SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

Công ty Kim Oanh không đủ “tư cách” làm chủ đầu tư dự án khu dân cư Hòa Lân

16:23, 10/12/2019
Đến thời điểm hiện nay, Công ty Thiên Phú vẫn là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Hòa Lân. Mọi hành vi của Công ty Kim Oanh nhân danh chủ đầu tư Khu dân cư Hòa Lân là không đúng quy định pháp luật.
cong ty kim oanh

Dự án ngàn tỷ đang lình xình trong giới bất động sản. 

Trục lợi trên “công sức” của người khác?

Đó là khẳng định của đại diện Công ty Thiên Phú trong đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng về những lùm xùm quanh dự án khu dân cư Hòa Lân (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) giữa Thiên Phú với Công ty Kim Oanh và một số đơn vị liên quan.

Công ty Thiên Phú cũng khuyến cáo khách hàng cảnh giác khi giao dịch với Công ty Kim Oanh tại dự án Khu dân cư Hòa Lân.

Việc Công ty Kim Oanh chưa phải là chủ đầu tư không chỉ được Công ty Thiên Phú khẳng định, mà ngay cả Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng đã có văn bản khẳng định rõ việc này. Theo đó, tại Văn bản số 2300/SXD-QLN hồi giữa năm 2019 gửi TAND quận 7, TP Hồ Chí Minh để cung cấp thông tin về dự án Khu dân cư Hòa Lân theo yêu cầu của tòa án, Sở Xây dựng Bình Dương khẳng định: “UBND tỉnh Bình Dương có nhận được hồ sơ xin chuyển đổi chủ đầu tư dự án Khu dân cư Hòa Lân từ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú sang Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Bình Dương khẳng định, UBND tỉnh Bình Dương chưa chấp thuận cho chuyển đổi chủ đầu tư dự án Khu dân cư Hòa Lân…”.

Theo lý giải của Sở Xây dựng Bình Dương, do Công ty Kim Oanh chưa thanh toán hết số tiền trúng đấu giá và chưa được bàn giao tài sản bán đấu giá nên chưa đủ cơ sở pháp lý để xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương công nhận Công ty Kim Oanh là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Hòa Lân.

Đại diện Công ty Thiên Phú cho biết, Thiên Phú là chủ đầu tư 3 dự án bất động sản, gồm Khu dân cư Mỹ Phước 4, Khu dân cư Cầu Đò và Khu dân cư Hòa Lân. Do khó khăn về tài chính nên Công ty Thiên Phú đã chủ động cùng với Agribank đem bán đấu giá 3 dự án này để trả nợ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên sau khi bán đấu giá, Công ty Thiên Phú phát hiện ra nhiều vi phạm, các bên tham gia đấu giá có dấu hiệu trục lợi trên sự khó khăn của Công ty nên đã khởi kiện tại Tòa án để trả nợ cho ngân hàng và yêu cầu hủy kết quả đấu giá, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Cuộc đấu giá “kỳ lạ” vì nói một đằng làm một nẻo!?

Nội dung vụ việc thể hiện, Dự án KDC có diện tích gần nửa triệu m2, là tài sản thế chấp để Công ty Thiên Phú vay Ngân hàng Agribank Chi nhánh Chợ Lớn với số tiền 305 tỷ đồng và gần 19 ngàn lượng vàng (Tổng quy đổi cả 19 ngàn lượng vàng và 305 tỷ là hơn 1,1 ngàn tỷ đồng).

Việc làm ăn không thuận lợi như dự tính nên ngày 17/4/2015, Công ty Thiên Phú đành phải "ngậm ngùi" ký biên bản thỏa thuận giao tài sản để Agribank Chợ Lớn xử lý thu hồi nợ.

Đến ngày 17/6/2015, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng với Công ty Cổ phần dịch vụ Đấu giá Nam Sài Gòn (quận 7, TP Hồ Chí Minh) để bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc Dự án KDC Hòa Lân với giá khởi điểm gần 1.470 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 12 phiên đấu giá kéo dài gần 2 năm (từ ngày 9/7/2015 đến 25/5/2017), việc đấu giá mới thực hiện xong. Kết quả của vụ đấu giá này đã khiến những người quan tâm cho là thiếu minh bạch, còn nhiều “khuất tất”?.

