SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Những lão nông làm giàu từ đam mê sáng chế

06:49, 11/02/2019
(SHTT) - Dù không được học hành bằng cấp nhưng với niềm đam mê đặc biệt, nhiều lão nông đã kiếm ra hàng tỉ đồng nhờ những sáng chế đặc biệt của mình.

Chân dung ông Đỗ Đức Quang: Nhà sáng chế hết lòng vì cà phê

Dù không có bất cứ bằng chuyên môn nào nhưng với niềm say mê cơ khí, nông dân Đỗ Đức Quang (tổ 7, phường Trà Bá, TP.Pleiku, Gia Lai) đã có gần 50 năm mày mò, nghiên cứu sáng chế ra những chiếc máy nông nghiệp độc đáo, hỗ trợ nông dân tăng năng suất cây trồng.

Những sáng chế của ông Đỗ Đức Quang đã được ghi nhận với rất nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận của các tổ chức và chính quyền địa phương. Năm 2015, ông được vinh danh là nhà sáng chế không chuyên và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt mới đây, hai sản phẩm máy đào xới đa năng và máy hái cà phê của ông được tỉnh Gia Lai công nhận là sản phẩm công - nông nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018.

sang che

 Ông Quang bên những chiếc máy do ông chế tạo. Ảnh: Báo Gia Lai

Năm 1972, ông Đỗ Đức Quang rời quê hương Quảng Nam lên Gia Lai lập nghiệp. Ban đầu ông làm phụ việc cho một xưởng máy, sau đó về làm cho Hợp tác xã Cơ khí Bảo Toàn với công việc sửa máy cưa, máy cắt cỏ, máy nổ cầm tay…

Thấu cảm sự gian khổ của nông dân khi đào bồn ép xanh, bón phân cho cây cà phê, với kinh nghiệm nhiều năm tại xưởng cơ khi, ông Quang quyết tâm nghiên cứu, lắp ráp máy đào xới đa năng.

Sau nhiều tháng thai nghén ý tưởng, năm 2008, ông bắt đầu mày mò chế tạo ra dòng máy hái cà phê với năng suất làm việc đã được thực tiễn chứng minh có thể thay thế từ 6-7 lao động, mức tiêu thụ năng lượng ít, có thể hoạt động liên tục, trong khi giá thành để bán một máy ra thị trường chỉ 5 triệu đồng. Sản phẩm làm ra không đủ để cung cấp cho bà con.

Không dừng lại ở đó, một năm sau (2009), khi thấy nông dân phải tự tay xới, đào bồn để bón phân cho cây cà- phê mất khá nhiều thời gian, ông lao vào nghiên cứu và bắt đầu sáng chế ra loại máy xới đào bồn cà- phê giúp nông dân chủ động về lao động. Ban đầu, ông mua động cơ loại máy VYKYNO loại 4 thì, xy lanh có công suất 5,5 mã lực (3.600 vòng/phút); dung tích thùng nhiên liệu 5 lít, nhớt 0,5 lít rồi bắt đầu tự thiết kế dàn xới có  4 lưỡi x 4 cánh/lưỡi, tổng cộng có 16 cánh; bề rộng dãy xới lớn nhất 30 m, độ sâu lớn nhất 20 cm; máy được thiết kế theo kiểu truyền động, côn ly hợp tự động, có kích thước dài 1,4 m, rộng 0,4 m, cao 0,5 m, trọng lượng chỉ 39kg, gọn nhẹ nên chỉ cần 1 người điều khiển.

Quá trình thực nghiệm cho thấy máy đạt hiệu quả cao, có thể thay thế cho 10 lao động, tương đương với 300 gốc cà-phê/1 ngày với mức tiêu hao nhiên liệu chỉ khoảng 5-6 lít xăng. Tính ra, 1 ngày dùng máy để đào 300 gốc cà-phê chỉ mất khoảng 300 ngàn đồng  (xăng khoảng 130 ngàn+ 170 tiền công/1 người), trong khi nếu sử dụng 10 người để đào 300 gốc cà- phê thì riêng tiền công đã ngốn hết 1,7 triệu đồng. Trong khi giá thành bán 1 máy ra thị trường chỉ 9 triệu đồng. Đó còn chưa kể máy có tính cơ động cao, thao tác dễ dàng, thích hợp với các địa hình vườn cà phê. Trong quá trình sử dụng nếu có hỏng hóc bộ phận nào cũng dễ thay thế. Bên cạnh đó, máy còn được sử dụng để đào xới đất khi trồng rau, trồng ngô, đậu đỗ các loại và còn đào rãnh bón phân cho cây cao su...

