SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 09/05/2024
  • Click để copy

Chuyện ông Tiên “Râu”

10:28, 15/10/2019
(SHTT) - Trong thời điểm vườn cà phê kinh doanh năng suất khá cao thì ông thuê người băm nát để múc hố trồng tiêu. Từ chuyện lạ này, người dân gắn cho ông biệt danh là ông Tiên “Điên”. Sau hơn một năm, người dân phải thay đổi cho ông một biệt danh khác trìu mến hơn: ông Tiên thật rồi ông Tiên Râu.

Qua cuộc hẹn điện thoại, ông đón tiếp tôi tại vườn tiêu trong một buổi sáng trời mưa phùn. Mồ hôi trộn với nước mưa làm cho hàm râu quai nón rậm rạp của ông xếp sát vào da. Thấy tôi đến, ông bím môi thở nhẹ rồi kéo chiếc mũ tai bèo lao khô mặt. “May quá, vừa ủ xong đống phân chuồng trộn vi sinh. Đây là “thức ăn” cho vườn tiêu này trong những tháng mùa khô. Năm nay, thời tiết cực đoan. Vườn tiêu này không nhiều trái nhưng vẫn còn xanh, chưa thấy chết cây nào là mừng rồi chú à!” - ông Tiên Râu vui vẻ khoe.

tieu

Vườn tiêu tái canh giống mới cùng xen canh 4 loại cây trồng khác 

Thu bạc tỷ từ 30 triệu đồng

Sinh năm 1970 trong một gia đình hiếu học, vì kinh tế khó khăn, ông Ngô Văn Tiên đành xếp bút nghiên để theo nghề nông và định cư tai thôn 1 xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai. Những năm 90 của thế kỷ trước, ông Tiên cũng như hầu hết người dân nơi đây bắt đầu đổ xô trồng cây cà phê. Lúc này, máy tưới nước, xe công nông được nhiều người dân mua sắm để phục vụ sản xuất. Từ đây, kéo theo nhu cầu thợ sửa máy. Nắm bắt được điều này, ông Tiên Râu tự tháo banh chiếc máy tưới của mình để tìm hiểu, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm từ nhiều thợ máy ở các nơi rồi mở ngay một cửa tiệm gara tại trung tâm xã. Năm 2000, giá cà phê “lao dốc không phanh”. Người dân nơi đây khủng hoảng nặng. Ông Tiên cũng không ngoại lệ. Thu nhập từ cửa tiệm gara không đủ bù lỗ cho 4ha cà phê. Lúc bấy giờ, ông bắt đầu chuyển hướng tính đến việc trồng cây hồ tiêu.

“Mình phải làm thêm nhiều cây trồng để khi cây này mất giá thì còn có cây khác bù lại. Cái khó lúc bấy giờ là thiếu vốn đầu tư. Sổ đỏ của mình nhiều, nhưng ngân hàng chỉ cho vay tối đa được 15 triệu đồng. Chú biết không, tôi cần đầu tư 2000 trụ tiêu. Vậy là tôi phải nhờ các mối quan hệ quen biết tác động đến ngân hàng. Vây là tôi vay được 30 triệu đồng” - ông Tiên bộc bạch.

Có vốn đầu tư, năm 2002, ông Tiên đóng cửa tiệm gara để chuyển sang thâm canh thêm 2000 cây hồ tiêu. Sau hai năm vào kinh doanh, vườn tiêu đầu tay của ông đã cho thu nhập ổn định. Năm 2006, giá tiêu có chiều hướng tăng nhẹ lên đến 20.000 đông/kg, ông Tiên quyết định phá hơn 1ha cà phê đang cho thu hoạch để lấy đất mở rộng diện tích cây hồ tiêu. Từ đây, ông Tiên được người dân gắn cho biệt danh là ông Tiên “điên”. Biệt danh này chỉ tồn tại trong vòng khoảng một năm, khi năm 2007, giá hồ tiêu bất ngờ tăng vọt lên 40.000 đồng rồi đến 70.000 đồng/ kg. Bấy giờ, người dân nơi đây gọi ông là ông Tiên thật, một số người gọi là ông Tiên râu.

tieu2

 Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh kiểm tra vườn tiêu hữu cơ của ông Tiên

Với phương châm canh tác khi vườn cây trước đi vào kinh doanh ổn định thì mới tiếp tục đầu tư trồng mới, liên tiếp qua 4 lần trồng mới, đến năm 2014, tổng diện tích hồ tiêu của ông Tiên đã lên đến 10.000 trụ và cho thu hoạch ổn định. Thời điểm này, giá hồ tiêu trên thị trường tiếp tục tăng vọt lên đến đỉnh điểm từ 180.000 đồng/ kg đến 220.000 đồng/kg và dao động ổng định trong suốt 3 năm liền. Sau khi trừ chi phí, ông Tiên bỏ túi vài tỷ đồng mỗi năm.

