa dùng một lần đến Trung tâm triển lãm TP Đà Nẵng đổi rác lấy quà và nhận lại một cây hoa đá. Chị Dương nói: “Chương trình nên duy trì bởi đồ không dùng tới của người này có khi người khác đang rất cần”.

fa9511a0b55a7004294b

 Đổi rác lấy quà tại Trung tâm triển lãm Đà Nẵng.

“Trong công cuộc bảo vệ môi trường, thông điệp lớn nhất là làm thay đổi cách nghĩ, nếp sống của người dân. Đó chính là thành công nhất của đề án thành phố môi trường trong những năm qua” – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết.

Dân "khát" công viên và thiếu trầm trọng cây xanh

Thương hiệu thành phố môi trường, thành phố đáng sống như "mỏ neo" thiện cảm trong tâm trí du khách. Tuy nhiên, Đà Nẵng chỉ mới hoàn thành 7/10 tiêu chí, đặt ra nhiều thách thức do kỳ vọng cao hướng tới đô thị sinh thái vào năm 2045.

UBND Đà Nẵng đưa ra kế hoạch đến năm 2025: tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt quy chuẩn sẽ là 95%; tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom đúng quy định đạt 100%, tỉ lệ hộ dân phân loại rác tại nguồn đạt 90%.

a61a90dd3427f179a836

 Không có nơi đặt thùng rác, rác bừa bãi vỉa hè tại Đà Nẵng.

Đi vào thực tế, triển khai mục tiêu đề án không hề dễ dàng. Bãi rác Khánh Sơn sắp quá tải đang là vấn đề nhức nhối. “Bãi rác đang cao lên như núi, đứng từ Khánh Sơn có thể nhìn thấy cảnh thành phố, chạy xe qua còn mùi hôi” - anh Nguyễn Đông chia sẻ.

Bên cạnh “đau đầu” xử lý rác, Đà Nẵng đối diện vấn đề các gốc cây, cột điện rất nhiều nơi trở thành chỗ chứa rác. Rác tấp đầy túi nhỏ túi to nham nhở trên vỉa hè đã bộc lộ hạn chế lớn của đơn vị dịch vụ thu gom và ý thức người dân. Đôi khi hàng xóm còn xích mích vì những lần “gửi” hộ rác cho gốc cây cạnh nhà.

69185ba68d5c4802114d

 Năng lực thu gom rác còn hạn chế.

“Bất cập ở chỗ, ai cũng có nhu cầu thải rác nhưng thiếu nhất của đô thị là không có chỗ đặt thùng rác. Rất lạ là đặt thùng rác chỗ nào cũng không ai chịu: Làm gì thì làm nhưng đừng đặt thùng rác trước cửa nhà tôi”, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng nói.  

ae3abfd9ed5c2802714d

 Gốc cây "ăn" rác bất đắc dĩ.

Ngày hè nóng bức mới thấy hết mảng khuyết lớn của thành phố, khi chỉ chú trọng phát triển ồ ạt dự án bất động sản nhưng thiếu quy hoạch xanh. “Thành phố ven biển mà buổi sáng mới 8 giờ trùm kín đã thấy nóng rát”, bà Đặng Thị Hương tỏ ra mệt mỏi khi dừng xe hỏi đường.

Người dân lao động trốn nắng ở gầm cầu ao ước hình thành công viên phía Đông Nam Đài tưởng niệm 2/9 quận Hải Châu. Công viên từng được quy hoạch trên giấy năm 2013 cạnh sông Hàn, sau đó bị điều chỉnh thành đất xây dựng. Anh Hoàng Trọng Nghĩa chạy xe ôm công nghệ, cho biết: “Nắng hoa mắt chóng mặt mà đứng dưới gầm cầu cũng không bớt nóng”.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - ông Trần Ngọc Chính cho rằng: “Sông Hàn đẹp nhưng không có đất làm công viên”. Đà Nẵng cần một công viên mang tính toàn cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố môi trường đúng nghĩa."

a7121651c1ab04f55dba

 Đà Nẵng vắng bóng công viên, thiếu cây xanh trầm trọng.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung năm 2020, Đà Nẵng có 287ha đất cây xanh các loại. Trong khi hiện Đà Nẵng chỉ có 3 công viên cấp đô thị, tổng 117,14ha dành cho hơn 1,1 triệu dân, gồm: Công viên 29/3, công viên Thanh Niên và công viên Châu Á (77,2ha lớn nhất nhưng do Sun Group đầu tư có bán vé).

“Tôi thừa nhận cây xanh đô thị Đà Nẵng theo tiêu chí đô thị loại I thiếu trầm trọng, dù chỉ tiêu đến năm 2030 tỷ lệ cây xanh công cộng ở đô thị đạt ít nhất 9m2/người dân. Bãi rác Khánh Sơn ứng dụng công nghệ xử lý rác chôn lấp hợp vệ sinh từ năm 2007 nay nhìn lại cũng không còn phù hợp vì lãng phí quỹ đất, không đảm bảo môi trường." ông Tô Văn Hùng nói.

Ông Hùng nói thêm: "Đà Nẵng cần quy hoạch lại phần đất dành cho công viên cây xanh. Khuyến cáo nhà đầu tư dành tỷ lệ cao hơn cho không gian xanh. Ngoài ra lựa chọn loại cây chống chịu được mưa bão. Ứng phó vấn đề sắp quá tải bãi rác Khánh Sơn bằng giải pháp tạm "nơi nới" hộc chôn rác. Trong lúc đợi kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 1000 tấn theo hình thức PPP còn nhiều khó khăn, thì vẫn buộc phải chôn lấp không còn cách nào khác".

784fc46b6091a5cffc80

 Hình ảnh chưa đẹp tại đường Điện Biên Phủ.

“Đà Nẵng nhiều tiềm năng phát triển thành phố môi trường với đặc thù có thể thu hút được sự quan tâm của trong nước và quốc tế, có nét đô thị đáng sống. Áp lực giờ đây là phải nỗ lực giải bài toán xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh theo đúng tiêu chuẩn”, PGS.TS Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam nhận định.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TVXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tin tức 17 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 17 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.