Chân dung GS Võ Tòng Xuân - Nhà khoa học Việt đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng Vinfuture
Tối ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, giải thưởng Khoa học công nghệ toàn cầu 2023 (VinFuture 2023) đã chính thức công bố chủ nhân của các giải thưởng danh giá.
Lễ trao giải được diễn ra long trọng với hiện diện các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và liên đoàn các tỉnh, thành phố và sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, trong đó có nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng trong giới nghiên cứu toàn cầu, chủ nhân các giải thưởng danh giá như Nobel, Millennium Technology, Turing,....
Năm thứ ba tổ chức, giải VinFuture 2023 xoay quanh chủ đề "Chung sức toàn cầu", hướng đến sự đột phá trong khoa học dựa trên tinh thần hợp tác, sáng tạo không biên giới. Chương trình cũng nhằm hướng tới mục tiêu lan tỏa thông điệp: thế giới cần đoàn kết, chung sức, sau khi đã hồi sinh và tái thiết trong năm 2022, đưa nhân loại cùng phát triển, tiến lên tầm cao mới.
Trong khuôn khổ lễ trao giải, GS Võ Tòng Xuân cùng nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn, GS Gurdev Singh Khush, đã giành giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển với công trình "Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh". Hai nhà khoa học được vinh danh cho đóng góp quan trọng trong việc phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Với công bố này, Việt Nam đã có nhà khoa học đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng khoa học Vinfuture.
Theo đánh giá của hội đồng giải thưởng, cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của GS Gurdev Singh Khush và GS Võ Tòng Xuân trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.
Riêng GS Võ Tòng Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.
Nhờ các sáng kiến này, GS Xuân đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.
"Việc sử dụng các giống lúa kháng bệnh năng suất cao như IR36 và IR64 không chỉ làm giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng, mà còn hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu", hội đồng giải thưởng đánh giá về công trình của hai GS.
"Ngoài ra, tiến bộ về năng suất lúa gạo trên toàn cầu đảm bảo rằng việc tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm ổn định trở nên công bằng và đáng tin cậy hơn.
Phát kiến này có ảnh hưởng sâu rộng với những tác động tiềm năng đến cấu trúc kinh tế xã hội, bảo tồn môi trường và sức khỏe toàn cầu, và đóng vai trò to lớn trong việc kiến tạo một tương lai an toàn và bền vững hơn cho tất cả mọi người".
Chân dung nhà khoa học Việt đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu - Vinfuture
GS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang. Thuở niên thiếu của ông trải qua nhiều cơ cực, làm nhiều nghề để góp vào nguồn thu nhập ít ỏi của cha mẹ lo cho 5 anh em và phải tự trang trải các khoản chi phí học tập: sáng sớm đi bán báo, tối đến dạy kèm trẻ em tại tư gia. Từ đó, ông biết quý trọng giá trị sức lao động và càng quyết tâm học để bay cao, bay xa trong vùng trời tri thức vô tận.
Năm 1961, ông được học bổng du học tại trường Đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos và là một du học sinh xuất sắc trong học tập. Ông luôn xung phong trong các hoạt động ngoại khóa của trường như: viết báo, chụp ảnh và thực hiện chương trình “giới thiệu về văn hóa Việt Nam” cho Đài phát thanh Philippines...
Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).
Năm 1971, giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến tại Viện Lúa quốc tế (IRRI) với mức lương hàng ngàn USD mỗi tháng và môi trường làm việc tân tiến, ông lại khăn gói về Việt Nam với mức lương thấp hơn chỉ vì muốn đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp cho quê nhà theo lời mời của Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ. Tình yêu khoa học và sự khát khao tái thiết đất nước của ông vẫn như dòng chảy mãnh liệt trong con người luôn vượt lên khổ nhọc.
Lúc đó viện trưởng Đại học Cần Thơ là ông Nguyễn Duy Xuân viết thư sang cho ông: “ĐBSCL không có ai chuyên về lúa cả, nếu anh về làm ở đại học chắc sẽ giúp ích được nhiều hơn. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh...”.
Ngày 9-6-1971, tạm biệt Viện Lúa quốc tế để về VN làm công việc mà ông ý thức rõ ràng: cố gắng để “nhân mình ra” cho đất nước.
Cần Thơ thời đó tuy là trung tâm của đồng bằng nhưng cũng ít có người giỏi về lắm. Một mình ông dạy bảy môn và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Riêng chỉ hai năm 1972 - 1974 đã hướng dẫn được 25 SV làm luận văn tốt nghiệp. Lúc đó trong nước không có người làm ngành này, chỉ có một mình ông làm theo ý mình. Với tâm nguyện nhân ra được người nào hay người đó.
