SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Xuất khẩu: sẽ khắc nghiệt hơn!

08:58, 17/10/2015
Cùng với các hiệp định thương mại tự do, cánh cửa xuất khẩu hàng Việt Nam được dự báo sẽ rộng mở từ năm 2016. Tuy nhiên, thị trường tự do hơn cũng đồng nghĩa với cạnh tranh khốc liệt hơn. Việc giành thị phần của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn bội phần!  

2016: Cạnh tranh khốc liệt, kiện tụng gia tăng!

Chia sẻ bên lề hội nghị giao ban về tình hình xuất khẩu chín tháng đầu năm 2015 do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM ngày 12-10 vừa qua, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen, không ngần ngại tiên liệu sắp tới đây, cho dù các điều kiện xuất khẩu hàng sang Mỹ sẽ thuận lợi hơn nhưng sản phẩm thép của Hoa Sen chắc chắn sẽ phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ ngành sản xuất thép của Mỹ. Ông Vũ cho biết Hoa Sen đang đối mặt với 4-5 vụ kiện chống bán phá giá từ nhiều nước, xoay xở vượt qua vụ kiện này thì lại vướng tiếp vụ kiện khác. “Chúng tôi phải tính đến việc lập bộ phận tư vấn pháp lý gồm các luật sư giỏi đủ sức xử lý các vụ kiện chống bán phá giá sắp tới”, ông cho biết.

Ông Vũ cho rằng việc phải chi phí thêm cho vấn đề tư vấn pháp lý kiện tụng là điều cần thiết. Trước đây, Hoa Sen từng tiên lượng sẽ bị Úc kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ kẽm nên đã đi trước một bước là thuê luật sư tư vấn pháp lý ngay tại Úc. Đến khi Hoa Sen bị Úc nêu tên điều tra chống bán phá giá thì doanh nghiệp đã chứng minh đầy đủ số liệu và đã vượt qua được vụ kiện. Ông Vũ chia sẻ rằng khoản chi phí vài trăm ngàn đô la Mỹ để ứng phó với kiện chống bán phá giá không phải là quá lớn so với doanh số xuất khẩu của công ty. Tuy nhiên, theo ông, đây không phải là vấn đề của riêng Hoa Sen mà sẽ là áp lực chung đè nặng lên các doanh nghiệp thép, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Với xu hướng hội nhập toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, đặc biệt là việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ đi vào cuộc sống trong một hai năm tới, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước áp lực phải chủ động tự cải tổ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cơ bản, ông Lê Phước Vũ nhận định nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đang trong chu kỳ suy giảm sâu và sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa. Do vậy, áp lực cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, các nước sẽ tận dụng các hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại mạnh mẽ hơn, theo đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Nhìn rộng ra cho nhiều ngành nghề khác, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động liên kết với hiệp hội ngành nghề cũng như các cơ quan quản lý nhà nước (như Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương hay các thương vụ thuộc đại sứ quán tại các nước) để có những đối sách ứng phó với tình huống bị khởi kiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khi hội nhập thương mại ở tầm khu vực và thế giới, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chấp nhận những “luật chơi” chung về tự do hóa thương mại toàn cầu. Ông nói: “Trước tiên, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các cơ chế xử lý tranh chấp thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại. Trách nhiệm của nhà nước là sẽ cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp thực thi các cam kết hội nhập, trong đó có xử lý tranh chấp thương mại. Các cơ quan Nhà nước sẽ cùng doanh nghiệp phân định thông tin, số liệu về kiện tụng để doanh nghiệp giảm bớt chi phí tham gia tranh chấp thương mại”.

Cũng tại hội nghị giao ban về xuất khẩu nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra cảnh báo: “Xu thế gia tăng sự bảo hộ không chỉ ở các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... mà ở cả các thị trường lân cận. Có thể thấy tranh chấp thương mại sẽ ngày càng gia tăng về số lượng, gay gắt hơn về tính chất và không chỉ đối với hàng nông nghiệp của Việt Nam mà sẽ lan sang cả ngành công nghiệp”.

2015: Kết quả buồn cho nông lâm thủy sản!

