Chuyến du ký về miền ‘cổ tích’ với Tết Trung thu ở Hội An
Ngày thường, đêm phố cổ Hội An vốn rất lung linh. Tết Trung Thu tháng 8, cả khu phố cổ như hóa thành trăng rằm chốn nhân gian, nhuộm ánh vàng sáng dịu loáng trên bóng nước sông Hoài, hòa cùng muôn vạn chiếc đèn lồng lấp lánh. Hiếm nơi đâu Tết Đoàn viên rộn rã và ấm áp bằng Hội An.
Khoảng 18 giờ 30, cô gái Nguyễn Kim Anh từ Hà Nội tìm đường ra sông Hoài. Kim Anh dừng chân ở shop vải Thu Thuỷ trên đường Lê Lợi. Cô thích thú như đứa trẻ, kéo bạn thân đi vào xem hai chú lân màu đỏ đang múa chúc phúc cho gia chủ.
Chỉ vài phút từ nhóm người xúm xít quanh đoàn múa lân sư náo nhiệt, hàng trăm du khách dừng chân vây quanh xem từng bước nhảy điệu nghệ, mạnh mẽ và phóng khoáng … khiến đoạn đường chật ních người. Không riêng đường Lê Lợi, đoàn múa lân sư tỏa ra đến đâu ở đó tiếng reo vui của đám trẻ trong phố, tiếng người í ới gọi nhau chạy lại xem rôm rả tới đó.
“Đại dịch kéo dài khiến mấy mùa trung thu qua buồn tẻ, năm nay em nhất định đi TP Hội An và em rất vui với quyết định này. Người dân ở đây thân thiện, không khí Tết Trung Thu rộn ràng. Em nhất định sẽ đi Hội An thêm nhiều lần nữa”, Nguyễn Kim Anh nói.
Đèn lồng nhiều hình dáng giăng ngang mắc dọc tô điểm thêm hoài niệm thịnh vượng của thương cảng cổ. Đắt khách nhất chính là chợ đèn lồng, ngày và đêm khách đến bán mua nườm nượp trong dịp Tết Đoàn viên. Nhiều người về Hội An cũng muốn kiếm một tấm hình check - in cùng những chiếc đèn lồng đủ loại ở đây.
Trong mỗi nhà, người dân vẫn lưu giữ những khâu chuẩn bị trung thu truyền thống. Bao nhiêu đèn lồng đẹp đều mang chưng cho người qua phố trầm trồ. Nghệ Nhân Bùi Quý Phong hướng mắt về phía cổng được trang hoàng với cây tre, những chiếc đèn ông sao, đèn gương cổ truyền.
“Đèn lồng bằng vải tạo hình ống chụp, đốt nến bên trong để thắp sáng, tránh được gió. Đèn lồng con cá thể hiện phẩm chất kiên cường, không từ bỏ mục đích, không ngại khó khăn và là biểu tượng của niềm hi vọng, sự bình an, may mắn. Mọi người cùng gửi những ước mơ, mong cầu sức mạnh, đoàn kết và sum họp”, ông Phong chỉ cho tôi thấy chiếc đèn lồng cá chép cầu kỳ do ông tự tay làm.
“Năm ngoái tôi đã tặng 1500 chiếc đèn cho trẻ em Hội An vui trung thu trong mùa dịch. Năm nay tôi cũng đã tặng đèn, bánh cho các em học ở các trường tự kỷ, những em có hoàn cảnh khó khăn". Với nhiều người Hội An Tết Đoàn viên còn là dịp san sẻ, hướng thiện.
"Dù các em ở trường tự kỷ không hiểu về ý nghĩa của những chiếc đèn, món đồ chơi, nhưng các em ôm chặt những chiếc bánh, các em sẽ hiểu và cảm nhận trung thu qua sự ngọt ngào đó”, ông Phong nói và trao đèn cho một bé gái trong khu phố.