Chính sự hữu ích của 2 dòng máy trên nên sản phẩm luôn được bà con chấp nhận, hàng làm ra không đủ bán (trung bình xưởng của ông 1 tuần chế được 5 máy), đến nay, ông đã bán ra thị trường hơn 1.500 chiếc.

Điều khiến ông Đỗ Đức Quang vui hơn cả là cậu con trai út có chung niềm đam mê và đang tiếp nối công việc cùng với cha. Từ bỏ công việc kỹ sư cầu đường, Đỗ Đức Sang quyết định theo cha học chế tạo, sửa chữa máy nông nghiệp.

Như được thừa hưởng gen “di truyền” sáng chế từ cha, Sang đã cùng cha nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp chiếc máy đào, xới thêm nhiều chức năng hơn. Thay vì chỉ sử dụng cho cây cà phê giờ chiếc máy này có thể sử dụng cho nhiều loại cây trồng khác, phù hợp với nhiều địa hình khác nhau…

Kỹ sư "nông dân" Phan Công Sỹ và sáng chế máy cày đa năng

Anh Phan Công Sỹ (48 tuổi), một nông dân ở xóm 7, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An đã trở thành cái tên quen thuộc của bà con địa phương nhờ những sáng chế hữu ích cho nhà nông.

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, anh Sỹ cho hay do hoàn cảnh khó khăn, học đến lớp 9 anh phải nghỉ học, xin vào làm thuê tại một xưởng cơ khí ở địa phương. Hơn 10 năm trước, anh bàn với gia đình vay vốn lập một xưởng sửa chữa máy móc nông nghiệp khi tay nghề đã vững. Công việc này giúp anh có thêm điều kiện tìm hiểu về cấu tạo các bộ phận, cũng như những ưu nhược điểm trên từng loại máy cày trong quá trình sửa chữa máy cho người dân. Bằng sự chăm chỉ, niềm đam mê và tinh thần tự học, anh nhanh chóng trở thành thợ cơ khí lành nghề có tiếng trong vùng. Xưởng sửa chữa của anh là nơi nhiều người dân tin tưởng tìm đến mỗi khi máy móc, nông cụ gặp trục trặc.

phan-cong-sy-1536

 

Anh Sỹ cũng luôn canh cánh trong lòng khi thấy gia đình và bà con nông dân phải vất vả trên những cánh đồng với những nông cụ thô sơ. 

Nghĩ là làm, từ năm 2010, anh Sỹ đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp đa năng. Ý tưởng ban đầu của anh là làm máy cày, bừa đa chức năng sau đó lắp ráp thêm các thiết bị của máy xúc và máy trộn bê tông.

Trong quá trình nghiên cứu, chế tạo chiếc máy này anh hoàn toàn tự tìm hiểu, mày mò, làm từ cái đơn giản đến cái phức tạp nhất; làm chưa được thì tự rút kinh nghiệm, sửa chữa dần dần để đi đến hoàn thiện. Hiện, máy nông nghiệp của anh có 4 chức năng gồm: cày, bừa, trộn bê tông, và xúc đất.

Chiếc máy của anh chạy bằng động cơ Diesel 28 mã lực, hộp số được chế từ máy gặt liên hợp, sắt phế liệu hàn nối thành khung sườn, có bộ phận tăng, giảm tốc... mua từ bãi ô tô phế liệu. Qua vận hành thực tế tại đồng ruộng địa phương, chiếc máy đã thể hiện được ưu điểm rõ rệt so với các loại máy nhập khẩu.

