Đà Nẵng: Hướng dẫn doanh nghiệp làm tài sản trí tuệ vô hình trở nên hữu hình
Sự kiện được sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, thu hút khoảng 70 doanh nghiệp, chủ yếu là thành viên Cộng đồng kết nối kinh doanh BNC.
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, Phụ Trách Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Văn phòng 3) – bà Nguyễn Thị Thúy - cho biết: “Việc nắm chắc các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất là vấn đề vô cùng cần thiết đối với mọi doanh nghiệp”.
Từ thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa nhận thức một cách đầy đủ giá trị cũng như tiềm năng to lớn của sở hữu trí tuệ trong việc tạo ra những lợi ích kinh tế và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
“Bảo hộ sở hữu trí tuệ làm cho các tài sản vô hình trở nên hữu hình bằng cách biến các tài sản đó thành tài sản độc quyền có giá trị và có thể trao đổi thương mại trên thị trường”, bà Thúy nhấn mạnh.
Khóa tập huấn giới thiệu đến các doanh nghiệp về chương trình Thương hiệu quốc gia, tiêu chí tham gia Chương trình và các hoạt động xúc tiến, phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp do ông Nguyễn Tuấn Tú, Cục Xúc tiến Thương mại trình bày.
Chủ đề giúp doanh nghiệp nắm rõ chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu mạnh. Qua đó, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong số các tài sản trí tuệ thì "thương hiệu" là một loại tài sản đặc biệt quan trọng gắn liền với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu luôn được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Chuyên đề Sở hữu trí tuệ và sự phát triển của doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Thúy - Phụ trách Văn phòng 3 - trực tiếp trình bày, giới thiệu. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Đức - chuyên viên của Văn phòng 3 - cũng hướng dẫn, giới thiệu về việc bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp và thực thi quyền sở hữu công nghiệp.
“Giống như tài sản hữu hình, tài sản trí tuệ phải được tạo lập, quản lý và kiểm soát một cách chặt chẽ để có thể khai thác giá trị của chúng một cách đầy đủ. Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc này thì doanh nghiệp phải nhận thức được một cách đầy đủ tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và coi đó là một tài sản kinh doanh có giá trị”, bà Thúy cho hay.
Ông Lê Duy Lương - Phó Trưởng VPĐD Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo khu vực miền Trung, đơn vị bảo trợ truyền thông cho sự kiện - chia sẻ: “Sở hữu trí tuệ là lĩnh vực rất đặc thù, những năm qua, Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo tham gia nhiều tin, bài liên quan đến bảo vệ tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp. Trước đây, nhiều người nghĩ tài sản trí tuệ chiếm tỉ trọng vừa phải trong giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có tài sản trí tuệ chiếm đến 95 – 96% giá trị doanh nghiệp.
Trong thời gian vừa rồi, Tạp chí cũng tiếp nhận thông tin từ nhiều doanh nghiệp “cóc mò cò xơi”, nghĩa là mất hàng chục năm để xây dựng thương hiệu nhưng không đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, đến lúc mất rồi thì không biết làm sao lấy lại”, ông Lê Duy Lương nói.
Sở hữu trí tuệ tạo ra thu nhập trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua thương mại hóa, chuyển giao, chuyển nhượng quyền; sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn có lợi thế hơn, giúp nâng cao thị phần và biên độ lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ cũng giúp khẳng định vị thế, giá trị của doanh nghiệp trong mắt của các nhà đầu tư hoặc các tổ chức tài chính. Trong nhiều trường hợp, tài sản trí tuệ chính là tài sản quan trọng và có giá trị nhất trong khối tài sản - bao gồm cả tài sản hữu hình (nhà xưởng, máy móc, thiết bị, cơ sở hạ tầng...) của doanh nghiệp.
Học viên Võ Thị Kim Quy – Công Ty Kỷ Nguyên Số - cho biết bản thân là chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ thông tin đã có thương hiệu tại Đà Nẵng.
“Trước đây, tôi chưa quan tâm nhiều đến sở hữu trí tuệ, gần đây khi thấy có những nhãn hiệu na ná xuất hiện tôi mới để ý. Qua sự giới thiệu của Cộng đồng kết nối kinh doanh BNC, tôi biết đến khóa tập huấn này và đăng ký tham gia, thấy có rất nhiều kiến thức hữu ích giúp bảo vệ tài sản trí tuệ”, bà Quy bày tỏ.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 với mục tiêu truyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ đặc biệt liên quan tới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở trong nước và nước ngoài cho các doanh nghiệp có nhu cầu và tiềm năng tham gia.
Bảo Hòa