SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Vật lý y khoa – Ngành học phục vụ sức khỏe cộng đồng

15:56, 14/04/2021
(SHTT) - Năm 2021, Trường Đại học Bách Hà Nội có thêm 5 chương trình đào tạo mới. Một trong số đó là chương trình đào tạo Cử nhân ngành Vật lý Y khoa với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Vật lý Y khoa nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh hiện nay.

Ngành Vật lý Y khoa tại Trường Đại học Bách khoa được thành lập với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Vật lý Y khoa nhằm đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện (Khoa chẩn đoán hình ảnh, trung tâm y học hạt nhân và xạ trị), cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, phục vụ yêu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nói chung, đấu tranh chống căn bệnh ung thư nói riêng.

TNCM

 

Lĩnh vực liên ngành mới

Phát hiện ra tia X của Wilhelm Conrad Roentgen vào năm 1895 đã mang lại một cuộc cách mạng trong khoa học ứng dụng và y học, hình thành lĩnh vực liên ngành mới mang tên Vật lý Y khoa, nhằm áp dụng các kiến thức, quy luật và hiện tượng vật lý cũng như các giải pháp kỹ thuật, công nghệ vào sinh học và y tế với mục đích chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trên thực tế, bức ảnh chụp X-quang đầu tiên do chính Roentgen thực hiện vào ngày 22/12/1895, khoảng một tháng sau khi ông phát hiện ra tia X. Ngay lập tức, việc sử dụng tia X trong chụp X-quang chẩn đoán đã được các bác sỹ ở cả hai bờ Đại Tây Dương (Châu Âu và Mỹ) triển khai nhanh chóng trong vòng 1 năm, lập kỷ lục về thời gian áp dụng một công nghệ mới vào thực tế. 

Hiện nay, Vật lý Y khoa đã trở thành một lĩnh vực rất rộng, được coi là một lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến áp dụng bức xạ Ion hóa trong chẩn đoán và điều trị bệnh (đặc biệt là ung thư) gồm 3 nhánh chính: Chẩn đoán hình ảnh, Xạ trị và Y học Hạt nhân.

Cử nhân Vật lý Y khoa cần học gì?

IMG_1814-1536x1024

 

Cử nhân Vật lý Y khoa được trang bị các kiến thức cơ sở về toán và khoa học vững chắc để thích ứng tốt với những công việc về công nghệ – kỹ thuật, chú trọng khả năng áp dụng kiến thức cơ sở và cốt lõi của ngành Vật lý Y khoa như cơ sở vật lý y học bức xạ, sinh học bức xạ, ghi đo bức xạ, liều lượng học, an toàn bức xạ, chẩn đoán hình ảnh, xạ trị, y học hạt nhân…, sử dụng các công cụ hiện đại để thu thập, phân tích dữ liệu, tham gia thiết kế và đánh giá các giải pháp kỹ thuật, vận hành các hệ thiết bị ứng dụng kỹ thuật và công nghệ cao; từ đó giữ vai trò quan trọng trong 3 lĩnh vực chính:

Chẩn đoán hình ảnh (Diagnostic and Interventional Radiology): Kiểm tra, đảm bảo chất lượng (QA/QC) các thiết bị ghi hình chẩn đoán như X-Quang, CT, IMR, siêu âm. Đảm bảo an toàn bức xạ cho bệnh nhân và nhân viên y tế, kiểm soát liều bức xạ đối với các bệnh nhân, phụ nữ mang thai, liều thai nhi và đối với các kỹ thuật chụp can thiệp, chụp CT và các kỹ thuật chụp khác.

 Xạ trị (Radiation Oncology): Phối hợp cùng các bác sĩ, lập kế hoạch điều trị cho bệnh nhân ung thư. Kiểm tra,  đảm bảo chất lượng (QA/QC) đối với các máy gia tốc và các thiết bị xạ trị, thiết lập  các đặc tính chùm tia bức xạ chuẩn liều  bức xạ để điều trị bệnh ung thư. Đảm bảo tính chính xác và an toàn của quá trình điều trị

 Y học hạt nhân (Nuclear Medicine): Kiểm tra chất lượng hình ảnh. Kiểm tra, đảm bảo chất lượng (QA/QC) các thiết bị ghi hình chẩn đoán y học hạt nhân như PET, SPECT, PET/CT, SPECT/CT, sử dụng dược chất phóng xạ. Chuẩn liều, đánh giá liều bệnh nhân.