Trao đổi về kỹ thuật trồng cây hồ tiêu, ông Tiên chia sẻ: Từ năm 2008, người dân xã này cũng ồ ạt lao vào trồng tiêu. Nhưng số người có được vườn tiêu bền vững như ông cũng không nhiều. Mỗi lần ông bón phân hay phun thuốc cho vườn cây, những hộ dân lân cận cũng đến tìm hiểu. Mọi người dân có nhu cầu, ông Tiên đều chia sẻ kinh nghiệm. Thế nhưng, phần lớn người dân nơi đây lại mắc phải xu hướng đua tranh. Trong thời điểm giá hồ tiêu tăng cao, phân bón, thuốc bảo về thực vật bán tràn lan. Phân, thuốc… thật giả lẫn lộn, tuần nào cũng có đôi ba cuộc hội thảo quảng bá, khuyến mãi. Thuốc nào cũng tốt cho cây trồng, phân nào cũng cho năng suất cao… Người dân tin răm rắp, cứ vậy đua nhau sử dụng phân, thuốc hóa học một cách “vô tội vạ”; để mong cho vườn cây xanh tốt hơn, năng suất cao hơn… Cũng đã có không ít hộ dính phải thuốc đểu, phân kém chất lượng làm cho vườn cây suy kiệt và chết hàng loạt. Vì lạm dụng nhiều phân hóa học, thuốc bảo về thực vật, nhiều vườn cây sau một vụ thu hoạch đã bị kiệt sức không còn khả năng phục hồi.

“Chú biết không, cuộc đời tôi tới giờ đã gần 20 năm trồng tiêu, tôi đau nhất là để mất 1.400 trụ tiêu vào năm 2016. Lúc đó tôi cũng theo thị hiếu đua tranh cùng người dân sử dụng nhiều phân bón hóa học. Tôi rất cẩn thận chọn những hãng phân uy tín, chất lượng đảm bảo. Mục đích là để tôi so sánh với cách chăm sóc ít dùng phân hóa học ở những vườn khác. Rồi thì… 1.400 trụ tiêu này chết sạch” - ông Tiên chốt lại kinh nghiệm.

Thay đổi tập quán canh tác

Trời đã ngớt mưa, ông Tiên đưa tôi đến thăm vườn tiêu tái canh năm 2018. Ông cho biết, qua hai năm giá hồ tiêu lao dốc, cùng với dịch bệnh làm cho cây tiêu chết hàng loạt. Tại hội nghị nông dân toàn huyện vào đầu năm 2019, báo cáo tổng diện tích tái canh cây hồ tiêu trên địa bàn chỉ vỏn vẹn 1héc ta chính là vườn tiêu này. Khác với những vườn tiêu trước đây, lần này tái canh, ông Tiên trồng xen vào thêm 4 loại cây trồng khác. Mỗi trụ tiêu cũ được trồng kèm một cây bời lời để che bóng mát cho cây tiêu, đồng thời cũng cho thu hoạch về sau. Những khoảng trống bên ngoài, ông bố trí xen vào 400 cây mít Thái đang bắt đầu ra trái. Ông dự định năm nay, mỗi cây mít chỉ để nuôi hai trái. Với giá mít bán trên thị trường, ông Tiên nhẫm tính sẽ bằng 4 tấn tiêu hiện nay. Ở tán cao hơn, ông xen cây cau và cây sầu riêng. Đối với cây sầu riêng, ông Tiên không mua giống ghép trên thị trường mà tự trồng cây thực sinh. Ông tự ươm hạt trồng trước, sau vài tháng cây con đủ mạnh thì mới tìm giống tự ghép vào. Bằng cách này sẽ giảm chi phí mua giống rất nhiều và tránh được trường hợp mua trúng giống đểu.

tieu1

 Ông Tiên với Danh hiệu bàn tay vàng nông nghiệp Việt Nam 2017

“Thời buổi giá cả bấp bênh như hiện nay thì mình phải tính toán. Cây tiêu vùng này đã bị thoái hóa giống thì mình phải tìm giống mới. Tôi vào tận Phú Quốc để đặt giống đem về trồng thí nghiệm. Các loại cây khác cũng phải xen vào để không phải bỏ phí đất. Điều cơ bản là mình bố trí sao cho hợp lý là được, nhưng phải xác định cây tiêu là cây chủ lực trong vườn. Tôi đang thí nghiêm vườn này nên lâu nay không dám công bố. Vài tháng nữa, mô hình này sẽ cho thu hoạch từ cây mít, tiếp đến là cây tiêu, rồi tới cây sầu riêng… Với mô hình này, thu nhập sẽ bền vững mà không cần có diện tích lớn, chi phí đầu tư cũng không nhiều” - ông Tiên bộc bạch mô hình mới.

