Yến sào Cù Lao Chàm: Chuyện 'người yến' treo hồn trên vách đá
Chất lượng đặc trưng sản phẩm sẽ khó giữ nếu thiếu đi những người làm nghề bảo vệ và khai thác có phẩm cách thanh sạch, kỹ thuật và giàu kinh nghiệm.
Theo chân “nguời yến”
“Mai khai thác ở hang Tò Vò, đẹp và dễ di chuyển hơn rồi hãy đi”, ông Cao Văn Năm - “nhạc trưởng” Ban quản lý (BQL) và khai thác yến sào Cù Lao Chàm ngập ngừng khuyên. Đợi nhiều tháng nay, phóng viên mới có dịp theo chân những “người yến” bởi mùa khai thác chỉ diễn ra 2 lần/năm vào tháng 4 và cuối tháng 8.
>>> Yến sào Cù Lao Chàm: Những 'ông bố nuôi’ của vạn con chim yến
>>> Yến sào Cù Lao Chàm: Hơn 400 năm gây dựng thương hiệu 'vàng trắng đảo xanh'
Hơn một giờ lênh đênh trên biển, thuyền gỗ chở chúng tôi đến hang Cả - hang đầu tiên trong hệ thống các hang chim yến trú ngụ gồm hang Khô, hang Tai và hang Tò Vò. Hang Cả được xem là hang khó đi nhất trên đảo Cù Lao Chàm nên ông Năm đắn đo việc có nên cho phóng viên đi theo.
Sang bến mới hiểu gian truân, từ mỏm đá ngước lên nhìn đỉnh hang dựng đứng. Trên đó có cái lán hơn 10m là nơi ăn, chốn ở, sinh hoạt của nhân viên, trông xa nhỏ như chiếc hộp kẹo ai treo. Hơn ba mươi người khuân vác đồ nghề, lương thực chầm chậm leo lên từng bậc đá.
Anh Võ Quý - nhân viên bảo vệ hang Cả, kể: “Nghề này vất vả nhất là xa vợ xa con”. Một tháng về thăm nhà một lần, anh đã 30 năm ngủ trên đầu sóng. Ra đảo khi còn thanh niên, giờ con vào đại học cả rồi mà ít khi có thời gian ăn cơm cùng con. Trong quần thể yến sào Cù Lao Chàm, mỗi hang có 6 nhân viên bảo vệ, canh giữ nghiêm ngặt tránh tác động xấu tới loài chim quý và trộm tổ yến.
“Thi thoảng tôi trông coi bên kia” - anh Quý chỉ tay phía hang Tò Vò. Ở bên kia hang Tò Vò dễ tiếp cận quay phim, chụp ảnh, tham quan vì miệng hang rộng, sáng chứ không tối và khó đi như hang Cả. Bàn tay thô ráp đỡ lấy trứng yến nâng niu, anh Quý nói. Ngày lại ngày, "người yến" Võ Quý kiểm tra, canh giấc chim non không rơi xuống vách đá làm mồi cho thú biển và cào lưới làm sạch phân yến.
Nếu lơ là để xảy ra tình trạng dân liều mình mót trộm yến vụn, yến địa còn lại trong hang gây mất mát hay anh em không kìm lòng tham cấu kết với người ngoài để khai thác trái phép, nhẹ thì mất việc, nặng thì đi tù. Nếu không giữ mình thanh sạch, ở gần “kho vàng trắng” cũng không ít cám dỗ, nhất là khi một tai yến giá gấp 4 - 5 lần thu nhập/tháng.
Xuống hang khó nhất để hiểu rõ nghề của những “người yến”
Ba loại yến Quan, yến Thiên, yến Bài của yến sào Cù Lao Chàm – Hội An được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đặc trưng chung của ba loại yến sào là phải còn nguyên vẹn chân tổ, bụng tổ yến, không nứt. Điều này tùy thuộc nhiều vào kỹ thuật người khai thác"
Trên đại dương sóng đảo trơ trụi đá và gió, chim yến nhỏ bé “luyện dãi dứt lông” rút ruột làm nôi kết thành tổ làm nhà cho con, vắt kiệt mình nhả tinh chất di dưỡng giống nòi.
Không được đào tạo qua trường lớp, khai thác yến là nghề cha truyền con nối nhờ dạn dĩ kinh nghiệm mà thành. “Cha ông làm sao mình làm vậy là trước đây, còn giờ ngoài khai thác, chúng tôi nhặt trứng yến để ấp nở, bảo tồn” - ông Năm cho biết.
Đội quân "người yến” được chia thành hai nhóm: nhóm ở bên ngoài lo hậu cần, tiếp tế nước, giám sát, kỹ thuật và nhóm làm giàn tre, thu hái tổ yến.
