SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 23/04/2024
  • Click để copy

Yến sào Cù Lao Chàm: Hơn 400 năm gây dựng thương hiệu 'vàng trắng đảo xanh'

11:06, 24/08/2022
Yến sào Cù Lao Chàm – Hội An di sản thiên nhiên và văn hóa xứ Quảng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Lần theo cánh chim Yến, chúng tôi đi tìm lịch sử, danh tiếng để hiểu nguồn gốc của “vàng trắng đảo xanh”.

“Nghề này có từ lâu đời, có làng nghề, có tổ nghề, có bề dày lịch sử trên 400 năm”, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, ông Nguyễn Thế Hùng giới thiệu nội hàm văn hóa sản phẩm trứ danh đóng góp quan trọng cho kinh tế, giao thương rộng khắp đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Chiếc nôi 

Buổi sáng tháng 7, mùa yến trở về hang làm tổ, chúng tôi theo bóng mặt trời rót đều “mật nắng” lên Cù Lao Chàm, nơi cách đất liền 21 km tìm hiểu tổ nghề khai thác yến. Từ bến thủy nội địa, người dân ốc đảo xã Tân Hiệp nhiệt tình dẫn đường tìm về bãi Hương, theo hướng hòn Lao.

Lão ngư Trần Tư đang ngồi đan lưới miệt mài trước cửa ngôi miếu cổ đường Thanh Châu. Dù không đông đúc như khi lễ hội giỗ tổ, nhưng hôm nay là ngày 1 tháng 7 âm lịch, thi thoảng công nhân khai thác Yến ra đảo vẫn ghé vào thắp nhang.

eecbc1f35a10984ec101

Miếu được xếp hạng di tích Quốc gia từ năm 2006.

Tuần hương đốt dở còn thơm, lão ngư chia sẻ: “Miếu thờ tổ nghề yến này xây dựng hoàn chỉnh vào thế kỷ 19”. Ông Tư giọng nói trầm bổng như sóng Cù Lao vừa đi vừa kể thăng trầm miếu tổ nghề yến.

>>> Yến sào Cù Lao Chàm: Những 'ông bố nuôi’ của vạn con chim yến

Để thấy nghề yến đã có ảnh hưởng tới đời sống tinh thần cộng đồng xã đảo và người dân Hội An như thế nào, có thể quan sát phong tục thờ cúng và tính dân gian đậm đà còn để lại trên công trình chính của miếu, gồm 2 nếp nhà nối liên thông, mái lợp ngói âm dương.

Kiến trúc thấp, liên hoàn tạo nên không gian như hang động, đặc trưng không gian lao động của người khai thác yến. Ngoài bài vị của bậc tiền bối khai sáng nghề trên ban thờ, còn có các vị thần cai quản sông biển. Trên tường bia đá ghi công đức của các chư phái tộc hai họ Trần và họ Hồ cùng bài ca tụng vẻ núi non kỳ vĩ của Cù Lao Chàm.

d1d0dda24541871fde50

Lão ngư kể: “Dân Cù Lao Chàm nhắc đến ông Trần Tiến làm nghề câu như ông tổ nghề”. 

Ngừng lại, ông chỉ ra phía hang Tai, hang Yến, rồi tiếp: “Gặp gió to, sóng lớn vợ chồng ông Tiến bị dạt vào đảo. Vợ ông bị thương nặng, ngất xỉu vì đói lả, ông Tiến bèn rảo khắp đảo và gặp tổ chim Yến màu trắng, cẩn thận đút từng chút cho vợ ăn. Bà tỉnh lại, bèn hỏi: Tổ chim ở đâu? Ông mới chỉ lên trên núi nói ở trong hang, nhiều lắm”.

Hai vợ chồng ông Trần Tiến vào hang 7 ngày 7 đêm, chất đầy thuyền tổ yến. Khi về ngang xã, người dân thấy vậy thì cùng học và đến các hang… nhặt tổ yến”. Để tri ân ông Tiến và những người làm nghề khai thác Yến gặp nạn chết trên đảo, người dân đã lập miếu thờ. 

Ông Tư trầm ngâm: “Cũng có thể bởi làm cái nghề “rút tổ đổ trứng” dù biết là để mưu sinh nhưng cũng thường xuyên lui tới cho nhẹ lòng”. Nhìn lên phía trước miếu có 2 cây nánh và cây kén, cây nánh xanh rì còn cây kén có hoa màu tím li ti phủ bóng cao quá cổng mát rượi. 

19a76300f9e33bbd62f2 (1)

 Thân cây di sản to, vững chãi là nhân chứng ở đây gần 200 năm làm không gian thêm cổ kính, cho thấy miếu tổ đã có từ rất sớm.

Cụ bà Hồ Thị Thanh kể một câu chuyện khác đầy màu sắc huyền tích. Đó là truyền thuyết về nàng Yến. Nàng hóa thân trong một người con gái vì muốn cứu cha khỏi chết đói đã dùng nước miếng của mình làm thành món ăn, đó là tổ yến ngày nay.

Không biết “sự tích” nghề yến nào là thật. Hàng năm vào ngày 10/3 (âm lịch) cư dân và người làm nghề khai thác yến sào vẫn tổ chức cúng cỗ linh đình chuẩn bị cho vụ mùa mới. Lễ hành hương có sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân khai thác yến và kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến nghề yến trên khắp mọi miền.

Người Thanh Châu – Hội An sáng tạo nghề yến

Tư liệu Hán Nôm con cháu họ Trần và họ Hồ cũng như văn bia liên quan cho thấy hai tộc Trần và Hồ ở làng Thanh Châu giữ vai trò quan trọng trong nghề khai thác tổ chim yến.

Ngược về đất liền tìm làng Thanh Châu trong mục lục Châu Bản Triều Nguyễn - nơi có những người họ Trần được truyền lập đội yến năm Gia Long 4. Làng Thanh Châu nay đã chia tách thành ba làng Thanh Đông, Thanh Tây và Thanh Nam. Tên làng yến Thanh Châu khá khó tìm sau những lần tách và nhập làng.

0e6d989a3979fb27a268

Tên làng đổi, nhưng tập tục vẫn giữ. 

Ông Lê Văn Ni (sinh năm 1945), làng Thanh Đông là một trong số ít bô lão làng đang phụ trách việc cúng kính cho các miếu làng trong đó có miếu Ông Tiến.

Người chăm sóc miếu đạp xe qua con đường làng chỉ về khu miếu thờ gọi giản dị Ông Tiến tọa lạc trên khu đất nằm giữa đồng lúa hè thu thơm thơm mùi lá non. Như ông Tư đã kể, ông Trần Tiến đúng là người làng Thanh Châu có công phát hiện tổ chim yến và hình thành nghề khai thác yến sào.

Miếu Ông Tiến được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XIX là địa điểm tổ chức các lễ cúng liên quan đến hoạt động của nghề. Do bom đạn làm sụp đổ hoàn toàn, di tích mới được tu bổ phục, được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2011.

352fb1e9150ad7548e1b

Ông Ni bày tỏ niềm tin thờ tổ nghề khi cho là trước đây cũng có người mất, người tai nạn gãy tay chân vì khai thác Yến, từ khi ông trông coi miếu đến nay gần 14 năm con em theo nghề an toàn 

Bên cạnh người đã phát hiện tổ chim yến, hình thành nghề khai thác yến sào, người dân cũng rất tôn thờ người có công phát triển nghề khai thác yến trở nên chuyên nghiệp như hôm nay.

Tư liệu cổ còn lưu trữ cho biết ông Hồ Văn Hòa, người làng Thanh Châu, Hội An được xem như người có công lớn đối với nghề yến. Ông Hồ Văn Hòa cai quản yến tại các đảo ở Hội An, được triều Nguyễn sắc chỉ giao cai quản cả yến sào Bình Định và Khánh Hòa vào năm 1819, với chức vụ Đội trưởng đội Thị Vệ Cửa Đại kiêm quản Hộ yến Quảng Nam.

Chính vì lẽ đó, theo ông Tư: "Thường người đọc văn khấn mỗi dịp giỗ tổ nghề dân làng nơi đây tìm con cháu họ Hồ."

887330d19132536c0a23

Miếu Ông Tiến làng Thanh Châu (nay là làng Thanh Đông, Cẩm Thanh, TP Hội An).

Hướng tới phát triển du lịch từ tài sản trí tuệ gắn với địa danh

Tổ chim yến (yến sào) loại sản phẩm đứng đầu trong “bát trân ngự thiện” của vua chúa thời Nguyễn. Năm 1621, giáo sĩ Crisophoro Borri có bản tường trình đề cập tới nhiều đặc sản Hội An trong đó có yến sào. 

97e2798ca16f63313a7e

 Giáo sĩ miêu tả là thức ăn ngon, hiếm như manna do Thiên Chúa ban tặng được khai thác chất đầy trên 10 chiếc thuyền nhỏ ở dọc các hốc núi đá, trong khoảng chưa đầy nửa dặm.

Theo cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trước thế kỷ XII, người Trung Quốc đã biết đến giá trị của tổ chim yến và một số nước Đông Nam Á, trong đó cư dân Champa đã biết khai thác nguồn lợi này. Thực chất người Việt/cư dân làng Thanh Châu đã tiếp thu kinh nghiệm khai thác yến sào từ người Champa trên bước đường mở cõi về phương Nam.

Dưới thời các chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, việc khai thác tổ yến của cư dân làng Thanh Châu dần được tổ chức bài bản từ tự phát đến chuyên nghiệp, từ phạm vi hẹp tới cả miền Trung.

Người dân theo nghề khai thác yến đề cao tổ nghề, người phát hiện, khai sáng nghề giúp cho tiểu cộng đồng nâng cao đời sống, trường tồn với thời gian. Trải qua hơn 400 năm nghề khai thác yến sào, làng Thanh Châu con cháu đời này nối đời kia duy trì đã được ghi nhận là di sản phi vật thể quốc gia

Mỗi sản phẩm đặc trưng của vùng miền mang sứ mệnh như những đại sứ giới thiệu về văn hóa đặc sắc địa phương đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế, cần được phát huy và khai thác.

"Trước đây họ không cho khách lại gần hang mà chỉ nhìn từ xa thôi", anh Võ Tấn Phong, BQL và Khai thác Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An nói. Sau này, một số tour du lịch ngắm hang yến, thăm miếu cổ, dự lễ hội đã được tổ chức nhưng chưa hiệu quả. 

f73a65b3da50180e4141

 Vàng trắng đảo xanh

Lý giải về điều này lãnh đạo UBND TP Hội An cho rằng vì hoạt động vẫn đang còn mang tính thử nghiệm, người tổ chức tour là anh em trong Ban Quản lý và khai thác Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An nên chưa có kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng: “Riêng nội hàm văn hóa kết hợp giá trị tổ yến sào, nếu Hội An tìm phương pháp chế biến sâu vừa phải với túi tiền người tiêu dùng thì sẽ nâng giá trị sản phẩm lên rất nhiều. Bán câu chuyện cùng một chén chè, ly nước rất dễ thu hút du khách.

Kết hợp tour khám phá hang Yến phù hợp với những du khách biết về nghề Yến như khách Hàn Quốc, Trung Quốc, khi đó không chỉ dừng lại về tổ yến mà giá trị văn hóa về yến sẽ phát triển sinh kế, gắn với cộng đồng người khai thác yến và cộng đồng cư dân trên đảo lẫn đất liền”, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Ngày 23/4, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND tổ chức bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Theo đó, Thành phố sẽ tổ chức 7 trận địa bắn pháo hoa phục vụ công chúng.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời điểm ASEAN bước sang thập kỷ thứ sáu tồn tại và phát triển cũng là lúc chúng ta đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới sau khi hoàn thành việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Hiện nay, người dân Hà Nội và Thừa Thiên Huế có thể đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp ngay trên ứng dụng VNeID bằng cách thực hiện theo 7 bước dưới đây.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Ngày 23/4, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF 2024) với Chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm”.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) vừa phát đi văn bản cảnh báo gửi các Đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị hoạt động truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền về việc kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình.