SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 17/03/2024
  • Click để copy

Nâng cao quyền sở hữu đối với tác phẩm báo chí

07:31, 26/06/2022
(SHTT) - Khi báo chí đang ngày càng phát triển hiện đại hơn thì những người công tác trong lĩnh vực báo chí cũng cần được bảo vệ và nâng cao quyền lợi, quyền sở hữu đối với tác phẩm, tài sản trí tuệ do chính mình tạo ra.

Tác phẩm báo chí và quyền sở hữu trí tuệ

Gray, nữ phóng viên cấp cao, và Fallon, phóng viên mảng văn hóa, là hai nhà báo đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc cho tờ HuffPost. Trong quá trình đó, cả hai đã cùng nhau xây dựng thành công chương trình podcast nổi tiếng (một chương trình radio gồm nhiều tập được xuất bản liên tục, định kỳ) mang tên “Here to make friend” thu hút lượng lớn khán giả Mỹ và đem lại khoản thu đáng kể cho HuffPost.

Họ rất đam mê với công việc của mình và mong muốn được gắn bó, cống hiến lâu dài cho chương trình. Nhưng đầu năm 2021, chưa đầy một tháng sau khi BuzzFeed mua lại HuffPost, 47 nhân viên bao gồm Gray, Fallon và các nhà sản xuất Nick Offenberg và Sara Patterson nhận thông báo bị sa thải.

Đột nhiên bị mất thu nhập trong khi còn rất nhiều các khoản chi phí phải chi trả, Fallon, khi đó mới lập gia đình và sinh con, còn Gray có một khoản nợ mua nhà thế chấp, đã tạo ra cú sốc và áp lực cho cả hai.

Điều đáng nói là sau khi nghỉ việc họ đã không nhận được bất cứ khoản bồi thường, hỗ trợ nào liên quan đến chương trình podcast mà họ đã dày công xây dựng, cống hiến trong hơn sáu năm. 

Theo hợp đồng lao động ký với HuffPost, toàn bộ tài sản trí tuệ của chương trình podcast nổi tiếng “Here to make friend” bao gồm: ý tưởng, tiêu đề, thương hiệu… hoàn toàn là tài sản thuộc quyền sở hữu của HuffPost và hiện là BuzzFeed. Để tiếp tục với nghề và có thêm thu nhập, cặp đôi này đã cố gắng tạo ra một chương trình mới liên quan kết nối với những người hâm mộ trong khi vẫn đảm bảo không vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ với chương trình “Here to make friend”.

Chia sẻ về sự chia tay bất ngờ này, Gray nói: “Thật buồn khi phải chia tay với ‘đứa con’ do chính mình tạo ra, về cơ bản chúng tôi đã không kiếm được nhiều tiền từ chương trình khi còn đang hoạt động, mặc dù đơn vị sở hữu đã thu được món lợi lớn”.

Trên thực tế, những gì xảy ra với Gray và Fallon không phải là hiếm, thậm chí nó còn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết công việc trong ngành truyền thông chỉ là được thuê thụ động, điều này đồng nghĩa với việc bất cứ sản phẩm nào được người lao động tạo ra khi đang làm việc đều tự động thuộc sở hữu của người sử dụng lao động. 

Nhưng khi công việc trong lĩnh vực truyền thông trở nên “bấp bênh” hơn, thì những người làm công tác truyền thông, báo chí đang ngày càng tìm cách tạo ra sự đảm bảo ổn định cho chính mình bằng hình thức sở hữu tài sản trí tuệ mà họ phát triển.

Gray cho biết cô và Fallon chưa bao giờ thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ với HuffPost khi họ tạo podcast. Fallen nói: “Chúng tôi chưa từng coi đây là công cụ kiếm tiền, nó đơn giản giống như một món quà và cơ hội để được tham gia và cống hiến hết mình”. Vì vậy, ngay sau khi phải dừng công việc, điều họ quan tâm và mong muốn nhất là được tiếp tục duy trì chương trình một cách độc lập.

Tuy nhiên, điều khó khăn là trên thực tế, BuzzFeed rất nghiêm ngặt trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với những tài sản trí tuệ họ sở hữu, điều đó khiến cho việc cung cấp podcast cho các đơn vị khác là không thể. 