Nhộn nhịp nhất là phố Bạch Đằng bên bờ sông Hoài. Bà Ba bán đèn hoa đăng luôn tay nhặt nến, bỏ hoa bày biện bên vỉa hè. Khẽ thắp sáng và nói những lời chúc phúc tốt đẹp, bà Ba gương mặt sáng lên nụ cười thuần hậu, nói: “Nhiều người đã thả hoa đăng như một nghi thức cầu cho cha mẹ sống đời với con, cầu cho bình an, sum họp. Tết Đoàn viên chính là thời điểm diễn ra Lễ hội Hoa Đăng Hội An hoành tráng và đông du khách nhất”.
Dưới mặt sông Hoài, những chiếc thuyền, ghe treo đèn lồng xuôi dòng chở khách thưởng trăng. Trăng tròn vạnh trắng ngà trên bầu trời phố cổ. Trăng “rơi” xuống sông Hoài như chiếc “dĩa ngọc” khổng lồ, ai về sông Hoài mùa trăng mới thấy như lạc vào miền cổ tích.
Từng chiếc ghe nhỏ sẽ chở khách dạo quanh để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của phố cổ khi đã lên đèn. Hoạt động thú vị mang đến sự lãng mạn, nên thơ. Ghe thuyền trôi chậm rãi, gió mùa thu man mác vừa thư thái tâm hồn vừa trải nghiệm chuyến đò dọc khúc sông quê khiến những người con xa xứ nhớ thương tìm về.
Cùng lúc này, hoạt động “Mâm cỗ thưởng trăng” với cụm trang trí trung thu từ ngày 8 – 10/9/2022 (nhằm ngày 13 – 15/8 âm lịch) tại 106 Bạch Đằng góp phần tái hiện nét xưa phố Hội, vùng đất có đời sống văn hóa tinh thần phong phú.
Bên cạnh đó, đến TP Hội An những ngày này còn có các hoạt động tại khu trò chơi dân gian hấp dẫn như: bịt mắt đập nồi, trình diễn đầu lân, mặt nạ ông Địa, hát dân ca, đồng dao. Đặc biệt có nghệ thuật bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, mang đến những trải nghiệm rất thú vị, khơi gợi ký ức thời thơ ấu. Các trò chơi diễn ra ở Công viên tượng An Hội thu hút du khách, người dân, các em thiếu nhi tận hưởng đêm trăng thanh bình.
Để trọn vẹn đêm hội trăng rằm, thú thưởng trà cùng bánh trung thu thanh đạm làm tăng thêm nỗi nhớ phong vị Hội An. Những quán trà mang phong cách cổ kính nằm lặng lẽ bình yên như Reaching Out Teahouse, Cocobana Tea Rooms & Garden, The Bird House Hoian, A little Hoi An đông đúc khách.
Từ xa xưa, trong văn hóa Việt Nam, sử liệu đã ghi dấu ấn Tết Trung thu, điển hình là trên trống đồng Ngọc Lũ. Hoạt động “Hội Tết Trung thu” được thành phố Hội An tổ chức hàng năm với mục đích gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách. Đồng thời, “Hội Tết Trung thu” còn để lớp trẻ biết về nguồn cội, thêm yêu quê hương, đất nước.
Sự kiện “Hội Tết Trung thu Nhâm Dần năm 2022” sẽ được Thành phố Hội An tổ chức lớn vào tối nay 18 giờ ngày 10/9/2022 (nhằm ngày 15/8 âm lịch) vào độ trăng đẹp nhất tại Vườn tượng An Hội và khu phố cổ Hội An.
Nhiều hoạt động sôi nổi hơn nữa hứa hẹn sẽ mang đến ý nghĩa vẹn toàn của “Đêm hội trăng rằm” như: “Biểu diễn lân-sư- rồng”, “Em vui rước đèn” và “Trao quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn”.
Bảo Hòa