Từ chuyện Trung Nguyên mất nhãn hiệu và những bài học không bao giờ cũ
Việc chậm trễ trong đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt bị mất thương hiệu, hoặc phải tốn rất nhiều công sức, chi phí để đòi lại quyền sở hữu như: Kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc, Gạo ST 25,... Thế nhưng, hồi chuông cảnh tỉnh lớn nhất phải kể đến việc suýt mất thương hiệu của cà phê Trung Nguyên.
Nhiều lần mất thương hiệu của Trung Nguyên
Khởi nguồn từ một quán cà phê nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP.HCM), cà phê Trung Nguyên dần gây ấn tượng mạnh với 9 loại cà phê do Trung Nguyên sản xuất và được pha chế theo cách riêng. Dần dần, doanh nghiệp này đã mở rộng hệ thống đại lý lên gần 400 quán cà phê trong nước, theo hình thức nhượng quyền thương mại. Hình thức nhượng quyền này cũng được phát triển ra nước ngoài. Cà phê Trung Nguyên đã xuất hiện tại Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Australia,…
Tháng 7/2000, Công ty Trung Nguyên tiếp xúc với Công ty Rice Field với mục tiêu đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng thì phía Rice Field đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).
Đứng trước nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, một mặt Trung Nguyên nộp đơn đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng Mỹ, với WIPO; mặt khác tiến hành thương thảo, đàm phán với Rice Field.
Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu. WIPO đã không chấp nhận bảo hộ cho Rice Field và công ty này cũng nhận làm đại lý phân phối cà phê Trung Nguyên tại Mỹ. Nhiều nguồn tin cho rằng để dàn xếp ổn thỏa, Trung Nguyên đã phải rất vất vả và tiêu tốn tốn hàng trăm nghìn USD cho việc lấy lại thương hiệu. Sau đó, Trung Nguyên sau đó đã mạnh tay đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới.
Ít ai biết, không những suýt mất thương hiệu trong cuộc sống thực, Trung Nguyên còn mất thương hiệu trên cả thế giới ảo.
Năm 2003, tên miền trungnguyen.com.vn được Công ty Trung Nguyên mua. Trung Nguyên có lẽ cũng muốn mua tên miền .com cho mình, nhưng từ năm 2001, tên miền trungnguyen.com đã được một Việt kiều Séc đăng ký trước; hay tên miền trungnguyencoffee.com cũng đã bị Công ty Clockworkcommerce đăng ký từ năm 2007.
Đến năm 2010, vấn đề thương hiệu của Trung Nguyên lại thêm một lần “dậy sóng” bởi vụ ầm ĩ giữa Trung Nguyên và Highlands của Công ty Cổ phần Việt Thái Quốc tế (VTI), khi tên miền trungnguyen.com.au (tên miền quốc gia của Australia) được dùng để quảng bá, giao dịch cho Highlands Coffee. Sự cố chỉ được Trung Nguyên phát hiện khi đăng ký tên miền này tại Australia.
Trung Nguyên cho rằng Highlands Coffee cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, đại diện của Công ty Cổ phần Việt Thái Quốc tế khẳng định mình không hề liên quan đến Công ty The trustee for Hinchliffe Trust. Tới năm 2014, website này không còn tồn tại nữa.
Dường như bài học về việc suýt mất thương hiệu trên thị trường Mỹ và nhiều lần mất tên miền trên thế giới ảo chưa là gì với Trung Nguyên. Vào năm 2012, Trung Nguyên tiếp tục lại có cú vấp đau hơn với thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ. Trung Nguyên mua tên miền Legendee.com từ tháng 12/2011 nhưng quên hàng loạt tên miền có liên quan khác.
Vì vậy, Trung Nguyên chỉ biết kêu trời khi Legendeecoffee.com thuộc về một cá nhân chẳng có dính dáng gì đến Trung Nguyên. Lần này, hậu quả có vẻ nặng nề hơn khi Trung Nguyên bị mất cơ hội xuất khẩu cà phê mang thương hiệu Legendee Coffee tại thị trường Mỹ.