Với khả năng chịu khó tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cây trồng đạt nhiều hiệu quả; liên tiếp trong 2 năm 2017-2018, ông Tiên được bình chọn là nông dân tiêu biểu của tỉnh Gia Lai. Từ đây, ông được tham dự nhiều hội nghị nông dân, được gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nhiều chuyên gia nông nghiệp. Đầu năm 2018, ông cùng một số nông dân tâm huyết với cây hồ tiêu vận động bà con trong xã thành lập Tổ Liên kết Sản xuất - Kinh doanh hồ tiêu sạch bền vững Nam Yang. Cho đến nay, Tổ đã có trên 60 hộ dân tham gia với tổng diện tích gần 100 ha cây hồ tiêu. Bằng những kinh nghiệm của mình, ông Tiên cùng ban điều hành định hướng cho bà con trong Tổ liên kết sản suất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGap. Đầu năm 2019, Tổ liên kết đã được cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận hồ tiêu VietGap. Sau thành công bước đầu, ông Tiên tiếp tục triển khai kế hoạch cho bà con trong tổ hướng đến sản xuất mô hình hồ tiêu hữu cơ.

Ông Tiên cho biết: "Thời điểm này, nông dân đang rất eo hẹp về tiền bạc. Giá hồ tiêu đã rớt đến tận đáy rồi. Nhà nào cũng nợ ngân hàng, thu nhập từ vườn tiêu không đủ đóng lãi. Lao động chính trong gia đình đã bỏ nhà đi làm công nhân ở các thành phố lớn. Giá hồ tiêu VietGap bán cao hơn vài nghìn đồng so với tiêu thường thì cũng không thấm vào đâu. Anh em trong Tổ không đủ kính phí để đi tìm thị trường đầu ra. Mỗi lần có dịp gặp các doanh nghiệp, tôi đều tìm cách giới thiệu sản phẩm của bà con trong Tổ, chỉ mong sẽ bán được giá tốt hơn cho bà con. Mong sao thời tiết ổn định, cây hồ tiêu bền vừng không chết, giá cả có lợi cho người trồng tiêu… thì tôi cùng anh em trong Tổ vẫn hướng đến mô hình hồ tiều hữu cơ”.

Vậy đó, người trồng tiêu đang cố cầm cự qua cơn khó khăn này để hướng đến một mô hình mới bền vững hơn. Nhưng ngoài trời mưa vẫn rơi và nhiều làm sương bàng bạc trên những thân tiêu. Có lẽ, cơn mưa còn dai và dặm trường đi đến một ngày mai đó hoàng kim của cây tiêu, xem chừng như xa ngái!

Tiến Thành

Tin khác

Kinh tế 14 giờ trước
(shtt) - Trong bối cảnh thị trường căn hộ Hà Nội tiếp tục đón các đợt tăng giá, Eurowindow River Park tọa lạc ngay trung tâm Đông Anh đang được người mua ở thực và giới đầu tư săn đón nhờ mức giá hợp lý, nhiều tiện ích vượt trội và tiềm năng tăng giá.
Kinh tế 15 giờ trước
(SHTT) - Sáng 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024. Tại đây, thủ tướng đã chỉ rõ 3 mục tiêu, 6 nhiệm vụ trọng tâm để ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số, phát triển lên tầm cao mới.
Kinh tế 1 ngày trước
Làm chủ công nghệ chế biến, thương hiệu Chocolate Hallelu "made in Vietnam" ra đời bởi anh Nguyễn Hồng Huy đã giúp nâng cao giá trị trái ca cao.
Kinh tế 1 ngày trước
Thời tiết nắng nóng kéo dài, việc thu mua trái cây cũng trở nên khó khăn khi lượng hàng hóa khan hiếm.
Kinh tế 2 ngày trước
Nhờ tiếp tục bàn giao các sản phẩm tại dự án Westgate (Bình Chánh, TP.HCM) và The Standard (Bình Dương), An Gia đạt lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 200 tỷ đồng trong quý I/2024. Công ty duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh, nợ vay thấp và tiến đến hết nợ trái phiếu trong quý II/2024.