Chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn nhất khu vực
Trong tháng 3 này, các yếu tố rủi ro thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đối mặt là chính sách lãi suất của Fed. Áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế cũng như nguồn cung ngoại tệ chưa hồi phục do cán cân thương mại nhập siêu (2 tháng đầu năm ước tính 0,9 tỷ USD) và giai đoạn cao điểm nguồn kiều hối đã qua.
Tuy nhiên, cán cân thương mại sẽ nhanh chóng được cải thiện khi xuất khẩu hồi phục và giúp đồng VND duy trì được sức mạnh của mình.
Với diễn biến của thị trường chứng khoán trong giai đoạn vừa qua, tác động từ việc FED nâng lãi suất trong tháng 3 có thể đã được phản ánh phần lớn. Hơn nữa, diễn biến các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam và chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy mức độ tương quan khá thấp.
Bên cạnh đó, mức độ nghiêm trọng của tình hình xung đột Nga-Ukraine sẽ không tác động trực tiếp đến Việt Nam, vì cả hai nước liên quan đều không phải là đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với Việt Nam khi xung đột kéo dài là áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh. Đợt tăng giá hàng hóa lần này có thể gây lo ngại về lạm phát, nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn luôn có lợi thế nhất định trong việc kiểm soát lạm phát.
Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp kiểm soát giá nhằm giữ cho lạm phát ở mức thấp hơn. Đối với giá xăng dầu, việc điều hành giá có thể còn các công cụ như giảm thuế nhập khẩu/thuế bảo vệ môi trường cũng như thực hiện bán một phần dự trữ xăng chiến lược...
Về định giá, hệ số P/E 2022 của VN-Index năm 2022 hiện ở mức 14,2 lần, mức định giá này đang hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực. Trong ngắn hạn, biến số về mâu thuẫn Nga-Ukraine mặc dù không tác động lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng vẫn là rủi ro cần nhà đầu theo dõi và thận trọng.
Các yếu tố tích cực có thể tác động đến thị trường trong tháng 3 bao gồm (i) kết quả kinh doanh sơ bộ Q1/2022 và (ii) kế hoạch định hướng năm 2022 trong mùa Đại hội cổ đông đang đến gần.
Về góc nhìn kỹ thuật, chỉ số VN-Index hiện đang trong trạng thái đi ngang giữa vùng kháng cự 1.512 điểm và vùng hỗ trợ 1.470 điểm. Vùng 1.470 điểm là mốc hỗ trợ quan trọng, nếu chỉ số VN-Index giữ vùng hỗ trợ này đi cùng với thanh khoản cải thiện dần thì đây là tín hiệu gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với kỳ vọng chỉ số sẽ kiểm lại vùng đỉnh cũ 1.537 điểm.
Ngược lại, nếu bị phá vỡ thì vùng hỗ trợ tiếp theo trên chỉ số VN-Index được xác định quanh vùng 1.440 – 1.423 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch tuần qua, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,23% và Topix giảm 1,96%; Kospi của Hàn Quốc giảm 1,22%; S&P/AXS của Australia giảm 0,57%.
Bên cạnh đó, sắc đỏ còn phủ sóng nhiều chỉ số ở Trung Quốc đại lục. Cụ thể, chỉ số SSE Composite của Thượng Hải giảm 0,96%; SZSE Composite của Thâm Quyến giảm 1,37%; Hang Seng của Hong Kong giảm 2,5%.
Chứng khoán châu Âu cũng chịu thiệt hại nặng nề trước tình hình xung đột leo thang ở Ukraine. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 2,74%; CAC 40 của Pháp giảm 4,24%; DAX của Đức giảm 3,87%; Stoxx 600 giảm 3%.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu dù đón báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến, do xung đột vũ trang Nga-Ukraine tiếp tục phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Nỗi lo gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga đẩy giá dầu tăng hơn 7%, trong khi giá Bitcoin giảm khá mạnh và không được giữ đươc ngưỡng chủ chốt 40.000 USD.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 179,86 điểm, tương đương giảm 0,53%, còn 33.614,8 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,79%, còn 4.328,87 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,66%, còn 13.313,44 điểm.
Quang Duy