BVO bị đề nghị cấm vĩnh viễn trong nước ngọt có gas hương cam, nguyên nhân do đâu?
Theo thông tin được CBS News đăng tải, các nghiên cứu về độc tính gần đây đã đưa ra bằng chứng thuyết phục ủng hộ đề xuất cấm sử dụng thành phần BVO với số lượng nhỏ nhằm giữ cho hương vị cam quýt không bị tách và nổi lên trên một số đồ uống.
BVO được biết đến là một hỗn hợp phức tạp của chất béo trung tính có nguồn gốc thực vật đã được phản ứng để chứa các nguyên tử của nguyên tố brom liên kết với các phân tử. Dầu thực vật brom hóa được sử dụng chủ yếu để giúp nhũ hóa nước giải khát có vị cam quýt, ngăn chúng tách ra trong quá trình phân phối.
Loại dầu này đã được sử dụng trong ngành công nghiệp nước giải khát từ năm 1931, nói chung ở mức khoảng 8 ppm. Kiểm soát cẩn thận loại dầu được sử dụng cho phép brom hóa nó để tạo ra BVO với tỷ trọng riêng là 1,33g / mL, lớn hơn đáng kể so với nước (1g/mL). Do đó, loại dầu này có thể được trộn với các chất tạo hương vị ít đậm đặc hơn như dầu hương cam quýt để tạo ra một loại dầu kết quả, có tỷ trọng sánh với nước hoặc các sản phẩm khác. Các giọt chứa trong dầu thực vật brom hoá (BVO) vẫn lơ lửng trong nước thay vì tách ra và nổi trên bề mặt.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy hợp chất này có thể tích tụ từ từ trong mô mỡ của chúng ta. Brom cũng có khả năng cản trở i-ốt thực hiện quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển. Do đó, nhiều cơ quan y tế trên thế giới đã hoài nghi về rủi ro của chất nhũ hóa này trong nhiều thập kỷ.
Một số quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành lệnh cấm chất này. Bang California của Mỹ hồi tháng 10 cũng đã cấm chất này bằng một đạo luật có hiệu lực vào năm 2027.
Theo báo cáo của FDA, một nghiên cứu ở Anh vào những năm 1970 cho thấy brom tích tụ trong mô con người và động vật có tác động đến các vấn đề về tim và hành vi. FDA cho biết, từ những năm 1970, BVO nói chung không còn được công nhận là an toàn nữa, các nhà sản xuất đồ uống đã thay thế thành phần này bằng các nguyên liệu đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng hơn.
Ngày nay, còn rất ít các sản phầm đồ uống tại Mỹ còn sử dụng thành phần BVO, tuy nhiên, đề xuất của FDA có thể ảnh hưởng đến một số loại đồ uống thể thao và nước ngọt có hương vị hỗn hợp chanh, chanh và cam, bao gồm cả nước ngọt Sun Drop do Keurig Dr Pepper sản xuất.
Theo ông James Jone, Phó Ủy viên FDA chia sẻ, BVO có trong thực phẩm có thể được thay thế bằng nhiều thành phần khác và điều này đã trở nên rất phổ biến tại Mỹ. Tuy nhiên, đề xuất của FDA vẫn cần trải qua một quá trình cân nhắc kéo dài và lệnh cấm có tính pháp lý khó có thể được đưa ra trước đầu năm 2024.
Brom có thể gây kích ứng da và niêm mạc, chẳng hạn như: Niêm mạc ẩm của mũi, miệng, phổi và dạ dày. Tiếp xúc lâu dài với thành phần brom trong loại dầu này có thể gây ra các triệu chứng thần kinh như đau đầu, mất trí nhớ và suy giảm khả năng cân bằng hoặc phối hợp. Trong quá khứ, các triệu chứng này đã được thấy khi sử dụng mãn tính muối bromua làm thuốc ngủ. Những loại thuốc này không còn được bán rộng rãi ở Mỹ.
Thậm chí, đã có báo cáo về những người bị mất trí nhớ và các vấn đề về da và thần kinh sau khi uống quá nhiều (hơn 2 lít mỗi ngày) soda có chứa dầu thực vật brom hoá (BVO). Mặc dù ít người có khả năng uống một lượng lớn như vậy, nhưng mối quan tâm vẫn tồn tại bởi vì brom dường như tích tụ trong cơ thể.
Do vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng khi chọn mua các loại đồ uống đóng chai/lon, người dùng nên kiểm tra nhãn thành phần và không uống một lượng lớn đồ uống có chứa dầu thực vật brom hoá (BVO).
Cùng với đó, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, người tiêu dùng cũng được khuyến cáo nên cắt giảm và hạn chế tất cả đồ uống có đường. Thay vào đó, hãy chọn những lựa chọn lành mạnh hơn, chẳng hạn như: Nước lọc, sữa ít béo hoặc nước ép trái cây tươi.
Khánh An
TIN LIÊN QUAN
-
Hưng Yên: Kịp thời ngăn chặn hơn 500kg thịt lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm chờ lên bàn ăn
-
Cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu cho sản phẩm Mật ong hoa cà phê Gia Lai
-
Dầu gội trị rụng tóc Modus bị thu hồi do không rõ nguồn gốc
-
Từ chuyện Trung Nguyên mất nhãn hiệu và những bài học không bao giờ cũ