SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Cuộc chạy đua giữa báo chí và mạng xã hội trên ‘xa lộ’ thông tin

16:41, 19/06/2022
Báo chí đang dần mất đi vị trí độc tôn về thông tin khi công nghệ 4.0 phát triển, kéo theo sự bùng nổ của mạng xã hội. Nhất là khi báo chí ngày càng bị bó hẹp trong phạm vi tôn chỉ mục đích, thì mạng xã hội đang chứng minh được sự vượt trội của mình.

Cuộc đua không ngừng nghỉ 

Với sự phát triển mạnh mẽ công nghệ 4.0, mạng xã hội (MXH) đang tạo nên một “cuộc cách mạng” và ít nhiều làm thỏa mãn nhu cầu thông tin của người dùng.

Thực tế, MXH hiện nay có nhiều tính năng mới, thậm chí vượt trội so với báo chí về độ nhanh nhạy. Do đó MXH đang là một kênh tin tức được đông đảo công chúng quan tâm lựa chọn. Ở không gian MXH, mỗi chủ tài khoản có thể trở thành một “nhà báo online” bằng cách tự đưa tin, hay chia sẻ với bạn bè về những xu hướng tin tức trên MXH. 

Điển hình, trong khi phóng viên phải khai thác thông tin, chụp hình, viết tin, gửi về tòa soạn, qua khâu biên tập rồi mới có thể đăng tải hay phát sóng… thì người dùng MXH có thể phát trực tiếp trên Facebook, TikTok, Instagram,... để người dùng khác cùng theo dõi. Ngay lập tức, thông tin được chia sẻ trên trang cá nhân, hội nhóm với tốc độ chóng mặt.

Chính sự nhanh nhạy này đã khiến người đọc thường theo dõi thông tin trên MXh, thay vì đọc báo như trước đây. Bên cạnh đó, nhiều trang cá nhân, hội nhóm chuyên môn được tạo ra trên, trong đó có những nguồn tin phong phú, giúp người làm báo có các góc nhìn khác nhau.

Từ đó, sản sinh ra một bộ phận không nhỏ đội ngũ làm báo tận dụng, khai thác thông tin ngay trên MXH thay vì ra tận hiện trường tác nghiệp. Đã có nhiều tai nạn nghề nghiệp xảy ra khi người làm báo dùng nguồn tin trên MXH, nhưng không kiểm chứng thông tin. 

Báo chí có nên “chung sống hòa bình” với MXH?

Sự xuất hiện của MXH khiến báo chí chính thống dần mất đi vị trí độc tôn về thông tin, thế nhưng cũng là động lực khiến các cơ quan báo chí bắt buộc phải thay đổi để tồn tại.

Hiện nay, đa số các cơ quan báo chí đều có những chuyển biến tích cực về nội dung, hình thức, nhằm tạo ra lợi thế và sức mạnh riêng để có thể phát triển. 

Việc tận dụng tốt các nền tảng MXH để xây dựng các trang Facebook, TikTok, YouTube,... là cơ sở giúp nhiều cơ quan báo chí đến gần hơn và thỏa mãn nhu cầu thông tin của công chúng. Bên cạnh đó, các kênh MXH này cũng giúp các cơ quan báo chí thu được không ít nguồn thu.

2 (2)

Báo chí và MXH nên và phải đồng hành, hợp lực cùng nhau để cùng phát triển.

Điển hình, Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital) - một đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam hiện đã tổ chức hệ thống social media khá mạnh.

Cụ thể gồm 3 fanpage trên Facebook: Trung tâm Tin tức VTV24 hiện có hơn 6,1 triệu người theo dõi; VTV24 Money có hơn 1,5 triệu người theo dõi; và Kết nối miền Tây có gần 1,2 triệu người theo dõi.

Ngoài ra, VTV Digital cũng khai thác các nền tảng phổ biến khác như YouTube, Zalo, Instagram và TikTok.

Báo Thanh Niên cũng là cơ quan báo chí rất mạnh việc khai thác mạng xã hội, như trang Facebook của báo có hơn 2,1 triệu người theo dõi; bốn kênh YouTube gồm báo Thanh Niên có hơn 4,36 triệu người đăng ký, ihay TV có hơn 970 nghìn người đăng ký, NGON TV có hơn 210 nghìn người đăng ký và Thể Thao 360 thu hút gần 340 nghìn người đăng ký.

Như vậy, trong hệ sinh thái truyền thông xã hội hiện đại, sự tương tác giữa các loại hình, phương tiện truyền thông là không thể tránh khỏi. Báo chí và MXH đang dần đồng hành, hợp lực cùng nhau để cùng phát triển.

Tuy nhiên, dù tận dụng MXH để truyền tải thông tin nhanh chóng, thỏa mãn nhu cầu tiếp cận thông tin tức thời của độc giả, thì báo chí vẫn phải cho độc giả thấy rõ giá trị cốt lõi, tính chính thống, đáng tin cậy của mình để sống chung với MXH trong tình hình mới.

Thách thức quản lý thông tin

So với MXH, báo chí có tính chính danh khi là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội. Thế nhưng, thực tiễn cho thấy, thông tin chính thống thường chậm trễ, đi sau thông tin trên MXH. Thông tin chưa qua kiểm duyệt đã phát tán mang lại nhiều nguy cơ, thậm chí có thể tiếp tay cho những đối tượng xấu. Điều này đang thách thức các cơ chức năng, mà trước hết là hệ thống tuyên giáo và quản lý truyền thông.

1 (2)

 Vấn nạn lan truyền tin giả trên MXH diễn ra phức tạp thời gian qua.

Hiện nay, có nhiều quy định sử dụng MXH như: Nghị định 72/2013/NĐ - CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng; Thông tư số 09/2014/TT - BTTTT, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và MXH; Nghị định 15/2020/NĐ - CP do Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Đặc biệt là Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua năm 2018.

Theo đó, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” với mức phạt tù lên đến 3 năm tù.

Ngoài ra, đầu năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam trực thuộc Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử. Như vậy có thể thấy, các cơ quan chức năng rất quan tâm đến việc ngăn cản vấn nạn tin giả lan truyền trên nền tảng internet.

Bên cạnh đó, để phản bác những thông tin sai sự thật, biện pháp hữu hiệu nhất là cơ quan chức năng phải thường xuyên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên các cơ quan báo chí.

Đồng thời, người làm báo dù sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tiếp cận, tìm kiếm, kiểm tra thông tin, lan truyền bài viết,... nhưng cũng cần thanh lọc, kiểm duyệt thông tin để đưa ra nguồn tin chính xác, thay vì chỉ là những tin đồn trên MXH.

Cơ quan báo chí và quản lý báo chí cũng cần tập trung nâng cao nghiệp vụ của người làm báo trong môi trường số, xác định rõ đối tượng bạn đọc, công chúng; nâng cao vai trò định hướng thông tin, chủ động phản bác thông tin xấu độc trên mạng, góp phần khắc phục những mặt trái của mạng xã hội và “vun đắp” niềm tin cho độc giả.

Tân Nguyên - Thanh Thảo

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…
Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Hội Hóa học Việt Nam, cả 10 học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58, năm 2024 đều đạt giải với 1 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc và 4 huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp hạng 3 toàn đoàn.
Tin tức 20 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 20 giờ trước
Lần đầu tiên, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế phối hợp Đại học Phú Xuân, Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức buổi Lễ chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TVXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.