Chiếc máy cày cũng được trang bị một bộ nâng thủy lực để nâng hạ toàn bộ thân máy lên xuống mỗi lúc di chuyển trên đường. Anh Sỹ cho biết, bộ phận lắp ráp khó nhất và mất nhiều thời gian nhất của chiếc máy này là bộ ly hợp cắt trực tiếp từ động cơ. Cuối 2/2017, anh quyết định lái máy ra đám ruộng bỏ hoang lâu ngày trước nhà cày thử trước sự háo hức chờ đợi của rất đông người dân. Kết quả ngoài mong đợi, mỗi sào chỉ cày trong khoảng 15-20 phút (tương đương máy Nhật), điều khiển nhẹ nhàng, tiến lùi theo ý muốn, đất đẹp, mịn, độ sâu vừa phải; nhiên liệu tiêu hao chỉ khoảng 17.000 đồng/sào.

Mặc dù chỉ có giá 75 triệu đồng (bằng khoảng 1/8 so với máy Kobuta của Nhật) lượng nhiên liệu tiêu hao cũng chỉ bằng khoảng 1/3 so với máy Kobuta, nhưng anh Sỹ khẳng định những tính năng của chiếc máy cày đa năng do anh chế tạo hoàn toàn không thua kém gì. “Nếu có thể có một cuộc thi nào đó tôi vẫn sẵn sàng thử với máy Kobuta của Nhật xem thử máy nào hoạt động hiệu quả hơn”, anh Sỹ nói.

Chân dung nhà sáng chế Nguyễn Văn Hoàn cùng chiếc máy hút sâu chè

Ông Nguyễn Văn Hoàn (54 tuổi, xã Phú Lâm, Yên Sơn, Tuyên Quang) được bà con trong xã gọi là nhà sáng chế "chân đất" với nhiều sáng kiến, cải tiến máy móc mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, như máy hút sâu chè, máy bón phân, máy hái chè... Đặc biệt, từ khi chiếc máy hút sâu chè được chế tạo thành công, việc sản xuất chè sạch của gia đình ông Hoàn và bà con trồng chè tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn so với trước.

Gia đình ông Hoàn cũng như các hộ dân khác trong thôn, thu nhập chính từ trồng chè, trung bình mỗi nhà sở hữu từ 8 đến 10ha. Để có sản phẩm chất lượng tốt, giá thành cao, cần phải có nguyên liệu tốt. Chè tươi ngon là loại búp “một tôm hai cá”, nghĩa là một nõn và hai lá non. Khi chè chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch cũng là lúc các loại sâu như bọ rày, bọ cánh tơ, nhện đỏ… phát triển mạnh. Những loại sâu này có đặc điểm chung là rất nhỏ, chúng hút nhựa cây ở phần búp non làm cho ngọn chè xoăn lại, có thể làm cây chết.

nha-sang-che-nguyen-van-hoan-2-1430

 

Từ đó, ông Hoàn nung nấu ý tưởng tạo ra chiếc máy bắt sâu. Để thực hiện, ông bắt đầu tìm hiểu đặc tính con sâu và phát hiện khi hút nhựa, sâu chỉ cắm vòi vào búp non, còn chân thả lỏng nên dễ dàng tách chúng khỏi ngọn chè. Tiếp đó ông mày mò đọc sách và tìm kiếm thông tin trên Internet các thiết bị tạo gió để hút sâu. Thất bại hết lần này đến lần khác, mãi đến năm 2008 ông mới thành công.

Với thiết bị, người dùng chỉ cần kéo máy qua mặt tán cây chè thì lập tức sâu sẽ bị hút vào trong bầu gió. Từ thành công này, dựa trên nguyên lý bầu hút gió, ông tạo ra thiết bị hút sâu cho rau và nhận được đơn đặt hàng từ các nơi như Quảng Ninh, Hà Giang.

Thành công với máy hút sâu chè năm 2008 thì giữa năm 2009 ông Hoàn tiếp tục cho ra đời với sáng chế máy cày kết hợp với bón phân vô cơ. Thường thì người dân ở thôn Tiền Phong vẫn sử dụng phương pháp truyền thống là cuốc rãnh bên cạnh cây, bỏ phân và lấp đất. Phương pháp đó tốn rất nhiều công, nên một số gia đình đã phun thuốc kích thích tăng trưởng, từ đó dẫn đến cây chè nhanh thoái hóa giống, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Khắc phục điều này, ông Hoàn đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy cày mi ni kết hợp với bón phân vô cơ hoạt động theo phương thức liên hợp “hai trong một”, đó là toa ống dẫn phân hóa học được thông với đế lưỡi cày theo thể thức xoắn ruột mèo. Khi đất được lưỡi cày lật lên cũng là lúc phân được đẩy xuống một lượng nhất định bằng một cữ cụ thể. So với phương pháp truyền thống, máy đã cho năng suất lao động tăng 300%. Cuối năm 2010, ông Hoàn tiếp tục nghiên cứu, sáng chế thành công máy hái chè mi ni cho một người sử dụng nhưng hiệu quả công việc bằng 10 người làm. 

Không chỉ vậy đến năm 2012, ông Hoàn đầu tư hơn 30 triệu đồng mua chiếc máy cắt chè của Nhật Bản để sử dụng nhưng phải bỏ vì không phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Không đành lòng để chiếc máy bị bỏ không, ông Hoàn lại bỏ công sức nghiên cứu, cải tiến lại chiếc máy cho phù hợp. Sau một thời gian mày mò, ông Hoàn cải tiến thành công chiếc máy hái chè cho hiệu suất cao hơn trước. Ông cho biết, với cách hái thủ công bằng tay, một người hái chè có kinh nghiệm cũng chỉ hái được khoảng 50 kg chè tươi/ngày nhưng chiếc máy hái chè do ông cải tiến có thể thu hái được hơn 3 tấn chè tươi/ngày. Chiếc máy hái chè cải tiến này ngoài Tuyên Quang thì nó đã có mặt ở nhiều nơi như Thái Nguyên, Yên Bái, Mộc Châu (Sơn La)…

Ông Hoàn tâm sự máy móc sản xuất ra để phục vụ và thay thế sức lao động con người. Ông chế tạo và cải tiến những chiếc máy không phải vì giải thưởng mà muốn giảm bớt sự vất vả cho người nông dân.

Với những sáng chế máy móc có tính ứng dụng thực tế cao, dễ sử dụng và mang lại nhiều lợi ích trong nông nghiệp, “ nhà sáng chế chân đất” Nguyễn Văn Hoàn đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Tuyên Quang cũng như của Trung ương.

Máy hút sâu chè của ông được Hội Nông dân Việt Nam trao giải Nhì trong Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ III năm 2008-2009.

Hải Vân

Tin khác

Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Trong bối cảnh cuộc đua công nghệ toàn cầu đang leo thang, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy cơ chế nhằm rút ngắn thời gian xem xét và kiểm tra các đơn đăng ký sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt và đổi mới công nghệ.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Hewlett Packard Enterprise (HPE) đã kiện tập đoàn Trung Quốc, Inspur Group, cáo buộc rằng các sản phẩm của Inspur vi phạm năm bằng sáng chế của HPE liên quan đến công nghệ máy tính.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Vụ kiện bản quyền vaccine COVID-19 của Moderna đối với Pfizer và BioNTech được tạm ngừng sau quyết định của tòa án Massachusetts, khi Cục Sở hữu trí tuệ Mỹ xem xét hiệu lực hai trong ba bằng sáng chế của công ty này.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - USPTO yêu cầu các luật sư khi nộp hồ sơ cần nêu rõ vai trò của trí tuệ nhân tạo trong đơn xin cấp bằng sáng chế do lo ngại AI có thể bị lạm dụng trong quá trình tạo ra các phát minh, sáng chế.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Tòa án Illinois quyết định rằng Amazon bị phạt 525 triệu USD vì vi phạm bằng sáng chế lưu trữ đám mây của công ty Kove, làm dấy lên những tranh cãi trong ngành công nghiệp công nghệ.