SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Đà Nẵng hướng dẫn theo dõi tình trạng mưa ngập qua Danang Smart City

10:34, 17/10/2023
Mưa lớn nhiều ngày khiến Đà Nẵng có hàng chục điểm ngập. Tuy vậy, rút kinh nghiệm năm trước, Đà Nẵng chủ động lên kịch bản và phát huy vai trò người dân phòng chống thiên tai. Trong đó, hướng dẫn người dân theo dõi mức ngập qua ứng dụng Danang Smart City là điểm mới giúp giảm thiểu thiệt hại.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Đà Nẵng, từ ngày 12 – 15/10, Đà Nẵng xảy ra mưa rất to. Những cơn mưa như vòi rồng, kéo dài liên tục trút nước với tổng lượng mưa phổ biến 700 – 900mm, riêng quận Sơn Trà 957.2mm, quận Thanh Khê 934.2mm, Hòa Vang 944mm.

Diễn biến ngập lụt tại Đà Nẵng

Khi xảy ra mưa lớn, trên địa bàn thành phố xảy ra các điểm ngập lụt, ngập cục bộ tại các tuyến đường, khu vực trũng thấp khoảng từ 30 -50 cm, có nơi ngập 100 - 150cm (khoảng 48/57 xã, phường bị ngập).

Cụ thể, quận Hải Châu: 12 phường có khu vực bị ngập, ngập sâu nhất tại đường Trưng Nữ Vương: Kiệt 634, Kiệt 640, Kiệt 654 khoảng 120 cm. Quận Thanh Khê có 10 phường có khu vực bị ngập, trong đó ngập nặng nhất tại khu vực Khe Cạn, Thanh Khê Tây với 100 cm -150 cm. Quận Sơn Trà có 6 phường có khu vực bị ngập. Ngập sâu nhất tại khu vực đường Lê Tấn Trung, các kiệt đường Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang khoảng 50 cm - 60cm.

Tại quận Ngũ Hành Sơn có 3 phường có khu vực bị ngập; quận Liên Chiểu có 6 phường ngập; quận Cẩm Lệ có 5 phường có khu vực bị ngập. Trong đó tại Cẩm Lệ, ngập lớn nhất ở tổ 22, khu vực mương Khe Cạn, có nơi ngập sâu hơn 1m; tuyến đường Yên Thế - Bắc Sơn và Tôn Đức Thắng, phường Hòa An nước sâu ngập khoảng 0,5-1m; đường Nguyễn Nhàn ngập hoàn toàn từ 0,5-1m. Các trục đường Tôn Đức Thắng, Bắc Sơn, Hòa An 8, Hòa An 9. Huyện Hòa Vang: 06 xã có khu vực bị ngập là các xã Hòa Khương: 08 thôn; Hòa Nhơn: 14 thôn; Hòa Phong:10 thôn; Hòa Sơn: 04; Hòa Bắc: 01 thôn; Hòa Tiến: 01 thôn.

d293fca5eccb3b9562da

 Mưa lớn gây ngập ở đường Nguyễn Nhàn, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.

Ngay khi mưa lớn xảy ra, Đà Nẵng đã kêu gọi 960 tàu cá trong đó có 427 tàu Đà Nẵng và 533 tàu ngoại tỉnh và ghe chèo, xuồng máy nhỏ neo đậu. Sơ tán 6835 người (tập trung 372 người, tại chỗ 6463 người).

Ước tính thiệt hại ban đầu: Ngập hơn 28 ha rau màu, cuốn trôi 2,73ha2 diện tích nuôi trồng thủy sản; hư hại 1 trại nấm, sạt lở tại Km905 đường đèo Hải Vân, Liên Chiểu.

Nhiều đoạn đường bị sạt lở: Sạt lở taluy đường ĐT 602 đoạn Km 7+00; Sạt lở trôi 1 cống thoát nước ngang qua đường bê tông 3,5m tại tuyến đường tổ 2 thôn An Sơn; Đất chài mặt đường tại một số tuyến đường: Đường lên các khu du lịch dịch vụ Sơn Trà (DRT); nút Lê Văn Lương, trụ CS18T1, đường Hoàng Sa cũ (cuối tuyến), trụ CS22T1, bảo tàng Đồng Đình, trụ CS68T2, trụ CS 62T2, trụ CS 52T2 - CS 55T2.

30f99771871f5041090e

 Nội thành Đà Nẵng ngập sâu khi có mưa lớn.

