SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang: Khoa học công nghệ ngày càng khẳng định vị thế

17:29, 12/04/2021
(SHTT) - Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc, triển khai công tác năm 2021, định hướng công tác những năm tiếp theo.

 Tham dự Hội nghị có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; các đồng chí Thứ trưởng Bộ KH&CN: Lê Xuân Định, Trần Văn Tùng, Nguyễn Hoàng Giang; Giám đốc, Phó Giám đốc của 63 Sở KH&CN của các tỉnh/thành phố; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, các cán bộ quản lý công tác ở các địa phương của các Sở KH&CN.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhận định, năm 2021 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết đại hội các cấp, là năm đầu triển khai kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025. Trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành, nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) được đề cập đến rất nhiều.

hoi nghi khcn

 Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang: Khoa học công nghệ ngày càng khẳng định vị thế

Có thể nói Chính phủ đã coi KH,CN&ĐMST là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời ở cả trong 2 Nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện.

Trong kết quả chung đó có sự đóng góp rất tích cực của ngành KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN địa phương nói riêng. Hoạt động KH&CN của các tỉnh/thành phố đã góp phần không nhỏ vào những thành tựu rất quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020.

Giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN đã hỗ trợ các địa phương triển khai gần 800 nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình quốc gia: Nông thôn miền núi; Đổi mới công nghệ; Quỹ gene; Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; Sở hữu trí tuệ; và nhiệm vụ cấp thiết phát sinh ở địa phương nhằm đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2020, các địa phương đã triển khai hàng nghìn nhiệm vụ KH&CN các cấp, tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương, bám sát thực tiễn và khả năng ứng dụng cao. Một số sản phẩm điển hình như Xoài Sơn La xuất sang thị trường Mỹ, Canada, Australia; chè (Thái Nguyên); trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long, chế biến rau quả ở Gia Lai, Tây Ninh,…; thủy - hải sản (Phú Yên; Khánh Hòa; An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu...). Đặc biệt, có một số sản phẩm chủ lực của tỉnh và Vùng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Phát triển vùng chuyên canh vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang, riêng năm 2020, doanh thu đạt 6.900 tỷ đồng, chiếm gần 19% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh; Phát triển chuỗi giá trị cây dừa Bến Tre với doanh thu 3.300 tỷ đồng, chiếm 12% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh);...

Các nghiên cứu về khoa học tự nhiên đã cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học quan trọng của thực tiễn điều kiện tự nhiên, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học, khí hậu - thủy văn làm căn cứ hoạch định định hướng phát triển. Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN để khai thác du lịch trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm ở Lai Châu, Quảng Bình, Kon Tum, du lịch sinh thái khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…

Các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn được triển khai toàn diện trên các mặt đời sống, xã hội, con người; đã tổng kết đánh giá và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể về KH,CN&ĐMST cung cấp luận cứ quan trọng để xây dựng  Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 của các tỉnh, thành phố..

Các đề tài nghiên cứu về y - dược được quan tâm đầu tư, tập trung vào nghiên cứu, đề xuất giải pháp chuyển giao các kỹ thuật công nghệ, giải pháp phòng và điều trị các bệnh trong y tế cộng đồng. Đã có nhiều dự án trồng, chế biến và tiêu thụ dược liệu được thực hiện, bước đầu đem lại giá trị kinh tế lớn ở Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa,  Quảng Nam, Phú Yên, Kon Tum, Lâm Đồng…

Ngành KH&CN từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Cụ thể, thúc đẩy xúc tiến phát triển thị trường KH&CN; tổ chức thành công Techfest vùng Đông Nam Bộ tại TP HCM, vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre, Cần Thơ, Techfesst quốc gia, Techdemo tại Hà Nội,…; thành lập mới 2 điểm kết nối cung – cầu công nghệ tại Thái Nguyên, Gia Lai, nâng tổng số điểm kết nối cung – cầu trên cả nước là 13 điểm. Đã tổ chức 137 cuộc kết nối trực tuyến giữa các đơn vị, doanh nghiệp với đối tác trong và ngoài nước về lĩnh vực thực phẩm hữu cơ, thiết bị công nghiệp, nông nghiệp, y tế…

Chương trình Khởi nghiệp quốc gia và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phát huy thế mạnh trong thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của cộng đồng khởi nghiệp cả nước và một số tổ chức quốc tế. Nhiều địa phương triển khai hiệu quả hoạt động này cả về chất và lượng như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Cần Thơ…

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã chú trọng hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện.

Trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (giai đoạn 2016 - 2020), đã có gần 200 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đưa vào sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như Cam sành Hàm Yên - Tuyên Quang, dầu tràm Huế, tôm hùm bông Phú Yên, yến sào Cù Lao Chàm - Hội An, quế Trà Bồng - Quảng Ngãi,... Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, chuyển đổi từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì, tem nhãn, thay đổi thói quen của cộng đồng từ việc sản xuất, phát triển sản phẩm tự do thành sản xuất sản phẩm có kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Công tác thông tin, truyền thông được đẩy mạnh với hệ thống cơ sở dữ liệu được hầu hết các địa phương khai thác, sử dụng phục vụ quản lý. Việc cung cấp thông tin KH&CN cho các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân ngày càng phong phú qua các hội nghị, hội thảo trực tuyến, các phương tiện truyền thông đại chúng bản tin, tạp chí, tập san KH&CN... Các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đã đồng hành, tích cực truyền thông hoạt động KH,CN&ĐMST góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và người dân về lĩnh vực này; thu hút sự quan tâm, đầu tư của xã hội, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống.

KH&CN ngày càng khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, ngành KH&CN cả nước nói chung và đặc biệt là hoạt động KH&CN ở địa phương nói riêng còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và phải làm quyết liệt hơn nữa để KH&CN thực sự có những đóng góp thiết thực, trực tiếp phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương.

Đề ra các nhiệm vụ mà ngành KH&CN cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt bày tỏ: “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2020 đưa ra quan điểm phát triển nhanh và bền vững với tư duy và cách tiếp cận mới, đó là dựa chủ yếu vào KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là điều tự hào, nhưng cũng là thách thức của ngành KHCN”.

Đồng thời đề nghị các Sở KH&CN cần hết sức chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu, xây dựng, triển khai kế hoạch, chương trình, đề án phát triển KHCN để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, bảo đảm phù hợp bối cảnh và điều kiện của địa phương và đề xuất các giải pháp triển khai khả thi, vững mạnh, có tính đột phá nhằm phục vụ tốt nhất cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt nhấn mạnh xây dựng các cơ chế, chính sách có tính chất nổi trội, đột phát, minh bạch, công khai, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay các đơn vị chức năng của Bộ đang xây dựng cơ chế thí điểm khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KHCN sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu, chấp nhận rủi ro. Đây là vấn đề khó, cần sự quyết tâm, kiên trì của toàn ngành KHCN cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu…

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng mong muốn trong thời gian tới, các Sở KH&CN tiếp tục đề xuất các chính sách để các bộ, ngành Trung ương xem xét ban hành; chủ động xây dựng các đề án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống theo hướng gọn, đáp ứng được yêu cầu quản lý, khả năng hoạt động hiệu quả, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao của ngành KH&CN. Đồng thời triển khai, khai thác các kết quả nghiên cứu đã có và có khả năng ứng dụng ngay tại địa phương, phục vụ trực tiếp các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng của các sản phẩm chủ lực địa phương. Tiếp tục nghiên cứu việc xây dựng các nhiệm vụ KH&CN và đổi mới sáng tạo có tính liên vùng…

Minh Hà

Tin khác

Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Tạp Chí Time công danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới 2024, trong đó có 3 Chủ nhân Giải đặc biệt VinFuture 2023 là GS. Daniel Joshua Drucker (Canada), GS. Joel Francis Habener và PGS. Svetlana Mojsov (Hoa Kỳ).
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ford đang triển khai chiến dịch triệu hồi hơn 450.000 chiếc Bronco Sport và Maverick. Nguyên nhân là do ắc quy 12-volt có thể đột ngột hết điện, nhất là trong lúc xe dừng đèn đỏ.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Patlytics là một nền tảng phân tích bằng sáng chế được hỗ trợ bởi AI, nhằm giúp các doanh nghiệp, chuyên gia sở hữu trí tuệ và công ty luật tăng tốc quy trình làm việc liên quan đến bằng sáng chế.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
(SHTT) - Spotify không phải là công ty duy nhất thử nghiệm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo danh sách phát. Amazon vừa thông báo họ cũng sẽ làm điều tương tự, và hiện đang thử nghiệm một công cụ tạo danh sách phát AI - Maestro.