Nhận định về bức tranh xuất nhập khẩu chín tháng đầu năm 2015, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng có dấu hiệu đáng buồn cho sự quay đầu suy giảm của nhóm doanh nghiệp trong nước sau những tín hiệu tích cực về tăng trưởng hồi đầu năm 2014, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Chẳng hạn xuất khẩu gạo năm nay dự kiến đạt 6,5 triệu tấn với giá trị khoảng 2,8 tỉ đô la Mỹ (tăng 2,7% về lượng và giảm 4,6% về giá trị so với năm 2014); xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 6,8 tỉ đô la Mỹ (giảm 13%); cà phê dự kiến đạt 1,4 triệu tấn với 2,8 tỉ đô la Mỹ (giảm 17,2% về lượng và 21,3% về giá trị); cao su dự báo đạt 1,1 triệu tấn với 1,6 tỉ đô la Mỹ (giảm 10%).

Riêng chỉ có xuất khẩu dệt may là được dự báo sẽ bứt phá mạnh trong những tháng cuối năm để có thể đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 23 tỉ đô la Mỹ cả năm 2015, tăng 10% so với năm 2014.

Theo ông Trần Tuấn Anh, trước mắt, các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết chưa đem lại hiệu quả tăng trưởng lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường tiêu thụ hàng hóa thế giới tuy có hồi phục nhưng chưa bền vững. Trong khi đó, các nước cũng đang nhanh chóng đa dạng hóa nguồn cung, tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với sản phẩm của Việt Nam. Hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016 vẫn nằm trong xu hướng suy giảm chung của thị trường thế giới, đặc biệt là các nhóm hàng đang đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu như dầu thô, than đá, và cả nhóm hàng nông lâm thủy sản.

Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), 80% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành cao su là xuất khẩu nguyên liệu thô, nhưng nhu cầu tiêu thụ của thế giới đối với mặt hàng này đang chậm lại, hàng tồn kho tăng dẫn đến áp lực giảm giá. Theo đó, trong chín tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 760.000 tấn cao su, tăng 9,5% về lượng nhưng giảm 11,6% về giá trị.

Tỷ giá cũng gây bất lợi khá lớn cho doanh nghiệp. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, với sản lượng xuất khẩu cà phê giảm 30,5%, và giá giảm 31,6% trong chín tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, ngành cà phê đang gặp khó khăn lớn là tỷ giá không giảm. Brazil, một nước xuất khẩu mạnh cà phê, đã giảm giá đồng tiền của họ đến 70%, nên họ đã bán được cà phê ồ ạt ra thị trường thế giới, trong khi Việt Nam không bán được. Mặt khác, nông dân Việt Nam quyết tâm giữ giá hàng ở mức 40.000 đồng/ki lô gam và đang tồn kho lớn. Ông Nam cho rằng, do cà phê robusta của Việt Nam chiếm đến 60% sản lượng toàn cầu, nếu hợp tác được với các nhà xuất khẩu cà phê của Brazil, cà phê Việt Nam có thể giữ được giá cao.

Về lĩnh vực thủy sản, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch tập đoàn Minh Phú, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến ngày 15-9, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ba thị trường trọng điểm giảm mạnh nhất là Mỹ (giảm 47,9%), Nhật Bản (giảm 20%) và châu Âu (giảm 18,5%). Chỉ tính riêng tập đoàn Minh Phú, giá trị xuất khẩu đạt 371,6 triệu đô la Mỹ, giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ cũng giảm mạnh, chủ yếu do kết quả vụ kiện chống bán phá giá tôm POR8 với mức thuế quá cao (6,37%). Ngoài ra, giá xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng cao, kém cạnh tranh so với tôm của Indonesia và Ấn Độ. Hiện hai nước này đang bán tôm với giá rẻ không thể tưởng tượng vì đồng tiền của Indonesia mất giá 42% và đồng tiền Ấn Độ mất giá 20%. Theo tính toán của VASEP, hiện tôm xuất khẩu của Việt Nam đang có giá đắt hơn tôm Indonesia, Ấn Độ tới 20%.

Ông Quang cho rằng, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu năm nay của ngành thủy sản không bằng năm ngoái, và thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp trong ngành cũng đang cố gắng có những biện pháp nhằm cải thiện tình hình.

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 1 ngày trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.
Kinh tế 1 ngày trước
Masan ghi nhận doanh thu hợp nhất ở mức 18.855 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ở mức 69,7%.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.