“Có một lần đi khai thác, sóng bất ngờ đánh lên. Người chạy kịp nhưng đồ đạc dụng cụ lùa hết xuống biển. Một số người mặt tái mét. Không cẩn thận gãy tay gãy chân, mất mạng”, tiến sĩ Võ Tấn Phong dặn dò.
“Chỗ này không dành cho người yếu tim. Sơ sẩy là đổi cả tính mạng. Phải tập trung chú ý, đảm bảo an toàn” – ông Năm dẫn đầu đoàn, nói thêm. Thỉnh thoảng "người yến" chụp lấy tay tôi, thót tim lúc bước hụt suýt rơi tõm xuống đáy hang sâu hàng chục thước.
Trong hang ẩm ướt, mùi phân yến nồng lên gai mũi. Bên dưới, sóng gầm dội ù đặc tai. Những nhân viên túa mồ hôi ướt áo, tóc. Mồ hôi đầm đìa những khuôn mặt, trên mười đầu ngón tay. Hang tối như ai bưng mắt, đèn pin le lói rọi đường, mấp mé giữa vực và lô nhô đá trơn, sắc cạnh mà đội "người yến" đi phăm phăm.
Nhân viên lớn tuổi nhất đứng ra chỉ huy dựng “giàn cội” bằng tre. Giàn làm từ những cái găng - đoạn tre già cứng chống vào 2 vách hang. Một cây tre trụ to và dài nhất được chọn làm cội đại. Còn lại là cội trung và cây tre trẻ được gác thêm vào vách hang làm giàn thêm chắc chắn.
Trên địa thế hiểm trở, cheo leo, giàn cội tre hình thành nhanh chóng hỗ trợ khai thác yến dễ dàng hơn. "Những "người yến" leo lên gỡ tổ yến bằng tay, hạn chế dùng sào để tránh tổ yến bể vỡ, giảm “phẩm cấp”. Những tổ bám chắc vào vách đá, phải dùng phun sương từ từ lấy chân tổ nguyên vẹn", khéo léo gỡ tổ yến, anh Phong nói.
Bao năm làm nghề này nên chỉ cần đi qua cùng chiếc đèn pin, những kỹ thuật viên đều nằm lòng vị trí tổ yến.
Bất ngờ thu nhập của những "người yến"
Ngày nay, giá trị yến cao, 1 ký yến sào loại tốt giá vài ngàn đô la (Mỹ), đắt đỏ như vàng trắng. Mỗi đợt thu hoạch tuy ngắn khoảng 4 - 5 ngày song "người yến" phải đổ mồ hôi sôi nước mắt lao động. Khi thu hoạch xong, họ trở thành những người bảo vệ, canh giữ hang yến, một công việc trông có vẻ tương đối buồn tẻ.
Cầm túi vải màu xanh đựng đầy "vàng trắng" đảo xanh, ông Năm phấn khởi đi ra khỏi hang, mồ hôi đầm đìa thấm đẫm áo với nụ cười tươi. Yến mang về được nhập kho, vài ngày sau sẽ hút ẩm mới cân và đóng gói.
Chuyện trò về nghề, “nhạc trưởng” Năm có phần ngậm ngùi: “Vàng trắng” từng là nguồn thu quan trọng của TP Hội An nhưng nay nhân viên của BQL có người lương chỉ tháng 6 triệu, và phụ cấp biển đảo 30% sống xa nhà hàng tháng trời”.
“Dù sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng sản lượng sụt giảm hàng năm, đời sống người làm nghề bảo vệ và khai thác yến sào Cù Lao Chàm có chiều hướng ngày càng đi xuống. Có những người không vượt qua cô đơn đảo xa, hiểm nguy, mức sống thấp nên đã nghỉ việc. Chưa ai viết về đời sống của "người yến”" – Ông Cao Văn Năm – Trưởng BQL và khai thác yến sào Cù Lao Chàm – Hội An trăn trở.
Sự thật về nghề chịu tiếng mang lời: "Rút rổ đổ trứng"
"Một số bài viết nói việc lấy tổ yến là không nhân văn nhưng không có chuyện đó. Họ viết theo cảm tính mà thôi. Yến cũng là một loài chim như bao loài chim khác, mất tổ làm tổ mới, mất bạn nó tìm bạn mới. Chỉ khi lấy tổ mà chim non chưa bay mới làm hại chim non. Huống hồ nay anh em làm nghề bảo vệ và khai thác yến sào Cù Lao Chàm chúng tôi còn cứu hộ chim non bị rơi khỏi tổ. Chim non sẽ không bị chết nữa”.
Tiến sĩ Võ Tấn Phong
Bảo Hòa