Năm 2017, đơn vị này đã từ chối thỏa thuận với Heben Nigatu và Tracy Clayton, những người dẫn chương trình podcast nổi tiếng “Another Round”. Khi BuzzFeed hủy podcast và sa thải nhóm xây dựng podcast trên, họ đã từ chối chuyển giao quyền sở hữu hoàn toàn mà thay vào đó đề xuất một thỏa thuận để họ có thể cấp phép từng phần quyền sở hữu liên quan.

Gray chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có cách để giúp chúng tôi được cấp phép cho chương trình của riêng mình, nhưng như vậy có thể mất nhiều năm để giải quyết và trong thời gian chờ đợi, họ sẽ không cung cấp bất kỳ chương trình nào cho chúng tôi”.

Cuối cùng, để tìm ra giải pháp tốt nhất cả Gray và Fallon đều nhận ra rằng họ cần phải lựa chọn giữa hai nhóm tài sản sở hữ trí tuệ chính liên quan đến chương trình Podcast “Here to make friend” đó là nhóm “tiêu đề, thương hiệu và định dạng format” của chương trình và nhóm thứ hai là “nội dung dữ liệu” chương trình podcast. Họ quyết định ưu tiên nội dung dữ liệu vì nó sẽ cho phép họ tạo ra một chương trình mới trong khi vẫn giữ chân được phần lớn khán giả mà họ đã có được trong sáu năm qua.

Gray nói: “Chúng tôi thật sự yêu mến và muốn gắn bó lâu dài với thương hiệu “Here to make friend” nhưng chúng tôi hiểu rằng điều có giá trị và cần phải ưu tiên là nội dung dữ liệu nơi lưu trữ tất cả các tập Podcast đã được tạo ra và đó cũng là những điều để lại dấu ấn trong lòng khán giả về chương trình”.

Cả hai sau đó đã ký kết hợp tác với Stitcher, công ty này đã trả tiền để mua nội dung dữ liệu từ BuzzFeed và hoàn nguyên quyền sở hữu cho Gray và Fallon. Chương trình được đổi tên thành “Love to See It with Emma and Claire”, đồng thời đăng ký quyền sở hữu toàn bộ bản quyền chương trình. Giờ đây, Gray và Fallon đã có thể chủ động kiếm được thu nhập cao từ chính công sức và trí tuệ do mình tạo ra.

82fea8fa-e37b-494e-9866-fb40e695a349--1866209880._SX576_SY576_BL0_QL100__UXNaN_FMjpg_QL85_

 

Nâng cao quyền sở hữu cho người làm báo

Sau những khó khăn vất vả và bước đầu thành công, Gray chia sẻ: “Tôi sẽ không bắt đầu hợp tác với bất kỳ đơn vị nào mà không đưa ra một kế hoạch rõ ràng và không có quy định rằng tôi có một phần quyền sở hữu hoặc cách thức để được sở hữu đối với những tài sản trí tuệ do công sức mình tạo ra. Thực sự là một điều bất công khi một thương hiệu được xây dựng từ chính những điều xảy ra xung quanh bạn, tính cách và ý tưởng của bạn, sau đó bạn bị sa thải không báo trước và không có quyền sở hữu đối với thứ mà chính mình tạo ra”.

Đây cũng là một phần trong cách hoạt động của báo chí trên thế giới từ trước tới nay. Thông thường, một cơ quan báo chí sẽ thuê và chi trả lương cho nhà báo thông qua số tiền thu được từ doanh thu quảng cáo và số người đăng ký trả tiền để đọc báo. 

Các nhà báo sáng tác tạo ra bài viết, tin tức và những sản phẩm này trở thành tài sản trí tuệ của tổ chức báo chí nơi trả lương cho họ. Tuy nhiên, doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số không đủ mạnh để duy trì hoạt động kinh doanh truyền thông mạnh mẽ, vì vậy các cơ quan báo chí buộc phải khám phá và thử nghiệm nhiều hình thức tạo thu nhập khác như: tổ chức sự kiện trực tiếp, đăng ký thành viên, podcast, hợp tác chia sẻ nội dung với các công ty mạng xã hội lớn như Facebook và Twitter, cũng như cấp phép sở hữu trí tuệ… Những thử nghiệm này thường dẫn đến các chu kỳ tuyển dụng và sa thải hàng loạt khi các cơ quan báo chí tìm cách đảm bảo lợi nhuận và duy trì hoạt động.

Đối với những người làm trong lĩnh vực báo chí, điều đó có nghĩa là bất kỳ tác phẩm nào họ tạo ra phải bị bỏ lại khi sức lao động của họ được coi là dư thừa hoặc không cần thiết cho sứ mệnh tạo ra lợi nhuận của cơ quan báo chí.