Vị trí việc làm ngành Vật lý Y khoa

VLykhoa

 

Cử nhân Vật lý Y khoa có thể làm việc trong một số lĩnh vực sau:

Dịch vụ lâm sàng: Trách nhiệm của một nhà y vật lý trong lâm sàng chủ yếu nằm trong lĩnh vực xạ trị và chẩn đoán hình ảnh. Vai trò của một nhà y vật lý trong xạ trị bao gồm lập kế hoạch xạ trị cũng như thiết kế, thử nghiệm, hiệu chuẩn và xử lý sự cố máy xạ trị. Vai trò của một nhà vật lý y khoa trong chẩn đoán hình ảnh bao gồm mua và lắp đặt máy, kiểm tra, kiểm soát chất lượng và vận hành.

An toàn bức xạ: Các nhà y vật lý có chuyên môn về an toàn bức xạ tại cơ sở y tế. Họ có nhiệm vụ đo đạc, tính toán liều lượng tại các bộ phận sử dụng nguồn phóng xạ, máy phát bức xạ.

Nghiên cứu và phát triển: Các nhà vật lý xạ trị đóng vai trò trung tâm trong các lĩnh vực như thiết kế và chế tạo thiết bị xạ trị, sử dụng nhiệt và laser trong điều trị ung thư, tính toán liều lượng hấp thụ bức xạ và sinh học bức xạ. Các nhà vật lý hình ảnh đang liên tục phát triển và cải tiến các phương pháp tạo ảnh cơ thể về mặt giải phẫu và chức năng.

Các phương pháp chính đang được cải tiến hiện nay bao gồm chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), chụp cắt lớp phát xạ photon (SPECT), chụp cộng hưởng từ, siêu âm, chụp x-quang, và ảnh phóng xạ hạt nhân, lập bản đồ từ-sinh học, và một số thiết bị khác. Trong lĩnh vực xạ trị, các nhà y vật lý cũng có mặt trong các nhóm nghiên cứu thiết bị gia tốc dùng trong xạ trị, y học hạt nhân.

Giảng dạy: Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành các giảng viên trong trường Đại học, giảng dạy trình độ Đại học và sau Đại học về vật lý y khoa. Ngoài ra, họ có thể đào tạo các khóa ngắn hạn cho nhân viên y tế, kỹ thuật viên vận hành các thiết bị chẩn đoán, và các công việc liên quan.

Cơ hội việc làm ngành Vật lý Y khoa
cover-e1615896643951-1024x520

 

Năm 2021, ngành Vật lý Y khoa (mã tuyển sinh PH3, PH3x), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hứa hẹn là ngành tuyển sinh hấp dẫn, thu hút nhiều học sinh tài năng trên toàn quốc ghi danh. Các sinh viên tương lai đều quan tâm xem cơ hội “đầu ra” việc làm sau khi học xong chương trình cử nhân. Có thể kể ra các vị trí có thể ứng cử sau khi tốt nghiệp như: 

  • Kỹ sư Y Vật lý tại bệnh viện, trung tâm y tế, các khoa Xạ trị ung bướu, Xạ hình chẩn đoán hình ảnh, Y học hạt nhân, X-quang;
  • Cán bộ kỹ thuật Các doanh nghiệp, công ty tư vấn – dịch vụ – chuyển giao công nghệ liên quan đến kỹ thuật X-quang, kỹ thuật xạ trị, y học hạt nhân;
  • Cán bộ kỹ thuật tham gia hoạt động bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa các linh kiện, máy móc đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống thiết bị y tế;
  • Cán bộ, giảng viên, nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước về lĩnh vực Vật lý Y khoa;
  • Cán bộ nghiên cứu, quản lý tại các cơ quan, tổ chức liên quan đến Vật lý Y khoa và lĩnh vực khoa học sức khỏe.

Năm 2021, trường Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 7420 chỉ tiêu với 59 mã ngành, trong đó có 5 chương trình đào tạo mới bao gồm:

  • Chương trình tiên tiến (CTTT) An toàn không gian số - Cyber security (IT-E15, IT-E15x)
  • CTTT Truyền thông số và Kỹ thuật đa phương tiện (ET-E16, ET-E16x)
  • CTTT Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo (EE-E18, EE-E18x)
  • Quản lý tài nguyên và môi trường (EV2, EV2x)
  • Vật lý y khoa (PH3, PH3x)

Phạm Tuấn -  Đức Tài

Tin khác

Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Tin tức 10 giờ trước
VPĐD Cục Sở hữu trí tuệ khu vực miền Trung – Tây Nguyên (Văn phòng 3) vẫn đang phát triển đổi mới sáng tạo thông qua việc thúc đẩy xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới, đồng thời là “cầu nối” cho nhà khoa học với doanh nghiệp.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Chiều 24/4, tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo (ABAII).