Vấn đề là ở chỗ thời gian kéo dài càng lâu thì phía người phải “thi hành án” càng điêu đứng, bởi lẽ cứ mỗi lần đấu giá không thành thì sẽ được định giá lại và giảm nhiều %. Cụ thể, qua 10 phiên thông báo bán đấu giá, giá trị tài sản của Dự án KDC Hòa Lân lần lượt được điều chỉnh giảm xuống từ 1.467 tỷ đồng chỉ còn 1.070 tỷ đồng và tới phiên thông báo lần thứ 11 chỉ còn có 963 tỷ đồng. Như vậy, giá trị tài sản của chủ dự án đã bị giảm hơn 1/3 giá trị, trong khi đó giá bất động sản trong 02 năm (từ 2015 đến 2017) lại tăng theo cấp số nhân.

Sau gần 2 năm trầy trật với việc bán đấu giá vì nhiều lý do, ngày 25/5/2017, tại phiên đấu giá thứ 12 có 3 đơn vị tham gia là Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình, Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức và Công ty A Đông Hải (nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh) tham gia đấu giá. Tại lần đấu giá lần này, Công ty A Đông Hải đã trúng đấu giá 1.353 tỷ đồng.

Chiếu theo thông báo của Agribank Chợ Lớn vào ngày 28/4/2017 thì các khách hàng tham gia đấu giá chậm nhất ngày 5/5/2017 gửi thông báo bằng văn bản cho Agribank Chợ Lớn phương thức thanh toán (trả ngay hay trả dần) trước ngày 5/5/2017. Nếu khách hàng không gửi thông báo hoặc gửi sau ngày 5/5/2017, thì xem như khách hàng tham gia đấu giá sẽ thanh toán theo phương thức trả ngay 1 lần (trong vòng 45 ngày kể từ ngày trúng đấu giá). Việc này cũng được Công ty Đấu giá gửi cho các khách hàng ngay trong ngày 28/4/2017.

Điều đáng nói là trong 3 đơn vị tham gia đấu giá, chỉ có duy nhất Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức có văn bản gửi Agribank Chợ Lớn cam kết sẽ thanh toán một lần trong vòng 45 ngày nếu trúng đấu giá. Riêng với hai công ty còn lại là Công ty Thái Bình và Công ty A Đông Hải không hề có phương án thanh toán gửi cho Agribank Chợ Lớn, dù được phía Agribank Chợ Lớn và Công ty Đấu giá Nam Sai Gòn có thông báo. Như vậy, đương nhiên phía công ty trúng đấu giá là A Đông Hải phải thanh toán 1 lần trong vòng 45 ngày cho Agribank Chợ Lớn.

Thế nhưng thật bất ngờ, sau khi trúng đấu giá dự án được xem là vị trí “vàng” còn sót lại tại khu vực này thì phía Công ty Kim Oanh lại chỉ thanh toán nhỏ giọt. Cụ thể sau hơn 3 tháng, nhưng Công ty Kim Oanh cũng mới chỉ thanh toán được hơn 340 tỷ đồng (chỉ bằng 1/4) so với tổng số tiền trúng đấu giá.

Trước tình thế "cù nhầy" của Kim Oanh, ngày 8/9/2017, phía Agribank Chợ Lớn đã ký phụ lục hợp đồng, buộc phía Kim Oanh phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền còn lại cùng với lãi suất chậm trả muộn nhất là vào ngày 30/6/2018. Tuy nhiên đến hẹn, phía Kim Oanh cũng chỉ thanh toán thêm cho phía Agribank Chợ Lớn số tiền chưa đầy 400 tỷ. Tính đến cuối năm 2018, Kim Oanh cũng chỉ mới thanh toán được gần 950 tỷ.

Đối chiếu theo quy định của thì Công ty Kim Oanh thanh toán như thế đã vi phạm nghiêm trọng phương thức thanh toán của một vụ đấu giá tài sản rất lớn để thu hồi tiền về cho ngân sách nhà nước.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lại có tình trạng Kim Oanh lại được được trả dần, trong khi lẽ ra phải thanh toán ngay theo quy định? Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ này như thế nào?

Những vấn đề này sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin ở những bài tiếp theo.

Theo NgaymoiOnline

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, thu nội địa trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước đạt 2.100 tỷ đồng, bằng 76% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng thu nội địa của tỉnh này ước đạt 11.526 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Đó là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2024 được công bố hôm 26/4 vừa qua.
Kinh tế 1 ngày trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.