Nếu bỏ qua những mặt tiêu cực mang tính thời điểm, việc bị BuzzFeed cắt bỏ chương trình Podcast đã tạo động lực cho Gray và Fallon tái nhập vào một nền kinh tế truyền thông hoàn toàn khác so với những gì họ đã tham gia trước đây, khi làm việc tại HuffPost. Giờ đây Gray và Fallon đã gia nhập hàng ngũ “những nhà báo có ảnh hưởng”, những người đã xây dựng thương hiệu của riêng họ và hiện kiếm tiền từ chúng một cách độc lập. 

Những điều này cho thấy một thực tế cần thiết là trong một ngành có rất ít sự ổn định như truyền thông, báo chí, các nhà báo phải được sở hữu tác phẩm mà họ đã tạo nên danh tiếng cho mình. Khi họ không thể chủ động được việc làm, cơ hội của mình trong tương lai, họ cần phải tìm ra các yếu tố tạo nên sự ổn định cho chính mình và những cuộc thảo luận về quyền lợi, quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm cần được quan tâm, chú ý hơn.

Nhiều cơ quan, hiệp hội, tổ chức đang đàm phán để có các lựa chọn quyền sở hữu lớn trí tuệ có lợi hơn cho phóng viên của mình. Lowell Peterson, giám đốc điều hành Hiệp hội Nhà văn Hoa Kỳ WGA cho biết: WGA ủng hộ ba biện pháp bảo vệ chính thông qua thương lượng.

Thoi-gian-dang-ky-bao-ho-nhan-hieu-mat-bao-lau-1

 

Đầu tiên là sự mở rộng quyền sở hữu trí tuệ. Theo thực tế hiện nay, một số cơ quan báo chí cho rằng mọi tác phẩm phóng viên tạo ra khi đang làm việc đều thuộc sở hữu của cơ quan đó. Chính vì vậy cần thương lượng với các tổ chức để mở rộng quyền sở hữu trí tuệ về các tác phẩm báo chí cho phóng viên, nhà báo tạo ra tác phẩm.

Biện pháp bảo vệ thứ hai là dành cho các nhà báo quyền tạo ra các tác phẩm mới dựa trên tác phẩm trước đó của họ. Ví dụ, nếu họ muốn viết một cuốn sách về chủ đề tương tự mà họ đã viết trước đây, họ hoàn toàn có thể đàm phán và nhận được quyền sở hữu đối với tác phẩm mới tạo ra.

Biện pháp bảo vệ thứ ba dành cho các nhà báo làm việc trong các dự án mà cơ quan chủ quản có thể muốn chuyển tác phẩm gốc sang các dạng sản phẩm mới như chương trình truyền hình, phim hoặc sách. Điều này giúp đảm bảo cho tác giả, những người đã tạo ra tác phẩm gốc nhận được quyền lợi về tài chính thông qua doanh thu có được từ tác phẩm mới tạo ra.

Đây là những yêu cầu cần được thực hiện thông qua thương lượng tập thể và đảm bảo sự thống nhất cao, giúp đảm bảo quyền lợi, quyền sở hữu trí tuệ cho người làm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí.

 Thái Dương – Trần Lê

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện một hộ kinh doanh trên địa bàn có hành vi bán sản phẩm kính mắt giả với tổng giá trị hàng hóa lên tới hơn 50 triệu đồng. Dự kiến doanh nghiệp sẽ bị phạt hành chính ở mức trên 90 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) vừa phối hợp các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Microsoft đã đồng ý giải quyết vụ kiện vi phạm bằng sáng chế với Viện Công nghệ California (Caltech) liên quan đến công nghệ Wi-fi. Cả hai bên đi đến thỏa thuận sau khi Caltech giành chiến thắng trong một vụ kiện triệu đô đối với Apple và Broadcom vào năm 2020.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Nvidia, một công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo, đã bị ba tác giả kiện về việc sử dụng các sách có bản quyền của họ mà không xin phép. Nvidia sử dụng các tác phẩm này để huấn luyện nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) NeMo., nhưng sau đó bị gỡ bỏ do vi phạm quyền SHTT.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả dịp trước, trong và sau tết nguyên đán Giáp thìn 2024, Đội QLTT số 8, Cục QLTT tỉnh Hà Giang tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử phạt một cơ sở sử dụng nguyên liệu quá hạn sử dụng để sản xuất, chế biến bánh mì.