Ngoài ra, sạt lở các đường Lê Văn Lương (nút Lương Hữu Khánh); Đường Âu Cơ… Sạt lở taluy, đất chài mặt đường với khối lượng sạt lở khoảng 6m3 (khu vực resort Sơn Trà); Sạt lở ta luy kích thước (5x2)m tại CS 23T1; Đá rơi, đất tràn trên mặt đường tại vị trí CS 58T2 – 66T2. Đường ĐT.602 (Gần Suối Tiên): Sạt lở taluy dương, lấp mương dọc dài 15m, khối lượng sạt lở khoảng 15m3.

Ngoài ra, cầu kênh Nguyễn Xí: Sụt vỉa hè sát mó khối lượng khoảng 3,15m3 mố M1 bị sụt lún kích thước 2 x2 m; Đường Phùng Hưng: Sụt vỉa hè sát mố, khối lượng khoảng 10m2. Cầu Hoàng Sa: Sụt lún hàm ếch kích thước 2.1x2.7 m và 4.5x4.0 m; Cầu kênh Nguyễn Xí: Sụt lún kích thước 1,3x1,8 m; Cầu Trần Quang Khải: Trôi sụt tứ nón phía hạ lưu kích thước 2.5x4m…

Chủ động hơn trước thiên tai nhờ ứng dụng công nghệ

Nguyễn Đức Thảo Vy (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chia sẻ: “Người Đà Nẵng chắc sẽ không thể nào quên cảnh hàng trăm chiếc ô tô trôi ngang trôi dọc nằm nghiêng nằm ngửa giữa đường do mưa lớn, mưa nhiều, nước thoát không kịp, không thể trở tay. Đó là năm ngoái, lần đầu tiên tôi thấy đường Nguyễn Tất Thành vốn chưa ngập lần nào trong đời nay cũng ngập tới nửa thân người“.

5bb0db97bedf698130ce

 Thành đoàn Đà Nẵng đã chỉ đạo cho 56 đội hình thanh niên tình nguyện ứng phó với các tình huống mưa bão nhanh chóng ra quân khơi thông các cống thoát nước.

Đối với Vy, cơn mưa lớn năm ngoái là nỗi ám ảnh. Bởi lần đầu tiên, Vy chứng kiến người dân sống giữa thành phố Đà Nẵng có người phải lên nóc nhà kêu cứu. Lần đầu tiên, nước chảy xiết cuộn giữa đường nhựa, người ta phải ôm cả thân mình vào cây cột để khỏi bị trôi đi. Lần đầu tiên, các bài đăng kêu cứu được share khẩn trương ráo riết trong đêm, lực lượng cứu hộ phải di chuyển bằng ghe xuồng quanh thành phố. Lần đầu tiên, Đà Nẵng phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề như thế sau một trận mưa.

Trận ngập lớn năm 2022 mà Vy nhắc đến đã khiến 70.000 ngôi nhà ở thành phố đáng sống ngập trong nước. Lúc đó, khoảng 2.000 xe ô tô, 30.000 xe máy ngâm lụt, xe chết máy trên đường vì nước ngập nối dài. Đau xót hơn, có ba người tử vong trong biển nước mênh mông vì không kịp trở tay.

Tròn một năm sau vẫn là một cơn mưa lớn trút xuống khiến nhiều con đường nội thành trở thành đường sông, Quốc lộ 1 bị chia cắt do ngập sâu. Những điểm ngập lụt năm ngoái, lực lượng chức năng ứng trực 24/24 giờ đề phòng sự cố xảy ra.

06f57f3a9b724c2c1563

 Hỗ trợ người dân dọn nhà khi có ngập lụt.

Ông Nguyễn Thế Thành (Hàm Nghi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết: ‘‘Ngay khi thấy mưa lớn gia đình tôi đã di chuyển xe ô tô lên chỗ cao, đề phòng đường ngập sâu như năm 2022".

Dù đã chủ động trong việc cất xe lên chỗ cao nhưng khoảng 17 giờ 30, đến giờ đón con nhỏ đi học về, ông Thành đã không thể đi vì được ngập sâu. Đành phải để con nhỏ 3 tuổi ở lại trường với sự chăm sóc của cô giáo.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, đến nay chưa ghi nhận trường hợp thiệt hại về người. Lực lượng công an, quân đội vẫn tiếp tục túc trực 24/24 giờ tại các vị trí trọng điểm, xung yếu như khu vực Khe Cạn, đường Mẹ Suốt, đường Nguyễn Nhàn...

Năm nay tuy có nhiều điểm ngập ở khu vực đô thị, tuy nhiên thiệt hại phương tiện như ô tô, xe máy và các thiết bị điện tử rất ít so với năm ngoái. Điều này cho thấy sự chủ động trong ứng phó thiên tai đã giảm thiểu thiệt hại đáng kể cho người dân.

a8e3013df05b27057e4a

 Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp Đại học Đông Á sửa xe ngập lụt miễn phí.