Lương chính thức chỉ có 21.000 đồng, giá một tô phở thời ấy là 35 đồng/tô. Nghĩa là không thể đủ để nuôi gia đình. Phải ở nhờ nhà ba mẹ. Nhà nghèo, nên ông nghĩ cách đi làm thêm.
Cuối năm 1974, ông sang Nhật bảo vệ luận án tiến sĩ và sau khi miền Nam giải phóng, có một tiến sĩ Võ Xuân Tòng trở về từ Nhật Bản mang những kiến thức đã học ở nước ngoài về phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản 1975.
Ông là nhà một nhà sư phạm tài năng, nhiều tâm huyết với ngành, luôn trăn trở tìm ra những giải pháp tích cực để phát triển giáo dục, nâng cao dân trí. Ông đã biên soạn nhiều giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế.
Cụ thể, từ 1980 - 1992: Nghiên cứu sử dụng đất phèn Đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu cây lúa cao sản; nghiên cứu hệ thống canh tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ năm 1990. Khi đến tuổi nghỉ hưu như cuộc “hẹn hò định mệnh” ông trở thành Hiệu trưởng của ngôi trường Đại học đầu tiên trên quê hương An Giang. Năm 2003, ông là tác giả hai quyển sách, đồng tác giả một tác phẩm khác, chủ biên ba công trình, nhiều báo cáo khoa học; hướng dẫn công trình tốt nghiệp cho trên 150 kỹ sư nông nghiệp, 3 tiến sĩ nông học, 5 phó tiến sĩ và 12 thạc sỹ. Đặc biệt những năm 1980 - 1985, ông đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây.
Không chỉ nổi tiếng trong nước mà các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo ở Châu Phi.
2007 ông cùng cộng sự đã đến nước Cộng hòa Sierra Leone (Tây châu Phi) là 50 giống lúa cao sản và 10 giống lúa chất lượng cao. Tất cả 60 giống đều là giống của ĐBSCL. Các giống lúa được trồng thử nghiệm tại khu Mange Bureh và tại Trại nghiên cứu Rokupr. Song song đó, các kỹ sư thủy lợi thiết kế hệ thống tưới tiêu 200ha tại khu thực nghiệm Mange Bureh và xây dựng hệ thống tưới tiêu theo thiết kế... Các chuyên gia Việt Nam đã lập nên kỳ tích: trồng được 2 vụ lúa, năng suất đạt khoảng 4,7 tấn/ ha. Thời gian sinh trưởng của cây lúa chỉ từ 95 đến 100 ngày. Không những thế, các chuyên gia còn tích trữ được lượng lúa giống đủ để gieo trồng ở diện rộng.
Sau Sierra Leone, ông đã tiếp tục khảo sát Nigieria và Ghana, theo đơn đặt hàng của Công ty T4M- một công ty kinh doanh đa lĩnh vực ở Anh quốc. Thổ nhưỡng của Nigieria và Ghana tương đối giống ĐBSCL, nhưng đất đai kém màu mỡ hơn. Đặc biệt, Nigieria có đồng bằng sông Niger rất trù phú. Chính phủ Nigieria đã thành lập Ủy ban phát triển đồng bằng sông Niger và hằng năm đầu tư cho vùng này hàng chục triệu USD. Công ty T4M có năng lực tài chính khá mạnh và đã được Chính phủ Anh đồng ý cho vay 36 triệu USD để đầu tư vào dự án này.
“Phó Tổng thống Sierra Leone- Solomon Berewa- nói rằng nếu Việt Nam giúp Sierra Leone thử nghiệm và tổ chức sản xuất lương thực theo kỹ thuật của ĐBSCL thì không những nông dân Sierra Leone được no ấm mà Việt Nam còn có thể cùng Sierra Leone xuất khẩu gạo trực tiếp từ cảng Freetown của Sierra Leone đến các nước Tây Phi.
Được biết, GS Võ Tòng Xuân còn là đại biểu Quốc hội liền 3 Khóa: VII, VIII,IX.1982-1997.
Ông cũng giữ các chức vụ Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Cần Thơ thời kỳ 1982 -1977, chức vụ Hiệu Trưởng Trường Đại học An Giang từ thàng 12/1999-11/2007.
Thời kỳ 1996-2006, Giáo sư giữ chức Ủy viên Hội đồng Chức Danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam.
Từ tháng 01/2008-2010,ông đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông Thủy Sản Việt-Phi.
Từ năm 2010-10/2013, GS Võ Tòng Xuân là Hiệu Trưởng Trường Đại học Tân Tạo.
Từ tháng 10/2013-Nay, ông là thành viên Hội đồng Sáng lập và Quyền Hiệu Trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Khánh An