Bảo vệ thương hiệu chợ Đông Ba treo thưởng tiền cho người phát hiện nói thách
Chợ Đông Ba yêu cầu tiểu thương niêm yết, bán đúng giá, không nói thách, không mì xưa (mở hàng) và không chèo kéo khách.
Gần Tết Nguyên Đán, các gian hàng bánh mứt đặc sản Huế, quần áo,… tại chợ Đông Ba tấp nập người bán kẻ mua và nhiều bạn trẻ mặc áo dài tới chụp ảnh xuân. Khung cảnh ngôi chợ truyền thống Huế nhiều màu sắc và rộn ràng hơn hẳn.
Nhằm phổ biến các công tác quản lý chợ trước Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, Ban Quản lý chợ Đông Ba tổ chức các phiên họp với bà con tiểu thương khu vực Chương Dương, Lầu Chuông trên để phổ biến những nội dung quản lý chợ. Qua đó, Ban Quản lý yêu cầu tiểu thương, đảm bảo phòng cháy chữa cháy, không lấn chiếm diện tích, đưa hàng hóa ra khỏi vạch vàng quy định. Cắt điện trước khi ra về, không tự ý câu móc điện, trang bị quả cầu phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, Ban Quản lý chợ nhấn mạnh nội dung văn minh thương mại, thực hiện niêm yết và bán hàng đúng giá, không chèo kéo, cư xử thân thiện với khách hàng. Chợ Đông Ba phổ biến các phương châm 3 không: không nói thách, không chèo kéo, không mì xưa. Hai có: có chất lượng, có uy tín đồng thời biết bảo vệ mình tránh xa tín dụng đen.
Theo thông báo của Ban quản lý chợ Đông Ba mới đây, người phản ánh đúng cơ sở, trường hợp nói thách sẽ được nhận thưởng tiền mặt số tiền 500.000 VNĐ/vụ việc. Đối với các trường hợp vi phạm, Ban Quản lý chợ sẽ tiến hành đình chỉ 7 ngày và thu phạt theo nội quy của chợ.
Ngay dưới bài đăng, một người dân phản ánh về tình trạng nói thách từng khiến họ ngại đi chợ truyền thống. Bà P.T.T.L cho hay: “Thực ra, chợ Đông Ba và Ban Quản lý có rất nhiều nỗ lực và thay đổi tích cực. 5 năm rồi không dám đi chợ, nhưng từ khi có những thay đổi trong cách quản lý tôi đã mạnh dạn đi chợ trở lại nhưng vẫn còn sợ bị hớ giá và nói khó nghe”.
Trước phản ánh của người tiêu dùng, ngày 16/1, Ban Quản lý chợ tăng cường kiểm tra công tác niêm yết giá tại khu vực C với những gian hàng giày dép nhằm tạo yên tâm cho du khách.
Chợ Đông Ba từng mang tiếng bởi tình trạng nói thách giá lên gấp hai, ba lần khiến rất nhiều du khách tới Huế tham quan chợ Đông Ba nhưng dè dặt trong rút hầu bao. Việc vực dậy mọi mặt của chợ Đông Ba là chủ trương lớn mang tính đột phá của UBND và Thành ủy Huế.
Ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế - đã từng phát biểu: “Chợ Đông Ba là một thành trì để bảo vệ các giá trị văn hóa Huế được lưu giữ và phát triển. Đã có nhiều thời điểm, bước vào chợ Đông Ba, du khách có thể hình dung được phần nào văn hóa và con người Huế qua hình ảnh các tiểu thương. Chúng tôi quyết tâm để hình ảnh chợ Đông Ba được thay đổi, chợ thể hiện được các giá trị văn hóa Huế, là điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế cũng như người Huế xa nhà trở về quê hương”.
Ngôi chợ truyền thống Đông Ba tại TP Huế là ngôi chợ lâu đời với lịch sử 124 năm xây dựng và phát triển. Chợ Đông Ba có phong phú các loại hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản và chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ Huế và các vùng phụ cận, các mặt hàng thị trường tại Việt Nam.
Tính đến năm 2020, toàn chợ có hơn 2.700 lô và hơn 1800 hộ kinh doanh phân bổ tại 6 khu vực trên diện tích 22.749 m2. Chợ kinh doanh khoảng 60 ngành hàng, buôn bán các mặt hàng từ cao cấp đến bình dân, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Thời điểm cuối năm, dù tại nhiều tỉnh thành lượng khách tới chợ truyền thống trong thời đại 4.0 thưa vắng nhưng tại chợ Đông Ba, mỗi ngày vẫn có khoảng 7.000 – 10.000 du khách và người dân, người mua bán đến ngôi chợ nổi tiếng của Huế này.
Bảo Hòa