Ông Lê Văn Tuyến - Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng - cho hay: Năm nay thành phố có sự chuẩn bị từ rất sớm. Trước mùa mưa lớn, Đà Nẵng đã mở đợt khơi thông cống rãnh toàn thành phố. Không chỉ các lực lượng chức năng, công ty thoát nước mà có sự vào cuộc của người dân.

Vai trò chủ động của người dân từ việc khơi thông miệng hố thu nước vốn nhiều năm bị che chắn, cập nhật tin tức, kê cao đồ... giúp người dân nâng cao ý thức, tăng sự nhạy cảm với các cảnh báo thiên tai.

Cùng với đó, Đà Nẵng cảnh báo sớm cho người dân trước một tuần để người dân nắm thông tin, chuẩn bị phương án ứng phó qua các kênh thông tin tuyên truyền, cảnh báo với tin nhắn, tổng đài 1022, các trang phòng chống lụt bão...

bc7348a2b9c46e9a37d5

 Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp Đại học Đông Á sửa xe ngập lụt miễn phí.

“Nhờ ứng dụng Danang Smart City tôi đã tìm được đường về nhà mà không ngập. Tôi ở gần chợ Phú Lộc, thường tôi đi làm về sẽ đi qua đường Trần Cao Vân nhưng thấy mưa lớn tôi đã chuyển hướng để theo dõi đường nào có thể tránh ngập và về nhà an toàn“,  bà Nguyễn Thị Tâm (Ngô Đức Kế, Q. Thanh Khê) nói.

Theo Sở Thông Tin và Truyền thông, trước đợt ngập lớn ngày 12/10, Sở đã ban hành văn bản về hướng dẫn sử dụng hệ thống theo dõi mưa, ngập trên địa bàn thành phố. Việc cập nhật, hoàn thiện hệ thống theo dõi mưa, ngập nước không chỉ giúp cho người dân thuận tiện đi lại, đảm bảo an toàn mà còn phục vụ công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo điều hành trong mùa mưa, bão, lũ với 2 phân hệ người dân và cán bộ quản trị.

f6aa0e0f3e61e93fb070

 Ứng dụng Danang Smart City tích hợp cảnh báo ngập nước, đo lượng mưa để người dân chủ động theo dõi, phòng chống thiên tai đồng thời quản trị rủi ro.

Qua phân hệ “Mức mưa, ngập nước” được tích hợp trên ứng dụng Danang Smart City người dân theo dõi lượng mưa tại 44 trạm đo mưa và khoảng 400 điểm ngập, đường ngập để chủ động di chuyển và ứng phó.

Ngoài ra, người dân có thể gửi mức ngập nước tại vị trí của mình lên ứng dụng để chia sẻ, cung cấp thông tin, yêu cầu cứu hộ khẩn cấp đến cơ quan chức năng và thông tin sơ tán nhà với khoảng 1000 địa điểm, các số điện thoại khẩn cấp. Phân hệ dành cho cán bộ quản trị để tiếp nhận yêu cầu cứu hộ khẩn cấp của người dân trên địa bàn và chủ động hỗ trợ, xem xét duyệt các dữ liệu ngập do người dân gửi lên.

Dù mới đưa vào sử dụng nhưng công dụng mới trên ứng dụng Danang Smart City rất hữu ích mà các địa phương khác tại miền Trung có thể tham khảo, thực hiện trong mùa mưa bão.

Bảo Hòa

Tin khác

Khoa học Công nghệ 10 giờ trước
(SHTT) - Ô tô điện Seagull của hãng BYD được biết sẽ sớm chào bán tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, mới đây, truyền thông Trung Quốc cho biết nhà sản xuất đã thông báo triệu hồi gần 17.000 phương tiện thuộc dòng xe này do dĩnh lỗi phần mềm.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Là sân chơi sáng tạo công nghệ kỹ thuật gắn bó với sinh viên trong hơn 20 năm, cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam - Robocon Việt Nam 2024 đã chính thức khởi tranh.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ đang đầu tư, hợp tác cụ thể tại Việt Nam ở ngành bán dẫn.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những bước đi của chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn là xây dựng để Việt Nam trở thành trung tâm (hub) nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, từ đó tiến tới xây dựng nền công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Theo tờ Interesting Engineering hôm 2/5 đưa tin, nhóm các công ty Nhật Bản đã mở đường cho kỷ nguyên 6G. Trong thử nghiệm gần đây, họ đã truyền siêu nhanh 100 gigabit mỗi giây (Gbps) ở tần số 100 GHz và 300 GHz qua khoảng cách 100 m.