Theo Văn phòng về Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO), thương hiệu Legendee Coffee được đăng ký tại Mỹ vào ngày 27/4/2012. Tra cứu trên trang chủ của USPTO cho thấy, chủ sở hữu thương hiệu Legendee Coffee là ông Alexander Nguyen – một người không có mối liên quan nào với Công ty Trung Nguyên.
Trên hệ thống của USPTO cũng đã thể hiện kết quả rằng Trung Nguyên không đăng ký bản quyền Legendee Coffee. Như vậy, nếu Trung Nguyên muốn phát triển thương hiệu Legendee Coffee tại Mỹ thì phải đàm phán với chủ sở hữu thương hiệu Legendee Coffee tại quốc gia này. Trong khi, chi phí đăng ký bản quyền Legendee Coffee tại Mỹ được tiết lộ chỉ mất có 165 USD.
Quy trình ngược trong đăng ký bảo hộ của doanh nghiệp Việt
Vào trang chủ của USPTO sẽ dễ dàng thấy số hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá mà người đăng ký có địa chỉ tại Việt Nam rất ít. Trong khi đó, Trung Quốc, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác cùng sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng tương tự Việt Nam đã đăng ký khá nhiều các đối tượng sở hữu công nghiệp tại Mỹ.
Có thể nhận thấy rằng, chỉ sau khi hàng chục nhãn hiệu hàng hoá suýt bị lấy mất tại các thị trường lớn, doanh nghiệp Việt Nam mới quan tâm tìm hiểu đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trước đó, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận trong khi bảo vệ tài sản trí tuệ lại khá mơ hồ. Từ đó, dẫn đến việc các doanh nghiệp không có ý thức bảo vệ nhãn hiệu, mặc dù đó là thành quả mà doanh nghiệp không dễ dàng tạo dựng được.
Từ nhận thức trên dẫn đến việc chiến lược bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa được chú ý đúng mức. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam thường chờ cho đến khi có thị trường xuất khẩu rồi mới đăng ký nhãn hiệu.
Đối với công ty nước ngoài thì quy trình này diễn ra theo chiều ngược lại, trước khi đưa hàng hoá vào thị trường Việt Nam hay bất kỳ một thị trường nào, họ đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu. Điển hình, hãng Unilever có tới 696 nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Các nhà chuyên gia về sở hữu trí tuệ đều khẳng định điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải nâng cao tính chuyên nghiệp cho mình, ngoài đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước, cần đăng ký tại các quốc gia khác. Việc chậm trễ trong đăng ký chứng nhận độc quyền tại nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp bị mất thương hiệu hoặc phải tốn rất nhiều công sức, chi phí đòi lại.
Nhận diện hành vi xâm phạm nhãn hiệu
Thực chất, thủ tục đăng ký bảo vệ thương hiệu không hề khó. Về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, thì cá nhân, pháp nhân nào có ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước thì sẽ được bảo hộ nếu đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Vì vậy, ngay sau khi thành lập doanh nghiệp cần thực hiện xác lập quyền của mình bằng các đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Bên cạnh đó, việc các công ty đăng ký tên thương mại có cụm từ đã nổi tiếng, thuộc quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp khác để lợi dụng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm đã có sẵn trên thị trường chính là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bởi hành vi này khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn, không phân biệt được đâu là hàng giả, hàng thật.
Doanh nghiệp đã đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu có quyền yêu cầu và xử lý vi phạm đối với hành vi xâm phạm của công ty mình.
Trong trường hợp nhận thấy có cá nhân, pháp nhân khác nộp đơn đăng kí bảo hộ nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của mình, doanh nghiệp cần nhanh chóng nộp yêu cầu phản đối cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu này.
Tân Nguyên
TIN LIÊN QUAN
-
Thương hiệu quốc gia 2016 gọi tên Tân Hiệp Phát, Cà phê Trung Nguyên bị loại
-
Từ chuyện 'Phở Thìn': Chưa bảo hộ sở hữu trí tuệ có thể nhượng quyền được không?
-
Từ chuyện một tên gọi, hai thương hiệu 'Phở Thìn': Lợi ích khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước
-
Thúc đẩy các hoạt động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài