SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

Truy xuất nguồn gốc điện tử: Bước chuyển mình của chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận

10:52, 11/09/2023
Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử theo dõi xuất xứ và dấu chân carbon trên trái thanh long đã được nhiều doanh nghiệp, nông dân Bình Thuận ứng dụng. Điều này giúp người tiêu dùng biết rõ lượng phát thải carbon trong từng công đoạn sản xuất và tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Theo đó, việc gắn mã QR truy xuất nguồn gốc cho trái thanh long Bình Thuận đã được thí điểm từ tháng 2/2023. Đây là hoạt động trọng điểm của lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long trong 3 năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và tỉnh Bình Thuận triển khai trong dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam”.

Với hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử theo dõi xuất xứ và dấu chân carbon trái thanh long, người tiêu dùng trong nước và quốc tế khi mua hoặc nhập khẩu thanh long từ vùng sản xuất trọng điểm Bình Thuận, có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ thực hành “xanh” hoặc thân thiện với môi trường được áp dụng để sản xuất ra trái cây này một cách minh bạch nhất.

Theo đó, các thiết bị thông minh tự động đo lượng khí phát thải khí carbon được lắp đặt tại từng vườn trồng, cập nhật lên không giang mạng, cho phép theo dõi và thống kê dấu chân carbon theo thời gian thực. Không chỉ dừng lại ở đó, ứng dụng này còn phân tích, để đưa ra các giải pháp để giảm phát thải carbon trong sản xuất, vận chuyển nông sản.

z4662544260231_cb838f6a66

Các nhà vườn thanh long tại Bình Thuận thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử theo dõi xuất xứ và dấu chân carbon.

Cụ thể, cải thiện hiệu quả sử dụng điện chiếu sáng – chuyển từ bóng Compact sang đèn Led giúp giảm tới 68% lượng phát thải từ sử dụng điện năng. Trồng xen cây thân gỗ tại các bờ bao, đường ranh giới, các khoảng trống trong vườn thanh long đã giúp hấp thu khí carbon do cây thanh long thải ra. Ước tính trồng 100 - 300 cây thân gỗ/ha, hấp thụ được 0,9 – 2,8 tấn CO2/ha/năm, tương đương giảm 20 - 45% lượng phát thải tại trang trại.

Đến nay, đã có 99 vườn trồng của nông dân thuộc 4 hợp tác xã tại Bình Thuận (HTX Thanh long Hoà Lệ, HTX Hàm Minh, HTX Thuận Tiến, Công ty TNHH nước ép Phúc Hà) đã được cấp tài khoản tham gia hệ thống này.

Tham gia chương trình thí điểm, bà Lê Thị Nguyên Hà - Giám đốc Công ty TNHH nước ép Phúc Hà, cho biết doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc và nhật ký điện tử cho trái thanh long tại các vườn của mình. Sau thời gian vận dụng và duy trì công việc kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện đáng kể.

8e6b479e07f3d2ad8be2

Bà Lê Thị Nguyên Hà - Giám đốc Công ty TNHH nước ép Phúc Hà chia sẻ khi ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho trái thanh long đã giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả trong quá trình canh tác và kinh doanh.

Theo bà Hà, khi ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, doanh nghiệp đã theo dõi được tiến độ sản xuất và tình hình kinh doanh. Không những thế, trong quá trình trồng trọt, ứng dụng phân tích dữ liệu, giúp doanh nghiệp kiểm soát được lượng lượng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...dễ dàng. Doanh nghiệp cũng liên tục cập nhật các thông tin về quá trình canh tác, trồng trọt cho đến quá trình thu hoạch, vận chuyển trái thanh long trên nhật ký điện tử. Từ đó giúp cho sản phẩm thanh long từng bước khẳng định về chất lượng, thương hiệu, đồng thời giúp người tiêu dùng yên tâm khi lựa chọn sản phẩm.

“Khi tem thanh long xanh Bình Thuận dán trên quả thanh long thì khách hàng chỉ cần quét mã sẽ thấy được nội dung về quy trình sản xuất, liều lượng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của trái thanh long trên nhật ký điện tử. Từ đó, giúp người tiêu dùng an tâm khi lựa chọn mua sản phẩm. Nếu như chúng ta duy trì tốt việc làm này thì quả thanh long Bình Thuận sẽ được mọi người đón nhận nhiều hơn nữa. Do đó, bản thân mỗi người nông dân phải có tư duy chuyển đổi số trong quá trình trồng trọt, áp dụng phương pháp canh tác hiện đại, tiến bộ, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc một cách bền vững để phát triển chỉ dẫn thanh long Bình Thuận quê mình”, bà Hà chia sẻ.

677006643b09ee57b718

Sản lượng, chất lượng trái thanh long Bình Thuận có nhiều thay đổi tích cực nhờ chuyển đổi số.

Có thể thấy, trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử được xem là một công cụ quan trọng để các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, thường là nơi đang tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới.

Tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển thị trường và thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long và chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm”, do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận tổ chức, ông Phạm Văn Quân - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee - cho biết hiện các quốc gia trên thế giới đặt ra hàng loạt các yêu cầu về kỹ thuật đối với trái thanh long như yêu cầu về việc truy xuất nguồn gốc, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh,... Đây là những rào cản khiến các mặt hàng nông sản thanh long Bình Thuận gặp khó khi xuất khẩu sang các quốc gia này. Do đó, doanh nghiệp cần phải thực hiện chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế.

Theo ông Quân, khi ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc và nhật ký điện tử cho trái thanh long sẽ giúp người tiêu dùng cũng như các bên liên quan truy tìm lịch sử các thông tin về quy trình sản xuất, chế biến, phân phối và cho đến khi sản phẩm đến được tay người tiêu dùng.

Theo chuyên gia, giải pháp truy xuất nguồn gốc này được ứng dụng xuyên suốt chuỗi giá trị và có thể ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau như mã QR, OCR, data matrix GS1 REID,... phụ thuộc vào từng mục tiêu của từng doanh nghiệp.

“Giải pháp này cần được áp dụng xuyên suốt chuỗi cung ứng của doanh nghiệp để đảm bảo sự đồng nhất trong thông tin về sản phẩm, tạo sự minh bạch cho doanh nghiệp và kịp thời phát hiện các vấn đề trong chuỗi cung ứng để đưa ra giải pháp cụ thể. Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ/nhỏ hoặc các hợp tác xã, hộ gia đình có thể ghi nhận và truyền thông tin sử dụng nhật ký nông trại, file excel và email”, ông Quân chia sẻ.

Thanh Thảo

Tin khác

Tin tức 13 giờ trước
Nhiều gian hàng với hàng trăm sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu huyện Thiệu Hoá năm 2024.
Tin tức 21 giờ trước
(SHTT) - Dạy lập trình máy tính cho trẻ em đang được coi là xu hướng giáo dục mới trên thế giới và Việt Nam. Không phải là những giờ học khô khan theo kiểu đọc, chép một chiều, các em nhỏ tại lớp học lập trình có thể rèn luyện tư duy logic, tư duy giải quyết vấn đề và thỏa sức sáng tạo.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ GD&ĐT vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên toàn quốc kiểm tra, đánh giá hoạt động của các công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong trường.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, thí sinh đang học lớp 12 sẽ chính thức thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến. Dự kiến năm nay có trên 1 triệu thí sinh sẽ đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tin tức 1 ngày trước
Văn phòng tư vấn về sở hữu trí tuệ miễn phí sẽ được đặt tại 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, với kỳ vọng thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo cho nhiều doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên,…