Đà Nẵng chú trọng quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Hồ Kỳ Minh, công tác hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại TP Đà Nẵng trong quý III được triển khai tích cực. TP Đà Nẵng xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ.
Đặc biệt, Đà Nẵng cũng chú trọng hoạt động quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ thông qua việc tổ chức Hội thảo Khoa học “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - thúc đẩy đổi mới sáng tạo”; 2 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ; Hướng dẫn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và hướng dẫn về đăng ký sáng chế.
Ngoài ra, các hoạt động về sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, an toàn bức xạ, hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng được quan tâm. Tính đến tháng 10/2023, TP Đà Nẵng công nhận 22/79 sáng kiến có tác dụng, có sức ảnh hưởng; chấp nhận 15 hồ sơ có sáng kiến do Nhà nước đầu tư kinh phí.
Đà Nẵng cũng tiếp nhận, thẩm định và cấp mới 45 giấy phép tiến hành công việc bức xạ, 29 chứng chỉ nhân viên bức xạ và 19 giấy xác nhận khai báo thiết bị X- Quang chẩn đoán trong y tế.
Trong quý này, Đà Nẵng cũng đã phê duyệt Đề án mở rộng nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ; tiếp tục phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng. Tham mưu chương trình hành động về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Cũng tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng - Nguyễn Hà Nam - cho hay: "Kinh tế TP. Đà Nẵng quý III/2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Bên cạnh sự tăng trưởng ổn định của lĩnh vực du lịch là điểm sáng, phần lớn các ngành kinh tế có xu hướng giảm. Từ đó, tốc độ tăng trưởng chung của quý III và 9 tháng đầu năm cũng bị ảnh hưởng".
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 3/2023 ước tăng 2,2% so với cùng kỳ 2022. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 2,6%, công nghiệp – xây dựng tăng 0,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,7%; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,8%. Tính chung 9 tháng, GRDP của Đà Nẵng tăng 2,8% so với cùng kỳ 2022.
Cơ cấu kinh tế 9 tháng năm 2023 tiếp tục có sự dịch chuyển nhẹ giữa các khu vực so với cùng kỳ 2022 với khu vực dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn, chiếm 70%; công nghiệp – xây dựng giảm còn 18,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,81%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,3%.
Trong bức tranh chung, hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mang lại những tín hiệu khả quan, nhiều sự kiện, sản phẩm dịch vụ du lịch liên tục được tổ chức, hấp dẫn du khách đến với Đà Nẵng trong 9 tháng đầu năm 2023.
Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong 9 tháng ước đạt hơn 5,862 triệu lượt, tăng 134,88% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1,602 triệu lượt, tăng 269,63%; khách nội địa ước đạt 4,26 triệu lượt, tăng 105,62%. Doanh thu lưu trú, ăn uống lữ hành 9 tháng ước đạt hơn 21.123,2 tỷ đồng, tăng 49,7% so với cùng kỳ 2022; trong đó doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 11,351,1 tỷ đồng, tăng 84%.
Tại buổi họp báo này, các phóng viên còn đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những vấn đề còn tồn tại của Đà Nẵng như: ì ạch trong triển khai một số khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm – giai đoạn 2, KCN Hòa Ninh và KCN Hòa Nhơn; các đại đại dự án ngay tại trung tâm đô thị “đắp chiếu” gây lãng phí nguồn lực đất đai hay tình hình phát triển kinh tế đêm; tình hình ngập lụt đô thị, tình hình phát triển du lịch.
Những vấn đề được dư luận quan tâm chú ý thời gian qua cũng được các phóng viên đặt câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo các Sở và lãnh đạo thành phố như: tình trạng thấm dột tại các công trình nhà ở xã hội; nợ BHXH; nợ lương; các gói thầu về vật tư y tế; tình trạng thiếu thuốc ở một số bệnh viện; công trình xử lý rác thải; cân nhắc khi ra thông báo cho học sinh nghỉ học.
Đại diện các sở, ngành giải đáp những nội dung báo chí quan tâm. Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, dự kiến trong 3 tháng cuối năm, tình hình sản xuất sẽ tiếp tục khó khăn do chuỗi giá trị tiếp tục đứt gãy, số lượng đơn hàng mới tiếp tục giảm, thu nhập người dân giảm sẽ tác động nhiều đến các lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng, khả năng đạt các kế hoạch đề ra rất khó khăn.
Bảo Hòa
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Thủ tục Đăng ký bản quyền mới nhất